Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sản xuất nông nghiệp: Thay đổi từ tư duy số lượng sang chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Các chuyên gia tham quan gian hàng những giống cây trồng đạt chất lượng và có giá trị cao. Ảnh: Đ.P

Ngày 11-8, tại TP.Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp UBND TP.Cần Thơ tổ chức Hội thảo quốc gia “Nông nghiệp công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên sau nhiều năm, GDP nông nghiệp của Việt Nam (VN) giảm 0,78%, khiến GDP toàn ngành (cả lâm nghiệp và thủy sản) 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18%. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các điều kiện liên quan đến thời tiết bất thường. Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của VN ngày càng bộc lộ những hạn chế. So với các nước sản xuất lúa gạo chủ lực, 35 năm qua, năng suất lúa trung bình của VN tăng 3,68 tấn/ha (tương đương 169,6%) gấp 3 lần trung bình của thế giới. Trong khi các nước xuất khẩu gạo khác hướng vào gạo chất lượng cao, không quá chú trọng tăng năng suất.

Theo đánh giá của FAO (Tổ chức lương – nông thế giới), VN tuy thừa gạo để xuất khẩu song chưa đạt về chỉ số an ninh lương thực cấp hộ gia đình, bởi còn nhiều người chưa tiếp cận được lương thực hoặc không có tiền mua lương thực.

Tại hội thảo, TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “VN cần có chiến lược phát triển lúa gạo theo hướng thay đổi từ tư duy số lượng sang tư duy chất lượng. VN không thể so sánh với Thái Lan nhưng có thể học hỏi kinh nghiệm từ Campuchia – mới chỉ 5 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo (VN là hơn 20 năm) nhưng gạo Campuchia đã có mặt ở 53 quốc gia và vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Trong khi VN vẫn chỉ quanh quẩn với 10 thị trường, chủ yếu là các nước có thu nhập trung bình và thấp thuộc châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh. Campuchia có các loại gạo đặc sản như Phka Malis, Phka Romdoul được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới, giá bán hàng ngàn USD, họ có 8 thương hiệu gạo được đăng ký trên thị trường thế giới, trong khi VN chưa có thương hiệu nào”.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, phải nghiên cứu tạo giống mới, chất lượng cao theo yêu cầu thị trường; ưu tiên cải tiến những giống lúa chất lượng đang sản xuất, đã có thị trường.

TS. Võ Hữu Thoại, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, kiến nghị: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư giống mới, ban hành thuế ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư nhà máy sơ chế, đóng gói, chế biến nhằm hỗ trợ giải quyết đầu ra, giảm áp lực thị trường nhất là thời điểm sản phẩm thu hoạch rộ. Các địa phương cũng cần có những chính sách riêng, đặc thù về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học & Công nghệ các tỉnh, thành cần dành kinh phí cho các đề tài, dự án phát triển cây màu, cây ăn trái chất lượng trên cơ sở phát triển theo chuỗi, khuyến khích sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm hữu cơ”…

Đan Phượng

Bình luận (0)