Trước thông tin cơn bão Noru diễn biến mạnh và phức tạp, chính quyền TP.Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó đảm bảo an toàn cao nhất tính mạng và tài sản của người dân. Công tác ứng phó thiên tai cũng đã được các ngành chức năng triển khai và sẵn sàng các phương án ngay từ đầu mùa mưa bão.
Lực lượng bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền đến điểm tránh bão an toàn
Tránh thiệt hại đến mức thấp nhất
Ngày 25, 26-9, trước tình hình cơn bão Noru đang tiến vào biển Đông với cấp độ mạnh, chính quyền, các lực lượng chức năng và nhân dân Đà Nẵng đã khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp ứng phó cao nhất trước khi bão đổ bộ. Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP.Đà Nẵng dùng canô chuyên dụng đi tuyên truyền, yêu cầu các chủ tàu về nơi neo đậu an toàn. Đồng thời, hướng dẫn các chủ phương tiện tàu cá neo đậu, giằng néo đảm bảo an toàn, tránh va đập trong trường hợp bão Noru đổ bộ.
Đại tá Hồ Sỹ Hậu – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP TP.Đà Nẵng – cho biết: “Đơn vị đã cắt cử lực lượng kiểm tra phương tiện vào âu thuyền Thọ Quang, hướng dẫn các tàu dầu ra khỏi âu thuyền về nơi neo đậu an toàn. Duy trì lực lượng, phương tiện liên tục để hướng dẫn nhắc nhở ngư dân vào neo đậu tại các vị trí quy định chằng chống an toàn cho người và phương tiện. Trước khi bão vào chúng tôi đã kêu gọi tất cả các thuyền viên rời khỏi tàu để đảm bảo an toàn; sau khi bão vào lực lượng của BĐBP sẽ giúp dân khắc phục hậu quả”.
BĐBP TP.Đà Nẵng đã kiểm đếm hơn 1.200 tàu cá vào neo đậu tại cảng cá. Giữ liên lạc với 35 tàu cá đang hoạt động ngoài biển để tiếp tục hướng dẫn về nơi trú tránh an toàn. Toàn bộ chủ tàu cá đã nhận được thông tin về hướng di chuyển, cường độ bão Noru để chủ động di chuyển trú tránh. Trong đất liền, lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra, hỗ trợ tàu cá neo đậu, chằng néo đảm bảo khoảng cách và an toàn.
“Chúng tôi sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất”, Đại tá Hồ Sỹ Hậu nói.
Ông Cao Đình Hải – Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà – cho biết, UBND phường đã họp toàn bộ khu dân cư, tổ dân phố và các lực lượng để chỉ đạo, phân công từng cán bộ công chức, lực lượng cán bộ hỗ trợ chằng chống nhà cửa. Toàn phường có gần 400 chiếc tàu, tất cả đã về neo đậu an toàn tại cảng cá và âu thuyền Thọ Quang.
Tối 25-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng đã kiểm tra công tác phòng chống bão tại khu vực âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. Báo cáo tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, về cơ bản, thành phố đã lên phương án và yêu cầu các ban ngành cụ thể theo chức năng nhiệm vụ để phòng tránh bão. Phương án di dân vùng trũng, vùng có nguy cơ ngập úng đã được rà soát và sẵn sàng các phương tiện, nguồn lực để triển khai khi có tình huống xảy ra.
Sẵn sàng ứng cứu ngư dân
Đại tá Hồ Sỹ Hậu – Phó Chỉ huy trưởng BĐBP TP.Đà Nẵng – cho biết, với tinh thần “tích cực, chủ động phòng ngừa, ứng cứu nhanh và có hiệu quả” và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, không chỉ riêng với bão Noru mà ngay trước mùa mưa bão, các đồn biên phòng, Hải đội 2 đã xây dựng phương án về phương tiện, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm bảo đảm việc cơ động nhanh, sẵn sàng tác chiến thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống thiên tai bão lũ xảy ra nhanh và bất ngờ.
Lực lượng BĐBP cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ tàu thuyền đoàn kết để tuyên truyền giúp ngư dân nắm vững về các quy định phòng tránh thiên tai khi vươn khơi đánh bắt. Trước mùa mưa bão, Bộ Chỉ huy BĐBP TP.Đà Nẵng cũng tổ chức các đợt tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện các nội dung: Bơi, kỹ năng, phương pháp cứu người bị nạn trên biển, cách sử dụng áo phao, phao cứu sinh; chuẩn bị trang thiết bị chữa cháy và xử lý một số tình huống cháy… Các đồn đóng quân trên địa bàn toàn thành phố đã thành lập các tổ cơ động để sẵn sàng đến địa bàn trọng điểm, xung yếu, vùng trũng thấp, ven biển… phối hợp với địa phương hướng dẫn, giúp đỡ người dân, di chuyển người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm khi có mưa lớn. Các đơn vị cũng đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tai nạn xảy ra cho ngư dân.
Ứng phó bão với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão số 4 (bão Noru) và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau: Tổng cục Khí tượng thủy văn tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ: tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; căn cứ diễn biến và dự báo bão, ban hành lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét…; chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trước và trong khi bão đổ bộ và mưa lũ… P.V |
“Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các đài canh thuộc đơn vị BĐBP đều duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với ngư dân để nắm chắc tình hình trên biển. Kịp thời hướng dẫn các phương tiện tìm nơi trú đậu an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, BĐBP thành phố sẽ bắn pháo hiệu cảnh báo bão và cấm tàu thuyền ra khơi”, Thiếu tá Phạm Phi Hùng – Trưởng ban Thông tin, BĐBP TP.Đà Nẵng cho biết thêm.
Thượng tá Nguyễn Văn Thương – Chính trị viên Hải đội Biên phòng 2, BĐBP TP.Đà Nẵng – cũng cho biết: “Với tinh thần “tính mạng, tài sản của nhân dân là trên hết”, chúng tôi nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nhiệm vụ, trực 100% quân số, sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có bão lũ xảy ra. Công tác chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cũng được chuẩn bị sẵn sàng để không bị động khi có lệnh thực hiện nhiệm vụ ứng cứu ngư dân trên biển”.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)