Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sản phẩm từ “2 nông”

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Trần Văn Dũng đang hoàn thiện chiếc máy sấy lúa di động chuẩn bị đưa vào sử dụng cho mùa vụ mới

Với những kỹ sư đã được đào tạo bài bản qua trường lớp thì làm việc gì họ cũng phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới thực hành. Còn với những người nông dân làm “khoa học” thì từ thực tiễn cuộc sống, nền nông nghiệp nước nhà mà họ sáng chế, cải tiến ra các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho nông nghiệp. Đó là sự khác biệt giữa “kỹ sư chân đất” và kỹ sư trường lớp.
Ý tưởng của nông dân
Bước vào căn nhà của anh Trần Văn Dũng (56 tuổi, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) chúng tôi mới thật sự thấy được niềm đam mê anh dành cho nghiên cứu “khoa học” nhiều đến mức nào. Sàn nhà ngổn ngang ốc vít, bu lông, máy móc, trên tấm phản anh nằm cũng lổn ngổn giấy, bút, sơ đồ, rồi ngoài hiên cũng bừa bộn sắt thép, máy hàn, máy cắt… Và “cơ đồ” lớn nhất của anh nông dân mê sáng chế là chiếc máy sấy lúa tự động, di động khá gọn gàng. Vốn xuất thân là nông dân, anh Dũng hiểu rõ hết những khó khăn mà người nông dân gặp phải trong công việc đồng áng hàng ngày. Anh nhớ lại: “Mùa thu hoạch năm đó, ruộng lúa nhà tôi chín sớm mà lại bị mưa nữa nên tôi phải gặt, sợ để ngoài đồng sẽ bị úng. Gặt xong gặp mưa nên không thể phơi được, đem đến nơi sấy lúa thì chủ máy sấy bảo là ít quá, không đủ mẻ nên không sấy, gia đình tôi thua lỗ trầm trọng. Tôi vì tức chủ máy sấy nên nghĩ cách để khắc phục tình trạng trên”. Và rồi, ngày qua ngày, đi làm đồng về là anh lao vào hết đục đẽo rồi lại hàn, cắt, có hôm nửa đêm đang ngủ, bỗng anh chợt nghĩ ra một chi tiết nào đó thế là bật dậy lao vào làm việc ngay. Mãi đến giữa năm 2010 thì ý tưởng đó mới được hiện thực hóa bằng việc anh chính thức cho ra mô hình máy sấy lúa tự động, di động bằng điện và được Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Trà Vinh cấp bằng sáng chế và bảo hộ bản quyền cho anh – sản phẩm của anh thương binh nông dân không qua một lớp học nào cả.
Còn với anh nông dân Vũ Ngọc Báo (50 tuổi, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thì ý tưởng cải tiến chiếc máy tưới phân nảy sinh ra trong lúc anh đang bón phân cho vườn thơm nhà mình. Anh cảm thấy thật sự khó khăn trong việc bón phân theo kiểu thủ công (đào lên, bỏ phân, lấp lại, tưới nước) như vậy thì tốn nhiều thời gian và công sức quá nên một thoáng ý tưởng về chiếc máy tưới phân đã được anh mường tượng ra. Sau hơn một tuần suy nghĩ và thử nghiệm, cuối cùng anh cũng đã cải tiến thành công máy tưới phân từ chiếc máy tưới nước cho cây.
Năm 2008, sau gần một năm mày mò, nghiên cứu anh nông dân Hà Xuân Cường (36 tuổi) đã cho ra đời chiếc máy xới giồng (đất để trồng rau, hoa màu). Vốn là một nông dân thứ thiệt, trình độ chưa qua lớp 5 nhưng anh đã cho ra đời một sản phẩm vừa tiết kiệm được công sức, nhân lực và tiền bạc mà hiệu quả công việc lại cao gấp nhiều lần. Máy xới đất có kết cấu khá đơn giản nhưng quan trọng nhất và được anh coi là “bí kíp” chính là lưỡi xới. Không chỉ có lưỡi xới, chiếc máy anh sản xuất ra còn nhỏ, gọn, có thể di chuyển bằng xe máy và có thể chạy trên bất cứ địa hình nào, rất thuận tiện cho việc di chuyển ở nông thôn. Từ ngày anh sản xuất ra máy đến nay, anh đã bán ra thị trường hơn 120 chiếc. Chiếc máy xới đất này là bước ngoặt của cuộc đời anh, biến anh từ một nông dân chân lấm tay bùn sang một người thợ cơ khí ngày ngày gò hàn, lắp ráp nhưng dường như với anh cái bản tính nông dân vẫn không thay đổi.
Phục vụ nông nghiệp là chính
Mỗi chiếc máy, mỗi sản phẩm trước khi “ra lò” đều được thực tiễn nhà nông kiểm chứng, sai là sửa, thiếu là bổ sung. Nên một khi có sản phẩm mới do người nông dân sản xuất ra, người mua rất yên tâm khi sử dụng vì đó là sản phẩm của nhà nông, phục vụ lợi ích cho chính người sáng chế nên không lo gặp phải hàng “kém chất lượng”. Từ trước đến nay, dường như không có một người nông dân nào phát minh, sáng kiến, cải tiến máy móc cho các ngành, nghề khác mà tất cả những việc họ làm đều hướng đến mục đích phục vụ nông nghiệp. Anh Vũ Ngọc Báo – người đã cải tiến máy tưới nước thành máy tưới phân chia sẻ: “Khi tôi cải tiến được chiếc máy này tôi không nghĩ gì khác ngoài việc nó sẽ thuận tiện hơn, hiệu quả hơn cho công việc của tôi”. Ngành nông nghiệp luôn phải hứng chịu những khó khăn, thách thức từ thiên nhiên khắc nghiệt nên trong mỗi người nông dân luôn có ý nghĩ làm sao khắc phục khó khăn, chinh phục được thiên nhiên khắc nghiệt để làm ra những sản phẩm có chất lượng phục vụ đời sống của mình.
Bài, ảnh: Công Luận

Từ ý tưởng của nông dân, đến mục đích phục vụ cho nông nghiệp đã có biết bao nhiêu máy móc, thiết bị ra đời phục vụ cho việc sản xuất, canh tác nông nghiệp. Đó thật sự là sản phẩm của “2 nông”: nông dân và nông nghiệp.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)