Để ngành du lịch mở cửa hoàn toàn từ ngày 15-3, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ…
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết điều quan trọng nhất là các bộ, ngành liên quan cần phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) hoàn thiện phương án đón khách quốc tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khôi phục chính sách miễn visa
Trước dịch Covid-19, một trong những động lực để Việt Nam thu hút được 18 triệu lượt khách quốc tế chính là việc miễn visa, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách trong năm 2022
"Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế này. Tuy nhiên, khi Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại, một trong những vấn đề cốt lõi cần phải khôi phục chính là chính sách miễn visa" – ông Khánh nói.
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Vietfoot Travel, đánh giá việc khôi phục lại chính sách visa như trước khi xảy ra dịch là điều hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp (DN) lữ hành đều khao khát chính sách thị thực được cởi mở, thông thoáng hơn nữa, đặc biệt là đối với các nước phát triển có mức chi trả cao. Chính sách visa cởi mở sẽ tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội cho ngành kinh tế xanh của Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, ngành du lịch, nhất là các DN du lịch và hàng không, cần bắt tay chặt chẽ hơn để xây dựng sản phẩm hấp dẫn và tăng cường thu hút khách từ các thị trường trọng điểm. Trước mắt, sẽ hướng vào những thị trường không có các quy định quá chặt chẽ trong việc cách ly khách sau khi đi du lịch Việt Nam trở về; những thị trường đã có động thái mở cửa, thu hút khách quốc tế đến, tạo điều kiện cho khách đi du lịch nước ngoài trở lại. Tổng cục Du lịch sẽ nghiên cứu để có những chính sách, chiến lược cụ thể thu hút khách phù hợp ở từng thị trường.
Theo Tổng cục Du lịch, điều cũng rất quan trọng lúc này là phải bảo đảm chất lượng sản phẩm và những tiện ích mà khách quốc tế được hưởng khi đi du lịch Việt Nam. Năng lực cạnh tranh đến thời điểm này không phải là giá cả mà là chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Vì thế, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ DN du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến quảng bá, truyền thông mạnh trên các nền tảng số. Đồng thời tham gia các chương trình hội chợ quốc tế du lịch lớn được tổ chức ở những thị trường trọng điểm với Việt Nam, trước mắt là các hội chợ quốc tế ở Đông Bắc Á, châu Âu.
Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn
Ông Phạm Duy Nghĩa cho hay để chuẩn bị cho ngày 15-3, Vietfoot Travel đã họp với các hãng hàng không và đại sứ quán để chuẩn bị kế hoạch triển khai các tour cho khách inbound (đón du khách quốc tế đến Việt Nam) và outbound (đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài).
"Là đại lý ủy quyền của Đại sứ quán Pháp và Đại sứ quán Cộng hòa Czech nên chúng tôi tiếp nhận thông tin rất nhanh và đã thông báo từ tuần này, các đại sứ quán châu Âu sẽ mở cửa trở lại. Vietfoot Travel đã chính thức mở lại các dịch vụ du lịch outbound đưa du khách Việt Nam đi châu Âu và inbound đón du khách châu Âu vào Việt Nam từ ngày 15-3" – CEO Vietfoot Travel cho biết.
Với thị trường outbound, thay vì làm du lịch kiểu check-in tour, DN này hướng du khách tới du lịch trải nghiệm, thậm chí còn dự định cho ra mắt sản phẩm du lịch khá mới mẻ là du lịch định cư và du lịch bất động sản định cư.
Lạc quan trước ngày mở cửa nhưng cũng rất thận trọng, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Golden T Travel, thừa nhận các DN du lịch sợ nhất cảnh "mở rồi lại đóng". Dù đã chính thức triển khai trở lại thị trường du lịch châu Âu nhưng đại diện DN này vẫn mong muốn Chính phủ sớm công bố thời gian chính thức mở lại hoàn toàn du lịch quốc tế kèm theo các quy định về y tế đối với du khách để các bên liên quan sẵn sàng mọi điều kiện, không bị lúng túng khi triển khai.
Từ ngày 18-3, khu du lịch lớn nhất miền Trung – Sun World Ba Na Hills đón khách trở lại sau gần một năm ngưng hoạt động vì Covid-19. Sự trở lại của "Công viên chủ đề hàng đầu châu Á" được World Travel Awards vinh danh cũng là tín hiệu tích cực khởi đầu cho việc Đà Nẵng chính thức mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch.
Khu du lịch này đang gấp rút hoàn thiện nhiều hạng mục, công trình mới để kịp phục vụ du khách nhân dịp lễ lớn 30-4 và 1-5. "Chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần kích hoạt thị trường du lịch Đà Nẵng, đồng thời góp phần gia tăng sức hút cho thị trường du lịch trong nước, đặc biệt là khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế từ ngày 15-3" – ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc khu du lịch Sun World Ba Na Hills, cho biết.
"Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu phục vụ 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 400.000 tỉ đồng.
|
Yến Anh (theo NLĐ)
Bình luận (0)