Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi THPT quốc gia 2015 chính thức diễn ra. Đến thời điểm này, các địa phương đã kết thúc khâu ôn tập, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi.

TP.HCM: Thí sinh tự tin về kiến thức

Nhiều giáo viên toán, văn và ngoại ngữ tại TP.HCM cho biết đã ôn tập kỹ cho các thí sinh sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Không khó để đạt điểm 5 môn toán

Thầy Trần Quốc Việt, giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du, cho biết trong kỳ thi thử vừa qua, các thí sinh mắc khá nhiều lỗi về hình thức trình bày lẫn kỹ năng làm bài. Cụ thể, nhiều em không đọc kỹ đề bài dẫn đến nhầm lẫn các giả thiết; bài làm thiếu kết luận, thiếu đặt các điều kiện cần thiết hoặc quên so sánh với điều kiện sau khi giải… Ngoài ra, các em còn sử dụng ký hiệu tùy tiện mà không giới thiệu trước đó, làm bài quá vắn tắt mà không giải thích hoặc thiếu những lập luận cần thiết. Một số em lại chọn các phương pháp giải cầu kỳ trong khi có thể chọn cách làm đơn giản dẫn đến không đủ thời gian làm bài, gây cảm giác thừa hoặc không cần thiết cho giám khảo khi chấm. “Rút kinh nghiệm từ những lỗi sai này, tôi đã nhắc nhở và giúp các em khắc phục trong thời gian ôn tập vừa qua. Đồng thời nhắc các em tận dụng tối đa việc sử dụng máy tính cho việc giải phương trình và hệ phương trình. Các biến đổi nhỏ như quy đồng mẫu số, chuyển về rút gọn có thể làm ngoài giấy nháp và ghi kết quả vào vì thường các biến đổi này không được tính điểm trong đáp án. Nếu thực hiện đúng như những gì tôi đã dặn, việc các em đạt điểm trung bình là không khó”, thầy Việt chia sẻ.

HS Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: N.Anh

Trong khi đó thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie, cho hay: Đối với những thí sinh sử dụng kết quả thi với mục đích xét tốt nghiệp, trường đã tập trung cho các em ôn tập 6 chủ đề dễ, gồm: Hàm số, phương trình, số phức, tích phân, hình học giải tích trong không gian, hình học không gian và một số chủ đề dễ nằm trong chương trình lớp 10, 11 là lượng giác, tổ hợp và xác suất. “Tôi lưu ý các em cần đọc qua một lượt đề thi trước khi làm bài vì các câu hỏi dễ sẽ nằm rải rác khắp đề chứ không nằm riêng thành từng phần. Ngoài ra, khi làm bài phải trình bày cẩn thận, chia thành từng bước rõ ràng, riêng biệt từng nội dung và có thể sử dụng hình minh họa nếu cần”, thầy Toàn cho hay.

Phần đọc hiểu dễ “ăn” điểm

Cô Vũ Thị Phương Nga, giáo viên môn văn Trường THPT Đức Trí, nhận xét: Trong cấu trúc đề thi môn văn năm nay, phần đọc hiểu là phần được tăng cường điểm và cũng là phần dễ “ăn” điểm nhất nên khi ôn tập tôi đã lưu ý các em phải khai thác tối đa. Ở phần này, tôi đã ôn tập và lưu ý em về các biện pháp tu từ căn bản, kiến thức tác giả trong chương trình lớp 12. Phần nghị luận văn học dù kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình 12 nhưng vẫn phải ôn tập các tác phẩm nòng cốt trong chương trình lớp 11. Riêng với phần nghị luận xã hội, tôi tập trung cho các em ôn tập vào các tư tưởng đạo lý kết hợp sự kiện xã hội; khơi gợi trình bày cảm nghĩ với những lối sống, suy nghĩ tốt đẹp; những hiện tượng, trào lưu đáng lên án của giới trẻ.

Cô Hoàng Cẩm Bình, giáo viên Trường THPT Thanh Đa, cũng nhận định: Lỗi sai của nhiều thí sinh khi làm câu hỏi nghị luận là hiểu sai dẫn đến… lạc đề. Đối với phần này, thí sinh cần đọc kỹ đề và gạch chân dưới những từ/cụm từ quan trọng trong đề. “Các câu hỏi nghị luận xã hội những năm gần đây thường xoay quanh các chủ đề tư tưởng đạo lý và những hiện tượng xã hội. Ở phần này, tôi đã lưu ý các em nên chú ý tới các vấn đề thời sự, đọc nhiều báo và khi có sự kiện gì phải suy ngẫm để lấy tư liệu cho bài thi sau này. Trình bày bài thi phải ngắn gọn, chính xác, phải có câu mở và câu kết để phần trả lời được trọn vẹn”, cô Bình chia sẻ.

Không được bỏ sót câu trắc nghiệm tiếng Anh

So với các năm trước, đề thi THPT quốc gia 2015 môn tiếng Anh sẽ có sự khác biệt đáng kể: Số lượng câu hỏi nhiều hơn, mức độ khó hơn và đặc biệt có thêm bài luận. Thầy Hoàng Đức Bình, giáo viên Trường THCS-THPT Nhân Văn, cho biết: Chúng tôi đã tập trung ôn tập kỹ cho các em phần ngữ âm (có đuôi “s”, “es”, “ed”), dấu nhấn các từ có 2-3 âm tiết. Về phần ngữ pháp, chúng tôi cũng ôn tập để các em nắm vững công thức và luyện tập các bài tập về thì, câu điều kiện, câu bị động, mệnh đề quan hệ, cách dùng giới từ, mạo từ, cụm động từ… “Phần câu tự luận hơi khó đối với những học sinh trung bình, trung bình khá nên chúng tôi chú trọng nhiều hơn về phần bài luận. Tuy dạng bài này mới (trước đây chỉ có trong đề thi ĐH) nhưng các em chỉ cần viết những câu đơn giản, không cần quá phức tạp vì dễ bí từ và sai ngữ pháp. Và dù viết dài hay ngắn thì các em vẫn phải có đủ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết luận và phải chú ý đến quan điểm cá nhân khi trình bày. Với những thí sinh sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH, CĐ, chúng tôi cũng dặn các em nên đọc nhiều sách, báo bằng tiếng Anh để có thêm vốn từ, học cách trình bày… để bài viết của mình được phong phú”, thầy Bình nhấn mạnh.

Linh Vy

Khu vực phía Bắc

Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, lãnh đạo Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết nhà trường đã tổ chức ôn luyện kiến thức cho học sinh lớp 12 từ giữa tháng 5. Thời gian ôn khoảng 3 tuần. Đến giờ thì học sinh đã nghỉ để tự ôn tập ở nhà. “Quy định chỉ học 3 tiết/buổi nhưng nhiều thầy cô đã “kéo” qua trưa. Thậm chí là ban giám hiệu phải xuống tận lớp “đuổi” thì thầy trò mới tan”, vị lãnh đạo này nói. Về mặt kiến thức, trong 3 tuần ôn luyện, các thầy cô cũng đã ôn đi ôn lại kiến thức và xâu chuỗi một cách có hệ thống để học sinh dễ học, nhất là các em có học lực yếu và trung bình.

Trong khi đó Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu các trường THPT trên địa bàn tỉnh tiếp tục hệ thống hóa kiến thức các môn học, rèn kỹ năng làm bài thi cho học sinh đến sát ngày thi. Trong đó tập trung ưu tiên các đối tượng học sinh có học lực yếu và học sinh có điểm thi thử đạt dưới 2 điểm. Lãnh đạo sở cũng cho biết, các trường còn có nhiệm vụ tập trung vào việc cho học sinh làm quen với đề thi trong các trường hợp: Trong đề thi câu cơ bản và câu nâng cao được trộn lẫn; trong đề thi câu cơ bản và câu nâng cao được phân định rõ ràng nhằm chuẩn bị tâm lý cho các em.

Em Nguyễn Hoàng Hồng Ngọc, học sinh một trường THPT trên địa bàn Hà Nội, cho biết em lo nhất phần viết luận của môn ngoại ngữ. Dù đã được thầy cô ôn tập kỹ nhưng vẫn lo vì thời gian được làm quen với hình thức thi này quá ngắn. Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên tiếng Anh ở tỉnh Nam Định, cho biết phần thi viết luận trong môn ngoại ngữ có mới so với đề thi ngoại ngữ những năm trước. Tuy nhiên, không đến nỗi quá khó khiến thí sinh không làm được. Giáo viên ngoại ngữ đã hướng dẫn cụ thể các bước để giải quyết phần thi này của đề. Cô Kim Anh nói: “Phần viết luận chiếm 20% tổng số điểm của bài thi nên thí sinh không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều thời gian vào phần này. Chỉ cần viết đủ ý, đúng chính tả, ngữ pháp là ổn. Thời gian còn lại, nên dành cho những câu trắc nghiệm”.

Nghiêm Huê

 

Bình luận (0)