Nhìn hình dáng bên ngoài rõ ràng là một tờ giấy mỏng có kích thước 20x20mm, nhưng khi đem đi thấm nước khoảng 3 giây thì ngay lập tức tờ giấy biến thành bọt xà phòng trắng xóa, hương thơm dễ chịu.
Cô Lê Thị Thúy và một số thành viên giới thiệu sản phẩm
Sản phẩm xà phòng giấy do một nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) sáng chế. Với sản phẩm này, các em hy vọng sẽ tạo nên sự tiện lợi cho mọi người khi vệ sinh, sát khuẩn đôi tay, tiết kiệm chi phí mua xà phòng, đồng thời hướng tới dự án khởi nghiệp lâu dài.
Tiết kiệm chi phí
Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 vừa qua, nhu cầu về nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn… của thị trường rất nhiều, dù giá tăng vọt nhưng người tiêu dùng vẫn xếp hàng mua về sử dụng. Từ đó, một nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đã nghĩ ra cách sản xuất xà phòng từ những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên giúp mọi người tiết kiệm chi phí. “Nếu chúng ta có thể tự sản xuất ra xà phòng từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà để sử dụng mà không cần phải đi mua thì sản phẩm không chỉ giúp an toàn, chất lượng mà còn tiết kiệm được một khoản chi tiêu cho gia đình”, Nguyễn Đức Thành (học lớp 11A1, thành viên nhóm thực hiện dự án) cho biết.
Với sự hỗ trợ của cô Lê Thị Thúy (giáo viên môn công nghệ của trường), một dự án sản xuất sản phẩm diệt khuẩn mang tên The jeunesse ra đời với 12 thành viên. Những ngày đầu nhóm thực hiện hướng đến nghiên cứu và chế tạo ra xà phòng nước gồm các nguyên liệu: dầu ăn, dầu dừa, cám gạo, đậu phộng kết hợp với dung dịch NaOH (thường được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như giấy, luyện nhôm, dệt nhuộm, xà phòng, chất tẩy rửa, tơ nhân tạo…). Bên cạnh đó, nhóm cũng tận dụng một số hương liệu từ tự nhiên để tạo mùi hương cho xà phòng. Bằng nguồn kiến thức đã được thầy cô dạy trên lớp, cộng thêm tinh thần chịu khó học hỏi, đam mê nghiên cứu, nhóm đã tạo ra được sản phẩm ban đầu. “Tuy nhiên, sau khi mang đi thử độ pH thì quá cao, nếu không điều chỉnh mà sử dụng luôn thì sẽ gây hại cho da. Vì vậy, chúng em phải tiến hành nghiên cứu lại nhưng lần này độ pH lại quá thấp không có tác dụng khi dùng. Khi làm tới lần thứ 3, xà phòng mới đúng tiêu chuẩn và sử dụng được vì độ pH=7. Đây là môi trường trung tính và ức chế được vi khuẩn mà không gây hại cho da tay”, một thành viên trong nhóm cho biết. Sau khi làm xà phòng nước thành công, nhóm lại thấy rằng sản phẩm này chỉ tiện sử dụng tại chỗ, rất bất tiện khi mang đi xa. “Với xà phòng nước, khi sử dụng, người dùng phải lấy một tay ấn vào nút phía trên để đẩy lượng xà phòng vào lòng bàn tay còn lại. Nếu lỡ tay ấn xà phòng ra quá nhiều sẽ gây lãng phí; nhưng nếu có xà phòng giấy, khi rửa tay mình chỉ cần lấy một miếng là đủ. Khi đi ra đường hay đi du lịch thì cũng tiện mang theo không rườm rà, nặng nề”, Đức Thành chia sẻ.
Các thành viên nhóm thực hiện dự án rửa tay bằng xà phòng giấy do mình sáng chế
Theo các thành viên trong nhóm, hiện nay xà phòng giấy không phải là loại hiếm, trên các trang mạng bán hàng online hoặc trong siêu thị, ngoài chợ vẫn có bán nhưng giá thành khá đắt, đa số sản phẩm đều có nguồn gốc từ nước ngoài, chất lượng khó đảm bảo. Từ nhu cầu của bản thân cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa, các thành viên trong nhóm đã quyết định chuyển từ sản xuất xà phòng nước sang xà phòng giấy. “Khi sản xuất xà phòng nước xong thì chuyển sang làm xà phòng giấy cũng khá đơn giản. Các em chỉ cần nguyên liệu là miếng giấy mỏng, dễ tan trong nước, sau đó quét dung dịch xà phòng nước lên rồi mang đi xử lý là sử dụng được. Về kích thước của miếng xà phòng giấy thì tùy theo nhu cầu, sản xuất dạng 10x20mm hay 20x20mm… đều được, sau đó đóng hộp, dán nhãn”, cô Thúy cho biết.
Hướng đến khởi nghiệp
Các thành viên thực hiện dự án kỳ vọng sẽ đưa The jeunesse trở thành một dự án khởi nghiệp thật sự chứ không dừng lại ở việc nghiên cứu và tạo ra sản phẩm để sử dụng trong nhà trường và gia đình. Để thực hiện mục tiêu đó, 12 thành viên chia thành nhiều nhóm nhỏ như truyền thông – marketing, kế toán, thiết kế bao bì, nghiên cứu, sản xuất… làm việc có quy trình, chiến lược, kế hoạch cụ thể. Hàng tuần, các nhóm còn có những cuộc họp online để trao đổi, đưa ra ý tưởng với mong muốn đưa sản phẩm lan rộng ra nhiều nơi để mọi người biết tới. “Hiện tại sản phẩm của chúng em đã được nhiều bạn học sinh ở trường khác biết tới, trong đó có những bạn ở Đà Nẵng, Hà Nội… Các bạn biết đến sản phẩm từ Fanpage “The jeunesse” với những bài viết do nhóm truyền thông – marketing thực hiện. Sắp tới chúng em sẽ nghiên cứu để sản phẩm xà phòng giấy tốt hơn, đưa đi kiểm định chất lượng; đồng thời nghiên cứu chế tạo xà phòng giấy dạng cuộn như cuộn băng keo để người dùng ngắt từng đoạn sử dụng theo nhu cầu. Ngoài ra, chúng em cũng sẽ triển khai ứng dụng than hoạt tính để tạo nên xà phòng”, Đức Thành bật mí.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)