Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sản xuất 8 tháng “tốt” đến mức nào?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tháng 8/2011, số liệu thống kê cho thấy công nghiệp giữ “phong độ” cao; xuất khẩu, nhập siêu đều tốt; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực hơn năm ngoái…. Những doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn lâu nay hẳn phải nghĩ mình thuộc số ít.

Trong một “hỗn độn” số liệu kinh tế 8 tháng qua, với góc nhìn này thì là chuyển biến tích cực, nhưng soi từ hướng khác, nền kinh tế đang thấp thoáng những mất cân đối.
“Phong độ” và… “đón lõng”?
Tháng 7/2011, một báo cáo từ Bộ Công Thương có thêm dòng lưu ý một số ngành hàng công nghiệp chế biến “cần thận trọng hơn khi lập kế hoạch sản xuất”. Điều này dường như là “chuyện lạ” trong bối cảnh tăng trưởng công nghiệp cho thấy không quá bi quan, nếu xét trên số liệu thống kê.
Chẳng hạn như ở tháng này, Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số sản xuất công nghiệp đã có 2 tháng đầu quý giảm so với tháng trước đó.
Mặc dù các con số trên có tăng thấp hơn chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm nay (7,3%), nhưng nhìn vào cơ cấu, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,7% vốn chẳng phải là điều gì to tát. Nhất là khi giá nhiều loại khoáng sản vẫn lên vù vù và nguồn tài nguyên quý không bán nay thì mai, khó gì.
Ngược lại, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 10,7%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,8%. Nền sản xuất thực có lẽ không đến nỗi đáng thất vọng như nhiều lời ca thán từ doanh nghiệp.
Thêm triển vọng tăng trưởng sản xuất ở phía đầu ra, kim ngạch xuất khẩu thường chiếm khoảng 70% GDP tiếp tục duy trì “phong độ” cao.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 60,8 tỷ USD, tăng tới 33,7% so với cùng kỳ năm 2010. Đáng chú ý là cả hai khu vực kinh tế trong nước và FDI đều có mức tăng trưởng vào loại “khủng” trên 32%.
Sản xuất dường như đang kéo dòng vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng. Lĩnh vực thu hút được nhiều vốn FDI nhất cũng là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Con số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm 2011 ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước phải chăng là biểu hiện của quan điểm “đón lõng” giai đoạn bùng phát sắp tới? Hay chính cuộc khủng hoảng trên thế giới đang dồn dập thông tin xấu mỗi ngày đã “bẻ lái” dòng vốn ngoại?
Một góc nhìn khác
Nhưng có những chỉ báo khác cho thấy sản xuất thực tế không dễ dàng. Theo kết quả điều tra lao động tại 4.279 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Tổng cục Thống kê, số lao động trong tháng 8/2011 đã giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2010.
Đáng chú ý là trong ba ngành công nghiệp cấp 1, lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,6%; lao động ngành sản xuất, phân phối điện, ga và nước giảm 6,9%, điều tưởng chừng rất khó hiểu khi sản xuất tăng khá tốt.
Vậy sản xuất công nghiệp “tốt” đến mức nào, có lẽ cần phải được xem xét kỹ hơn?
Một lưu ý là chỉ số sản xuất công nghiệp được Tổng cục Thống kê công bố hàng tháng đều là ước tính. Đương nhiên, diễn biến trên thực tế không hoàn toàn như vậy.
Tính toán trên con số thực hiện so với kỳ gốc được công bố đến thời điểm này, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có 2 tháng đầu quý giảm so với tháng trước đó. Cụ thể là tháng 6 giảm khoảng 0,7% và tháng 7 giảm 1,1%.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu ghi nhận ở một số mặt hàng nông sản, kim loại và khoáng sản, công nghiệp nhẹ gia công như dệt may, da giày…
Với nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận trong một báo cáo gần đây rằng, sản lượng xuất khẩu tăng không nhiều, kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu do thay đổi giá.
Cùng lúc xuất khẩu dệt may đang tăng mạnh, gần đây đã xuất hiện những cảnh bảo của doanh nghiệp về khả năng khó khăn từ thị trường Mỹ. Dầu thô không dễ có đột biến tiếp khi Dung Quất trở lại hoạt động. Vàng đang chảy ngược vào trong nước, trái với xu hướng của vài tháng trước đây…
Ở góc độ tiêu thụ trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tính tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng 3,9%, một mức rất thấp trong so sánh với giai đoạn trước.
Đi cùng những diễn biến này, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/7 đã tăng 17,8% so với cùng kỳ, cũng là tháng thứ 5 liên tiêpcs chỉ số này cao hơn so với cùng thời điểm của tháng trước.
Trong khi đó, đầu tư trong nước cũng xuống thấp. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, tổng đầu tư toàn xã hội năm nay có thể chỉ còn bằng khoảng 34-35% GDP. Ông nhìn nhận, đây là “con số quá khắc nghiệt với nền kinh tế”.
Con số khách quốc tế đến vì mục đích công việc đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, dường như cũng cho thấy triển vọng giao thương trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn.
Những rủi ro nào đang chờ đợi?
Mất cân đối liên quan đến nền sản xuất thực là lạm phát. Cung hụt hơn cầu thể hiện ở mức giá tăng lên, chuyển thành chỉ số giá tiêu dùng như một tham khảo, CPI đến tháng 8/2011 đã tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sau giai đoạn CPI tăng tốc rất lớn, gần đây xu hướng hạ nhiệt đã rõ ràng hơn, được cho là do tác động của chính sách tiền tệ chặt chẽ và tài khóa thắt chặt. Tuy thế, với biên độ lạm phát chưa thay đổi nhiều, việc kiềm chế lạm phát trong giai đoạn cuối năm ở mức chỉ tiêu điều chỉnh 15-17% cũng còn là thách thức.
Và từ mức lạm phát lên cao, những cuộc đua lãi suất đã thắt dần khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. “Trên thế giới, không có doanh nghiệp nào có thể hoạt động được với lãi suất 20-25%”, những quan điểm như thế gần đây được cảnh báo ngày càng nhiều trong các cuộc hội thảo, hay tư vấn chính sách cho lãnh đạo Chính phủ.
Câu chuyện đằng sau những chỉ tiêu về lạm phát và lãi suất tăng cao là thất nghiệp gia tăng. Số liệu lao động giảm trong tháng 8 của Tổng cục Thống kê là dẫn chứng “nặng ký”. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu cũng lớn dần, theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước vào khoảng 3%.
Tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s gần đây cũng đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với các khoản vay dài hạn bằng tiền đồng của Việt Nam. Dù được lý giải chỉ là thay đổi mang tính kỹ thuật, nhưng BB- cũng phản ánh phần nào những rủi ro vĩ mô ở trong nước chưa được cải thiện. Từ thay đổi xếp hạng này, chi phí vay vốn thời gian tới thế nào, có lẽ cũng là điều phải cân nhắc.

Thêm vào những rủi ro kể trên, thị trường ngoại hối gần đây “dậy sóng” cùng với việc tái nhập vàng. Dư địa từ khoản quota ước tính tương đương 2 tấn chưa nhập về vẫn còn treo lại sức ép với cân đối cung cầu ngoại tệ.

Nguồn VNECONOMY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)