Càng gần tết, làng mứt gừng Kim Long (TP.Huế) càng tất bật. Mỗi cơ sở với hơn chục người làm ra sức hoàn thành hàng tấn mứt gừng cung ứng kịp thị trường tết.
Nói đến mứt gừng Huế, không thể không nhắc đến làng mứt gừng Kim Long nổi tiếng thơm ngon, mứt được làm hoàn toàn thủ công và không dùng bất kỳ hóa chất nào. Làm mứt gừng là nghề truyền thống bao đời của nhiều gia đình nơi đây. Khoảng đầu tháng chạp âm lịch, các lò lại đỏ lửa ngào mứt. Lên Kim Long những ngày này, hương thơm của mứt gừng lan tỏa khắp phố.
Hộ bà Nguyễn Thị Nguyệt (37 Hồ Văn Hiển, TP.Huế) là cơ sở mứt gừng có quy mô ở Kim Long. Đến vụ tết, ngoài những người trong nhà, gia đình bà phải thuê hơn 10 nhân công phụ việc làm mứt. Vụ tết năm nay, gia đình bà làm khoảng 5 – 6 tấn mứt. “Gia đình tôi làm mứt gừng mấy mươi năm rồi. Ngày thường chỉ làm lai rai, tết là vụ chính. Tất bật từ đầu tháng chạp đến nay. Làm mứt khá tốn công nên nhiều ngày gia đình tôi phải làm tới đêm cho kịp hàng. Lời lãi không nhiều nhưng cũng có chút tiền tiêu tết nên cũng vui, con cháu cũng có việc mà làm lấy tiền mua sắm tết…”, bà Nguyệt chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dần (đường Phạm Thị Liên, TP.Huế) cũng làm khoảng 5 tấn mứt gừng cho vụ tết. Để làm được lượng mứt này, ông phải mua khoảng 6 tấn gừng tươi. Năm nay, giá gừng tươi khoảng 17.000 đồng/kg, không cao như các năm trước nên nhiều hộ làm mứt rất phấn khởi. Gừng tươi làm mứt là loại gừng Tuần (tỉnh Thừa Thiên-Huế) và gừng Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). “Mỗi mùa tết, gia đình tôi kiếm được 10 – 15 triệu đồng để mua sắm tết. Nghề này chỉ tranh thủ tết thôi, bình thường vợ chồng tôi làm nghề khác. Mình làm có uy tín nên năm nào cũng có mối đặt làm mứt. Mứt gừng hiện có giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg tùy loại, loại nào cũng thơm ngon khác hẳn mứt gừng nơi khác”, ông Dần nói.
Mứt gừng làm khá tốn công, gồm nhiều công đoạn như gọt vỏ, bào mỏng, luộc gừng, đãi sạch, ngào đường, bắt mứt, đóng gói… Vì thế, mùa làm mứt gừng cũng là dịp giúp nhiều phụ nữ tại P.Kim Long có việc làm kiếm thêm thu nhập. Mỗi cơ sở thường tạo công việc làm thêm cho hơn chục nhân công. Chị Nguyễn Thị Hồng (trú tổ 10, P.Kim Long) cho biết: “Bình thường, tui làm thuê làm mướn. Năm mô đến đầu tháng chạp tui cũng đi cạo vỏ gừng cho mấy chỗ làm mứt. Mỗi ngày cạo cũng được mấy chục ký kiếm được khoảng 100.000 đồng. Mấy mệ già trong xóm tui cũng tới mấy cơ sở ngào mứt cạo vỏ gừng kiếm tiền mua cau trầu, ăn hàng…”.
Gần 10 cơ sở sản xuất mứt gừng Kim Long không chỉ cung ứng thị trường trong tỉnh mà còn ra bắc vào nam. Chủ yếu mứt được các tiểu thương chợ Đông Ba (TP.Huế) thu mua, cung ứng đi các vùng; ngoài ra còn một số siêu thị trong nước đặt hàng tiêu thụ. Theo ông Mai Công Khánh, Phó chủ tịch UBND P.Kim Long, nghề làm mứt là nghề truyền thống của nhiều hộ dân ở phường. Dù hiện nay không còn sản xuất đại trà nhưng mỗi khi tết đến, không khí làm mứt gừng ở Kim Long vẫn nhộn nhịp. Nhiều gia đình vẫn níu giữ nghề mứt gừng truyền thống, gìn giữ thương hiệu mứt gừng Kim Long và mang sản phẩm ấy đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành.
Tuyết Khoa (TNO)
Bình luận (0)