Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, trước đây đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chỉ tăng từ 2-3%/năm nhưng từ năm 2013 đến nay, lĩnh vực này tăng khoảng 16% so với năm 2012.
Tính từ năm 2012 đến nay, nguồn vốn đầu tư mới vào nông nghiệp ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đã tăng thêm trên 1.100 tỷ đồng. Điều này cho thấy nông nghiệp ở Đồng Nai đang là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Nhà vườn trồng thanh long ở Xuân Lộc, Đồng Nai. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, sáu tháng đầu năm 2014 có khoảng 70 doanh nghiệp đăng ký thành lập, hoạt động sản xuất-kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Một số doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Japfa, Công ty trách nhiệm hữu hạn Emivest Việt Nam… cũng liên kết với nông dân trong tỉnh để mở rộng chăn nuôi gia công lợn, gà.
Hình thức đầu tư, nông dân bỏ vốn làm chuồng trại, các công ty cung ứng con giống, thức ăn, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra. Hàng loạt cá nhân đã vay vốn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gia công hoặc cho các doanh nghiệp trên thuê lại để nuôi.
Ngoài ba doanh nghiệp có vốn nước ngoài lớn đầu tư vào chăn nuôi ở Đồng Nai, gần đây có thêm một doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư vào chăn nuôi gà với tổng đàn khá lớn.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào chuồng trại, mở rộng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng khá lớn nên tổng đàn lớn, gà tăng hơn 4%. Cụ thể, đàn lợn tăng gần 50.000 con, gà khoảng 500.000 con, góp phần đưa tổng đàn lợn của tỉnh hiện nay trên 1,4 triệu con và đàn gia cầm trên 12 triệu con.
Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai dẫn chứng, mặc dù Trung tâm Công nghệ sinh học Đồng Nai ở xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ) chưa xây dựng xong hạ tầng nhưng đã có năm doanh nghiệp xin đầu tư sản xuất giống tại đây. Hiện quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của trung tâm đã hết, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp muốn đăng ký tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Trung tâm Công sinh học Đồng Nai, hiện quỹ đất còn lại của trung tâm sau khi xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, trung tâm sẽ ưu tiên để thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Hiện lĩnh vực này đã có gần 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, nhưng đang đợi trung tâm hoàn thiện hạ tầng mới vào đầu tư xây dựng nhà xưởng và hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Lộc – Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc (thị xã Long Khánh) đã đầu tư vào trung tâm Công nghệ sinh học, cho biết, trước đây, nguồn vốn đầu tư vào phát triển cây giống, chế biến ca cao của công ty chỉ khoảng gần 1 tỷ đồng/năm song từ cuối năm 2013 đến nay, nguồn vốn công ty đầu tư cho phát triển chế biến ca cao tăng gấp 2 lần.
Cũng theo ông Lộc, nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp vì cho rằng rủi ro cao, nhưng nếu nắm chắc kỹ thuật và tìm được thị trường đầu ra ổn định thì đầu tư vào nông nghiệp sẽ mang lại lợi nhuận tương đối ổn định.
Tham gia vào lĩnh vực này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Đồng Nai, trong sáu tháng đầu năm đã cho vay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hơn 7.100 tỷ đồng, tăng 640 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó cho vay đầu tư trang trại phát triển chăn nuôi, trồng trọt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 375 tỷ đồng so với đầu tháng 1-2014./.
Lê Hiền
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)