Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sản xuất phim manh mún, nghiệp dư

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi diễn viên Hứa Vĩ Văn tuyên bố bỏ vai diễn và kể lại những bức xúc trong quá trình tham gia đóng phim Anh chàng vượt thời gian, chiều 18-4, một số diễn viên và người liên quan đến bộ phim đã có cuộc gặp gỡ báo chí để bày tỏ quan điểm của mình xung quanh bộ phim hiện đang gây lùm xùm trong dư luận này.

Diễn viên Hứa Vỹ Văn (phải) tuyên bố bỏ vai trong phim Anh chàng vượt thời gian – Ảnh: duhanhvuotthoigian.com

Cuộc gặp gỡ được tổ chức cũng vì trước đó bà Ngọc Ngân – tác giả kịch bản kiêm đạo diễn nghệ thuật, giám đốc sản xuất bộ phim Anh chàng vượt thời gian – đã có những tuyên bố về họ trên các báo.

Theo ông Minh Thuận – giám đốc Công ty TNHH giải trí và nghệ thuật Thế Giới Tài Năng, khi công ty ông ký hợp đồng với Công ty Năng Ðộng Việt để tuyển chọn 27 diễn viên chính tham gia Anh chàng vượt thời gian, bà Ngọc Ngân hứa hẹn rằng bộ phim sẽ do một đạo diễn người Mỹ cùng một đạo diễn VN có nghề thực hiện. Ngoài ra, nhà thiết kế Sĩ Hoàng sẽ cố vấn về trang phục phim, phụ kiện trang sức cho diễn viên sẽ được mua ở Trung Quốc, đặc biệt là phim sẽ được phát vào giờ vàng trên VTV và nhà tài trợ phim đã có…

Thế nhưng, gần đến ngày bấm máy ông Thuận mới biết phần lớn những hứa hẹn trên đều không có trên thực tế. Thậm chí thư ký hiện trường, trợ lý đạo diễn cũng không có… "Tình hình trên phim trường luôn lộn xộn, cãi vã lẫn nhau. Công ty Năng Ðộng Việt thường xuyên xin khất nợ, không chi trả đúng hợp đồng. Tiến độ sản xuất phim không đúng với kế hoạch nên buộc lòng chúng tôi phải ngưng hợp đồng với Công ty Năng Ðộng Việt", ông Minh Thuận cho biết.

Ông Hoàng Thiên Trụ – đạo diễn của 12 tập phim đầu tiên – cùng êkíp làm phim của ông cũng đã bỏ cuộc với lý do nhà sản xuất không trả chi phí cho 10 tập đầu mà công ty của ông bỏ ra trước để làm phim (phim đã phát đến tập 17/36 tập, hiện đạo diễn phim là Hồng Phú Vinh).

Ðạo diễn Thiên Trụ cho biết: "Một kịch bản phim dài 40 trang mới có thể quay được một tập phim 45 phút. Nhưng tập đầu kịch bản của Ngọc Ngân chỉ dài 28 trang, tập hai 20 trang. Ở tập ba và bốn chỉ 17 trang, biên kịch đề nghị không được chỉnh sửa bất cứ chi tiết nào thì đạo diễn làm sao thực hiện được. Chính vì thế trong phim có cảnh diễn viên Hứa Vĩ Văn (vai hoàng tử) chỉ mỗi việc bắt bướm mà dài đến 5 phút".

Các công ty trên cho biết hiện họ đang xúc tiến việc thanh lý hợp đồng với công ty của bà Ngọc Ngân. Nếu mọi việc không đi đến kết quả, họ sẽ nhờ đến pháp luật xử lý.

Ai đúng ai sai chưa thể kết luận sau cuộc gặp này, nhưng rõ ràng việc cãi vã nhau giữa các bên có liên quan đến bộ phim Anh chàng vượt thời gian đã bộc lộ rất rõ sự manh mún, nghiệp dư trong việc sản xuất phim truyền hình hiện nay. Với những lùm xùm này, sản phẩm cuối cùng đến người xem mà hay mới là chuyện lạ!

HOÀNG LÊ (Theo TTO)

Từ hàng ghế khán giả

Khán giả sẽ quay lưng với phim Việt

LTS: Xung quanh bài viết “Phim Việt liên tục gây thất vọng” (Tuổi Trẻ ngày 18-4), gần cả trăm email của bạn đọc đã gửi về tòa soạn để tiếp tục bày tỏ nỗi thất vọng trước chất lượng phim truyền hình hiện nay. Tuổi Trẻ trích đăng:

* Một kiểu làm ăn chụp giật

Theo báo chí, tôi được biết về trường hợp phim Anh chàng vượt thời gian, đài chỉ duyệt đề cương và mấy tập đầu. Phim cũng làm theo dạng cuốn chiếu, quay đến đâu phát sóng đến đó. Theo tôi, đây là nguyên nhân khiến khán giả phải “ăn” những món vô cùng “ôi”! Bây giờ phim Việt không hiếm, vậy tại sao phải làm ăn chụp giật như vậy? Tại sao đài không chờ các hãng phim làm xong và kiểm duyệt một cách gắt gao từ đầu đến cuối. Như vậy việc làm phim sẽ trở nên nghiêm túc hơn, từ đó chất lượng cũng được nâng cao hơn. Không chỉ phim Anh chàng vượt thời gian, hiện có khá nhiều phim làm ăn theo kiểu chụp giật đó. Cuối cùng chỉ khổ cho khán giả mà thôi!

Thích Kim Hoàn
(thichkimhoan@…)

* Nhà sản xuất phim quá cẩu thả

Tôi từng cho một hãng phim mượn phim trường (là nhà máy sản xuất của công ty tôi) để quay một số cảnh trong phim họ làm. Qua lần đó, tôi hiểu thêm được một trong những lý do giải thích cho chất lượng hầu hết phim Việt. Đó là nhà sản xuất phim quá cẩu thả và hời hợt. Cụ thể là họ mượn nhà máy của chúng tôi để quay phim nhưng không hề có một sự sắp xếp lại mặt bằng, cảnh vật cho phù hợp dù quay cả ngày trời ở đó. Tôi đứng xem họ làm phim và nhận ra họ quá cẩu thả! Làm gì cũng vậy, nếu cẩu thả như thế thì làm sao có sản phẩm tốt được.

Savagan
(xavagan2010@…)

* Phim Việt là phim “3D”

Phim Việt ngày càng chiếm lĩnh sóng đài truyền hình là một tín hiệu vui nhưng ngày càng hụt hơi vì chất lượng phim quá kém và người xem bắt đầu quay lưng. Đến một lúc nào đó họ sẽ quay lưng hẳn, lúc đó các nhà sản xuất, nhà đài sẽ nghĩ gì? Tôi là một người yêu phim Việt và cảm thấy thất vọng về phim Việt trong những năm gần đây. Phim Việt ngày nay được chúng tôi gọi đùa là phim “3D”: dài, dai và dở! Chấn chỉnh phim Việt là điều mà chúng ta cần làm hiện nay kẻo không kịp.

Thứ nhất là vấn đề kịch bản: Điều quan trọng nhất tạo nên phim hay là kịch bản. Kịch bản viết thế nào, do ai viết là điều mà các nhà sản xuất phim cần chọn lựa. Hội đồng duyệt kịch bản của ta chỉ đọc sơ qua 5-10 tập và sau đó hoàn toàn không hề hay biết là sai. Vì sau đó lỡ có nội dung không lành mạnh thì sao? Câu chuyện thứ hai là sự bùng nổ các nhà đài: tỉnh nào cũng có, không những 1 mà có 2, 3 kênh và phát liên tục 24/24 giờ thì lấy gì mà phát! Không thể “chôm” sóng các đài khác hay phát các phim không mua bản quyền…

Vì vậy việc hạn chế hay luân phiên phát sóng giữa các đài là điều mà các cơ quan chức năng cần tính đến. Thứ ba là câu chuyện diễn viên và đạo diễn. Nhiều diễn viên phim truyền hình hiện nay chạy sô không kịp. Họ đóng cùng lúc nhiều bộ phim vì thế không thể diễn tả cảm xúc khi đóng phim, thậm chí kịch bản chưa chắc đã thuộc. Đạo diễn thì ta không thiếu đạo diễn giỏi nhưng có không ít người trong số đó lại cho qua một số cảnh không phù hợp vì bị chi phối bởi nhà sản xuất…

Đàm Thị Xuân Uyên
(damthixuanuyen@…)

Bình luận (0)