Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Săn truyện ngắn để… làm phim

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của các nhà văn lại được các đạo diễn chuyển thể, dàn dựng thành phim, kịch. Với cách làm này phần nào tạo được giá trị, nâng cao chất lượng phim, kịch hiện nay.

Phim Tâm hồn mẹ của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: N.G

“Nhiều tác phẩm của tôi đã được chuyển thể thành phim hay kịch. Tôi thấy vui vì có những câu chuyện tôi viết vẫn được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào được dựng tôi cũng hài lòng nhưng chỉ cần đạt 70% là tốt lắm rồi vì mỗi đạo diễn khai thác mỗi người một kiểu, một cách khác nhau”. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cho biết.

Giá trị từ tác phẩm văn học

Chuyện “săn” kịch bản văn học để chuyển thể thành phim, kịch ở thế giới và Việt Nam không mới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sau thời gian việc chuyển thể “bị xem nhẹ” vì phần lớn những phim chuyển thể tuy hay nhưng lại ra rạp không ăn khách nên nhiều người gần như lờ đi. Thế nhưng, sau thời gian “tự biên, tự làm”, tạo nên những “thảm họa phim Việt” thì nhiều đạo diễn và nhà sản xuất lại trở lại tìm đến “nguồn” văn học như một cứu cánh cho sự nghèo nàn kịch bản và cũng là biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao chất lượng phim Việt.

Minh chứng cho việc làm này là bộ phim Cánh đồng bất tận được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư đã được chuyển thể sang kịch rồi tạo nên cơn sốt trong phim Việt. Tiếp theo đó là một số tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư như Dòng nhớ, Chiều vắng cũng được chuyển thể thành kịch và tác phẩm Nước như nước mắt, Khói trời lộng lẫy cũng được Saigon Media mua để làm phim.

Hay tác phẩm Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai sau khi được chuyển thể thành phim và kịch Hãy khóc đi em nay lại được chính đạo diễn Ái Như dựng lại lần nữa trên sân khấu của mình.
Hoặc như Nguyễn Huy Thiệp là tác giả có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim như Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ hay những vở kịch như Quỷ ở với người, Đến bờ bên kia và đây nhất là vở kịch Nhà có 5 anh em trai của đạo diễn Anh Tú cũng được chuyển thể từ Không có vua nhưng được mổ xẻ theo một cách khác. Tiếp đến, trong thánh 9 tới, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang sẽ cho ra mắt bộ phim Tâm hồn mẹ dựa theo truyện ngắn cùng tên của ông. Ngoài ra, vợ chồng đạo diễn Phạm Nhuệ Giang – Nguyễn Thanh Vân cũng đã mua bản quyền truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến để dựng phim. Ngoài ra, tác phẩm Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn cũng được Phương Nam Phim và Saiga Films mua bản quyền dự tính sẽ ra mắt vào tết năm nay.

“Khoảng cách an toàn” giữa vay – mượn

Khi nguồn văn học được khai thác nhiều cũng là lúc nhiều luồng dư luận được đưa ra khi mỗi tác phẩm được chuyển thể bị đem ra so sánh bởi hầu hết các tác phẩm văn học khi được chuyển thể đều khác khá xa so với nguyên mẫu. Các nhà viết kịch bản, đạo diễn chỉ dựa vào những ý tưởng của tác phẩm. Chẳng hạn như, với bộ phim Cánh đồng bất tận khi bắt đầu công chiếu, phản ứng của khán giả được chia thành hai phần. Với những người lần đầu tiên biết Cánh đồng bất tận khi xem phim đều khóc vì xúc động. Còn với những người đã đọc truyện mới xem phim thì khó tính hơn. Tuy nhiên, Nguyễn Ngọc Tư tỏ ra rất bình thản và cho rằng khán giả xem phim không nên so đo với nguyên gốc mà nên nghĩ đó là một tác phẩm độc lập.

Phim Tâm hồn mẹ của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: N.G

Riêng nhà Nguyền Huy Thiệp, khi xem Nhà có 5 anh em trai, ông rất tôn trọng sự sáng tạo của Thu Phương dù thâm tâm ông chưa bằng lòng với cách khai thác kịch bản. Nhưng ông vẫn thừa nhận, một tác phẩm văn học khi được chuyển thể chỉ cần làm tốt được 70% là ông đã hài lòng.

Riêng với các đạo diễn thì việc chuyển thể các tác phẩm văn học rồi dựng thành phim hay kịch cũng gặp không ít khó khăn. Đạo diễn Ái Như cũng cho biết rằng, văn học là nguồn kịch bản vô cùng phong phú và vẫn có sức hấp dẫn khán giả. Tuy nhiên, dựng thế nào mà vẫn giữ được tinh thần của tác phẩm gốc không phải là chuyện dễ. Còn đạo diễn Anh Tú thì lại cho rằng: “Thường các tác phẩm văn học khi lên sân khấu đều phải làm mới. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng hết sức cho vở diễn và làm sao khi vở diễn ra mắt tác giả và đạo diễn không ghét nhau”.

Mạnh Trung (Theo DatViet)

Bình luận (0)