Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sẵn sàng cạnh tranh

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay, ngày 31-12, theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tám lĩnh vực ngành nghề đầu tiên được tự do di chuyển gồm bác sĩ, điều dưỡng, nha khoa, kiến trúc, xây dựng, khảo sát, kế toán, du lịch.

Sinh viên ngành điều dưỡng một trường ĐH trong giờ thực hành chăm sóc bệnh nhân mô phỏng. Đây là một trong tám ngành nghề được tự do dịch chuyển trong khối ASEAN - Ảnh: Như Hùng
Sinh viên ngành điều dưỡng một trường ĐH trong giờ thực hành chăm sóc bệnh nhân mô phỏng. Đây là một trong tám ngành nghề được tự do dịch chuyển trong khối ASEAN – Ảnh: Như Hùng
Điều dưỡng là một trong tám ngành nghề thông thương lao động ngay hôm nay. Trong ảnh: sinh viên khoa điều dưỡng Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch trong giờ thực hành chăm sóc bệnh nhân mô phỏng - Ảnh: Như Hùng
Điều dưỡng là một trong tám ngành nghề thông thương lao động ngay hôm nay. Trong ảnh: sinh viên khoa điều dưỡng Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch trong giờ thực hành chăm sóc bệnh nhân mô phỏng – Ảnh: Như Hùng

Những lao động trẻ Việt Nam nhìn thấy cơ hội, thách thức và những điều cần làm đáp ứng điều kiện trong thỏa thuận công nhận tay nghề giữa các nước như thế nào?

ThS ĐOÀN THỊ KIM THOA (phó trưởng bộ môn điều dưỡng ĐH Y dược TP.HCM):

Đủ tự tin 
sang các nước

Về mặt kiến thức và tay nghề thì điều dưỡng Việt Nam rất tốt. AEC chính là mở thêm cơ hội học hỏi, hợp tác.

Việc đào tạo điều dưỡng tại Việt Nam hiện nay ngang tầm với các nước trong khu vực dựa trên chuẩn năng lực thực hành điều dưỡng chuyên nghiệp: kiến thức, kỹ năng, thái độ…

Hiện tại, có một số du học sinh Lào, Campuchia đang học tại trường, chính các bạn cũng chia sẻ khuyến khích các bạn ở Thái Lan sang Việt Nam học.

Cơ hội và thách thức luôn song song trong sự phát triển, tuy nhiên các dự án đào tạo trong tương lai sẽ đáp ứng xu thế hội nhập, sinh viên ra trường đủ tự tin để sang các nước làm hoặc cạnh tranh với lao động mới dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi khác.

* Bác sĩ Phạm Thế Hiển (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương):

Thách thức lớn nhất 
là trình độ tiếng Anh

Khi một bác sĩ trẻ chuẩn bị cho mình vốn tiếng Anh giỏi thì đây sẽ là cơ hội tốt. Nói vậy bởi xét về mặt chuyên môn y khoa thì bác sĩ Việt Nam không thua kém các bác sĩ trong khu vực. Chỉ có thua kém lớn nhất là trình độ tiếng Anh.

Ở các nước như Malaysia, Indonesia, Singapore… giáo trình y khoa đều được dạy bằng tiếng Anh, trong khi Việt Nam vẫn dạy bằng tiếng Việt.

Vốn tiếng Anh của mình chỉ đủ dùng và do bản thân thấy cần chứ không phải đón đầu xu thế, nhưng trên con đường đã mở này thì những chuẩn bị về kiến thức chuyên môn, hoạt động kỹ năng, ngoại ngữ trong thời gian qua lại là thời cơ thích hợp để vận dụng trong thời điểm này.

Khi nói về thị trường sẽ nói đến tính cạnh tranh, trong lĩnh vực y tế thì các yếu tố tâm lý, ngôn ngữ, giao tiếp, đặc điểm vùng miền có một phần ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị là thế mạnh của nhân lực Việt Nam lao động tại đất nước của mình.

* Anh Nguyễn Đăng Khoa (kế toán tài chính):

Lợi thế từ đối tác 
nước ngoài

Để hoạt động “xuyên biên giới”, những kế toán, kiểm toán viên đã được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam cần được “nâng cấp” lên chứng chỉ kiểm toán viên ASEAN để đủ điều kiện hành nghề ở tất cả các nước ASEAN mà không phải xin phép, thi sát hạch, chỉ cần đăng ký hành nghề theo quy định của nước đó.

Bản thân tôi đang làm cho công ty vừa hoạt động tại Việt Nam và Ấn Độ nên một phần tôi có thêm kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài. Đây là một điểm thuận lợi của tôi, cũng là của nhóm ngành kế toán nói chung.

Bên cạnh đó, kế toán kiểm toán Việt Nam được tiếp cận làm việc tại các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kiểm toán quốc tế, hoạt động dưới hình thức 100% vốn nước ngoài hoặc thông qua công ty đối tác trong nước để cung cấp dịch vụ.

* Anh Phùng Hiếu (nhân viên kinh doanh một công ty lữ hành tại TP.HCM):

Sẵn sàng cạnh tranh

Những người có kỹ năng, có kinh nghiệm và trình độ thật sự sẵn sàng cạnh tranh với nhân sự các nước khi đến Việt Nam.

Nhưng ngược lại, bất kể là nhân viên kinh doanh, quản trị khách sạn hay là một hướng dẫn viên, nếu anh thấp kém về trình độ thì buộc anh phải bị đào thải, không thể cứ ngồi vị trí đó mãi mà phải chuyển sang một vị trí khác đúng với năng lực để “nhường sân” cho người khác.

Nếu được làm việc mà xung quanh mình toàn những người giỏi đến từ các nước thì rõ ràng chúng ta có một môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Chúng ta hội nhập ngay từ cách làm việc dẫn đến chúng ta sẽ có một nền du lịch chuyên nghiệp hơn hiện nay.

* Anh Phùng Kim Phước (kiến trúc sư của Công ty TNHH kiến trúc Cộng Sinh, TP Huế):

Một bước ngoặt

Gia nhập AEC là một bước ngoặt cho lực lượng lao động trong ngành kiến trúc Việt Nam, nhất là những kiến trúc sư trẻ. Các kiến trúc sư trẻ Việt Nam có trình độ chuyên môn tốt như kỹ năng thể hiện 3D ngang ngửa với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore hay Thái Lan.

Mặt khác, hiện chúng ta cũng đang hướng đến kiến trúc hiện đại nên chúng ta có sự tương đồng với các nước phát triển trong khu vực. Đây chính là lợi thế, chúng ta có nhiều cơ hội để tự do làm việc ở các nước.

Ngược lại, kiến trúc sư các nước cũng có thể vào Việt Nam nên chúng ta có sự giao thoa, học hỏi lẫn nhau để tạo nên sự cạnh tranh và khi có cạnh tranh tất nhiên sẽ kéo theo sự phát triển.

* Nha sĩ Nguyễn Đức Quỳnh Trang (Bệnh viện Trường ĐH 
Y dược Huế):

Cơ hội tiếp cận 
nền y học tiên tiến

Chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận với một số nước có nền y học cao hơn Việt Nam để nâng cao trình độ chuyên môn, vừa có thể làm việc và cũng vừa học tập.

Ngược lại, các nha sĩ Việt Nam sẽ dễ dàng được tiếp xúc, trao đổi với nha sĩ của các nước khi họ đến Việt Nam làm việc.

Chúng ta phải có định hướng đến nước nào làm việc để vừa nâng cao ngoại ngữ, vừa học thêm ngôn ngữ bản địa, nhưng đồng thời cần phải tìm hiểu về văn hóa của nước mà chúng ta muốn đến làm việc.

* Anh NGÔ QUANG NHẬT 
(kỹ sư xây dựng tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn – Thanh Hóa):

Đầu tư chính mình 
để không bị “lép vế”

Đây là thách thức rất lớn bởi thị trường lao động ngành xây dựng dễ bị lao động nước ngoài lấn sân. Chưa cần đến AEC mà như hiện nay ở công ty tôi, số lượng lao động của Nhật Bản và Philippines đã đông hơn lao động Việt Nam.

Dù kỹ năng, năng suất làm việc của lao động Philippines ngang bằng với các kỹ sư Việt Nam nhưng họ vẫn được đánh giá cao hơn bởi họ có kinh nghiệm làm việc quốc tế và vốn ngoại ngữ tốt.

Do đó, để không bị “lép vế” trước lao động các nước thì chúng ta phải đầu tư ngoại ngữ, tiếp tục nâng cao trình độ và có tác phong, thái độ làm việc 
chuyên nghiệp.

 

DIỆU NGUYỄN – NGỌC HIỂN/TTO

 

Bình luận (0)