Dù nằm trong danh mục hàng cấm nhưng việc mua bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi vẫn diễn ra lén lút, sôi động với đủ loại, đủ giá.
Một sản phẩm được rao bán là vòng đeo tay chế tác từ ngà voi |
Nhan nhản trên thị trường
Tại Việt Nam, loài voi đang được Chính phủ Việt Nam bảo vệ, thông qua việc cấm buôn bán ngà voi. Tuy nhiên, theo thống kê của hải quan trong những năm vừa qua, nhiều vụ vận chuyện ngà voi với số lượng lớn vào Việt Nam liên tiếp bị phát hiện.
Với giá trị thượng hạng, ngà voi được săn tìm mặc dù đây là mặt hàng quốc cấm. Không chỉ ngà voi, các sản phẩm làm từ lông đuôi voi cũng trở nên đắt hàng. Chỉ cần một cú nhấp chuột là đã có thể tìm thấy sản phẩm chế tác từ ngà voi, lông đuôi voi… được bán tràn lan trên mạng. Người mua cũng có thể tìm thấy sản phẩm này tại một số cửa hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm được bày bán công khai. Tuy nhiên, thực tế đa phần đều được làm giả tinh vi.
Gọi vào một số điện thoại của cửa hàng bán sản phẩm phong thủy, chúng tôi được nhân viên tư vấn nhiệt tình khi ngỏ ý muốn đặt mua vòng đeo tay ngà voi. “Thị trường ngà voi ngày càng khan hiếm, giá thành tăng từng ngày. Khách hàng rất chuộng sản phẩm vòng ngà voi của cửa hàng em. Đeo vòng ngà voi trên tay có chức năng giải độc trong cơ thể, xua đuổi tà ma và đem lại may mắn cho người sử dụng. Ngoài tác dụng về chữa bệnh thì vòng ngà voi là vật phẩm nữ trang quí giá và đắt đỏ, nâng “đẳng cấp” của mình”, nhân viên cửa hàng ngọt ngào nói với chúng tôi qua điện thoại. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy mức giá của các sản phẩm vòng tay ngà voi, bông tai ngà voi, nhẫn lông đuôi voi… có nhiều mức giá khác nhau trên thị trường, thậm chí còn có sự chênh lệch khá cao. Một chiếc nhẫn ngà voi dành cho nữ với mức giá thấp trung bình khoảng 700.000 đồng nhưng có nơi lại bán với mức giá vài triệu đồng. Trên một số website buôn bán sản phẩm phong thủy còn có những hướng dẫn, chia sẻ để phân biệt đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm giả. Theo anh Phạm Phú, một hướng dẫn viên du lịch hay dẫn khách vào Buôn Đôn (Đắk Lắk), nhiều du khách ở miền xuôi đến Buôn Đôn thường tìm mua các sản phẩm chế tác từ ngà voi, lông đuôi voi với mong muốn có nhiều may mắn, sức khỏe khi người đeo nó. Ngay cả ở Buôn Đôn, các sản phẩm cũng đã có mức giá khá chênh lệch nhưng cũng không chắc đâu là sản phẩm thật.
Đẹp mà… không đẹp
Theo anh Phạm Phú, một hướng dẫn viên du lịch hay dẫn khách vào Buôn Đôn (Đắk Lắk), nhiều du khách ở miền xuôi đến Buôn Đôn thường tìm mua các sản phẩm chế tác từ ngà voi, lông đuôi voi với mong muốn có nhiều may mắn, sức khỏe khi người đeo nó. Ngay cả ở Buôn Đôn, các sản phẩm cũng đã có mức giá khá chênh lệch nhưng cũng không chắc đâu là sản phẩm thật. |
Ngày 6-9, chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV 1 – Hải quan TP.HCM phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu – Bộ Công An và Bộ đội biên phòng TP.HCM đã tổ chức khám xét hai container hàng nhập từ châu Phi có nghi vấn. Theo tờ khai, trong hai container này chứa 200 thùng phuy được một công ty có trụ sở tại đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) làm thủ tục quá cảnh tại cảng Cát Lái (quận 2) để tiếp tục xuất đi Campuchia. Đơn vị nhập khẩu khai lô hàng này là 16 tấn nhựa đường. Tuy nhiên qua soi chiếu, lực lượng chức năng nghi ngờ nên cho tháo dỡ lô hàng. Kết quả kiểm tra bên các container là nhiều thùng phuy cất giấu ngà voi trộn lẫn với mùn cưa.
Nhiều năm qua, không ít vụ án liên quan đến việc vận chuyển ngà voi trái phép với số lượng lớn đã được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, vì ma lực của đồng tiền, nhiều kẻ gian đã bất chấp quy định của pháp luật. Theo thống kê của 2 tổ chức phi chính phủ WildAid và Change, mỗi năm có 33.000 con voi châu Phi bị giết hại. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Canada, Mỹ… đã ban hành lệnh cấm mua bán ngà voi trong nước. Tại Việt Nam, theo khoản 2 điều 11 Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì voi (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng như ngà voi…) được xếp vào nhóm những động vật đặc biệt quý hiếm là hàng hóa bị cấm buôn bán ở nước ta.
Voi là động vật nằm trong Sách đỏ của danh mục các loại động vật, thực vật hoang dã quy định trong phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Hiện nay, số lượng voi ở Việt Nam ngày càng khan hiếm, tập trung chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk giáp ranh Campuchia, Nghệ An, Đồng Nai… Ngăn chặn việc mua bán, tiêu thụ ngà voi, các sản phẩm chế tác từ ngà voi, đuôi voi… là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay để bảo vệ loài voi.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)