Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Săn” xe đạp ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

Có trường hợp bỏ số tiền vài chục triệu đồng sở hữu chiếc xe đạp ngoại đã qua sử dụng với phụ tùng “luộc” và thay thế bằng hàng phế liệu.

Xe đạp qua sử dụng giá khủng

Nhu cầu đi lại bằng xe đạp rèn luyện sức khỏe, tiết kiệm chi tiêu… ngày càng cao khiến thị trường phương tiện này “sốt” bất thường. Một vài địa chỉ cung cấp xe đạp ngoại đã qua sử dụng tại TP.HCM cũng trở nên bát nháo.

Chiếc xe đạp có sườn làm từ sợi cacbon

Chỉ tay chiếc xe đạp thoạt nhìn chẳng có gì đặc biệt, Nguyễn Văn Thắng (P.Đa Kao, Q.1) khoe: “Mới dắt về, non 1.000 USD, chỉ hai hôm có người trả 1.200 USD đấy”. Cũng vì số tiền không nhỏ ấy mà vợ của Thắng luôn miệng càu nhàu: “Xe nhìn thấy ghê, bỏ tiền mua thứ gì đâu”. Ấy là chị vợ xót của chứ leo lên đạp thử thì mê tít, nhẹ tâng khi leo dốc cầu, nhấc lên khỏi mặt đất chỉ bằng một ngón trỏ. Theo Thắng, quý lắm chủ nhân của nó mới để lại giá này chứ trên thị trường không có, nếu có bèo lắm cũng mất 2.500 USD chứ không ít.

Tại một cửa hàng phân phối hàng điện máy, điện lạnh trên đường Phan Xích Long (Q.Bình Thạnh), ngoài ti vi, quạt máy, máy giặt, máy lạnh… còn có cả xe đạp các loại nhập về từ Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc… đã qua sử dụng. Chúng tôi hỏi mua một chiếc xe giá tầm 3-4 triệu đồng, người bán lắc đầu, bảo giá này chỉ có thể mua xe đạp thường của Việt Nam. Tại đây, xe đạp trẻ em, người lớn, xe đạp thông thường đến xe đạp thể thao dành cho nam và nữ có giá thấp nhất 6 triệu đồng và cao nhất lên đến gần 70 triệu đồng. Người bán cho chúng tôi xem những chiếc xe của Ý, Đức… với sườn được làm bằng sợi cacbon và cho biết giá xe mới ngoài 100 triệu đồng. Đây là dòng xe đạp mà người chơi xe “săn” trong thời gian gần đây.

Với những loại xe đạp này, không phải ai cũng biết được mới cũ ra sao và giá cả thật của nó thế nào? Chủ cửa hàng này cho biết, thời gian đầu mở cửa người mua tìm đến đông nhưng khi biết giá, ai nấy đều lắc đầu không thèm trả giá. Xe đạp ngoại nhập dù đã qua sử dụng nhưng đang gây “sốt” tại TP.HCM. Chị Huỳnh Thanh Dung, đại diện doanh nghiệp vận tải và xuất nhập khẩu có trụ sở đặt tại Dĩ An, Bình Dương thông tin: Hàng về bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng. Chúng tôi đã cử người tìm nguồn hàng tại các nước châu Âu, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc… những quốc gia mà người dân có thói quen đi xe đạp và có thương hiệu xe đạp nổi tiếng. Khó khăn là để có số hàng vài container nhập về không hề đơn giản, trong khi đó cũng loại xe mà hàng mới thì bán rất chậm vì giá quá cao.

Mặc dù là mua, bán xe cũ nhưng hiện nay, các doanh nghiệp cũng có chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng bằng các dịch vụ bảo hành, kiểm tra miễn phí định kỳ, tuy nhiên cũng hên xui. Thực tế đằng sau cái gọi là miễn phí ấy là bao nhiêu phiền toái mà người mua gặp phải.

Coi chừng mua nhầm xe “đa quốc gia”

Từ thực tế đó, trên thị trường đã xuất hiện nhiều địa chỉ bán xe đạp ngoại nhưng chất lượng “đểu” mà không ít người đã mắc quả lừa. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, kinh doanh xe đạp ở chợ Tân Thành (Q.5, TP.HCM), số ít địa chỉ bán xe đạp ngoại đúng hàng, đúng giá, còn lại là xe đạp ngoại có nguồn gốc “đa quốc gia”, giá trên trời. Một vòng quanh chợ này, chúng tôi mới hiểu thế nào là hàng “đa quốc gia”: Sườn xe của Nhật. Niền, căm của Trung Quốc, sên, líp là của Đài Loan… “Thứ gì luộc được là luộc, có khi chỉ một món nhưng bán giá cao bằng cả chiếc, làm gì còn “nguyên con” mà ở đó mong”, bà Hồng khẳng định.

“Cò” xe đạp ngoại đã qua sử dụng hoạt động rầm rộ trên những trang mạng, trong đó có những “cò” là thành viên của đường dây tiêu thụ xe gian mà người mua cần cảnh giác. Khi đề cập đến thị trường này, ông Hồ Văn Lượm, chủ cửa hàng xe đạp Hùng (đường Hồng Bàng, Q.6) tặc lưỡi: “Tui từng bị vướng vụ mua phải xe gian. Đó là chiếc xe đạp cũ của Đức. Mất cả năm đi lại, không còn đầu óc đâu mà làm ăn”. Ông Hùng thông tin thêm: “Với xe ngoại bán ở chợ Tân Thành hiện nay, kêu giá 6-7 triệu/ chiếc hầu hết là “xe nát”. “Nát” theo ông Thành là phụ tùng chỉ là hàng ve chai.

Anh Nguyễn Thành Phi (Tổ trưởng kỹ thuật tại một công ty sản xuất và phân phối xe đạp, Q.Bình Tân, TP.HCM) từng được nhiều người nhờ đi xem xe đạp ngoại trước khi mua, cho biết: “Hết 80% là xe đã bị thay thế phụ tùng, có những món đồ đã nằm trong đống phế liệu. Với giá người bán “hét”, người mua trả thế nào cũng bị hớ. Để tránh mua nhầm, người mua nên tìm đến các cửa hàng có uy tín”, Phi cảnh báo.

Thắng cho biết, vài triệu đồng/ chiếc là có thể chấp nhận được bởi ngoài dòng xe “lạ” còn ưu điểm là bền, an toàn. Thắng cam kết khi chúng tôi lo lắng về nguồn phụ tùng: “Phụ tùng phải đặt hàng rồi chờ, chi phí không rẻ. Với xe ngoại “nguyên con” không dễ gì mà hư, thực tế có những chiếc xe đã sử dụng 30-40 năm, về Việt Nam vẫn… chạy tốt. Tuy nhiên, người sử dụng cần bảo quản tốt ở điều kiện thời tiết (mưa, triều cường – PV).

Bài, ảnh: Trần Anh

 

Bình luận (0)