Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013: Doanh nghiệp tiếp tục co thủ

Tạp Chí Giáo Dục

6 tháng đầu năm 2013, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất. Dù vậy, trước thực trạng “sức khỏe” của nền kinh tế phục hồi khá chậm chạp và lượng hàng hóa tồn đọng còn nhiều, trong khi đó sức mua chưa mấy khởi sắc đang khiến doanh nghiệp lưỡng lự, chưa dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất.

Lo ngại hàng tồn kho

Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa công bố kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2013. Qua đó cho thấy, nhiều doanh nghiệp cảm nhận tổng thể môi trường chính sách và điều hành vĩ mô có cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2013. Từ đầu năm đến nay đã có gần 39.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn khoảng 194.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng 7,6%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 4,9%, chỉ số tiêu dùng tăng 2,4%, dư nợ tín dụng ước tăng 3,31%, mặt bằng lãi suất giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện. Đặc biệt, xuất khẩu tăng trưởng khá cao, ước đạt hơn 62,1 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 10 tỷ USD. Bộ Công thương cũng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm nay nền kinh tế có dấu hiệu tốt như việc gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu, cho thấy của sự hồi phục sản xuất.

May hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3. Ảnh: Cao Thăng

Theo đánh giá của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay chỉ số tồn kho sản phẩm giảm dần qua các tháng. Tuy nhiên, tồn kho vẫn ở mức cao, tiếp tục càng lo ngại cho các doanh nghiệp. VCCI cho biết, có gần 70% doanh nghiệp chưa tìm được giải pháp phù hợp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm và khai thác thị trường hiệu quả. Có đến 27,6% doanh nghiệp gặp phải vấn đề tồn kho thanh toán, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp có tồn kho công nợ từ khu vực doanh nghiệp nhiều hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp có tồn kho công nợ từ khách hàng mua lẻ và từ khu vực công.

Đối với kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp những tháng còn lại trong năm 2013, có 66,7% doanh nghiệp giữ nguyên quy mô; 22% có thể mở rộng quy mô; 10,9% giảm quy mô và chỉ có 0,3% có thể ngưng hoạt động. Theo đánh giá của VCCI, kết quả này cho thấy tín hiệu tích cực về niềm tin của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh đã được khôi phục. Dù vậy, việc chỉ có hơn 20% doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Doanh nghiệp ngại chính sách “thời vụ”

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, tình hình kinh tế những tháng cuối năm tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Thực tế hiện nay, chỉ những doanh nghiệp lớn có thương hiệu, sản phẩm tốt và tiềm lực mạnh phát triển tốt, mặc dù mức tăng trưởng đã giảm khoảng 20% so với trước đây. Còn lại, hầu hết doanh nghiệp chưa lấy lại được niềm tin vào nền kinh tế, sẽ “thủ”, co cụm lại, không đầu tư mở rộng sản xuất. Ví dụ, trước đây doanh nghiệp làm việc 8 giờ/ngày để làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nay chỉ cần hoạt động 1 giờ/ngày nhưng sản phẩm làm ra vẫn không tiêu thụ hết nên chẳng ai dám mở rộng”, ông Phạm Ngọc Hưng phân tích.

Hầu hết doanh nghiệp phản ánh lên hiệp hội, lo ngại chính sách thiếu nhất quán, thay đổi liên tục khiến họ không tha thiết mở rộng quy mô sản xuất. Đơn cử, trong lĩnh vực vốn, trước thông tin lãi suất giảm, nhiều doanh nghiệp có tài sản thế chấp tìm đến hiệp hội nhờ làm cầu nối để hỗ trợ vay vốn nhưng sau khi xem xét, ngân hàng vẫn đưa ra mức lãi suất 14%/năm. Đó là chưa kể, đối với nhiều doanh nghiệp sau thời gian dài chịu đựng, đến nay tài sản đã thế chấp hết nên không có cách nào để vay thêm. Trong khi đó, điều kiện cho vay vốn của ngân hàng đưa ra ngày càng khắt khe càng làm doanh nghiệp nản lòng.

Để tháo gỡ vướng mắc, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đề nghị các bộ ngành chức năng khi tham mưu, triển khai các chính sách, kể cả chính sách hỗ trợ, nên đưa ra thời gian, lộ trình rõ ràng, ít nhất phải từ 3-5 năm để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận cũng như xây dựng phương án đầu tư và mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh. “Hiện nay sức khỏe doanh nghiệp đã rất yếu, nếu chúng ta không có chính sách căn cơ, dài hạn để khuyến khích, hỗ trợ, sẽ rất căng thẳng. Bởi trong thời gian tới, khi hàng hóa của các nước trong khối ASEAN, thậm chí hiệp định thương mại được ký kết với các nước có hiệu lực với thuế suất bằng 0%, doanh nghiệp trong nước sẽ không kịp trở tay”, ông Phạm Ngọc Hưng cảnh báo.

LẠC PHONG (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)