Những vòng quay của hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất khẩu tháng đầu năm 2011 đã được khởi động mạnh và đem lại kết quả khả quan với sự tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực.
Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết, tháng 1/2011, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 1 ước đạt 73,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp thuộc Bộ tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó, một số đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao như: Tập đoàn Dầu khíViệt Nam tăng 49,3%, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tăng 18,9%; Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam tăng 18,1%;Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội tăng 44,9%. Hoạt động sản xuất công nghiệp được nhận định là đang phát triển trở lại qua việc sử dụng điện trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất trong 4 năm gần đây (55,5%/tổng tiêu thụ điện). Hầu hết các sản phẩm phục vụ sản xuất tăng mạnh so với cùng kỳ như: điện tăng 14,3%, khí tăng 36,2%, xăng dầu các loại tăng 98,6%, thép tròn tăng 15,9%, phôi thép tăng 41,8%, xi măng tăng 18,9%, động cơ diezel tăng 57,4%, vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo tăng 17,2%. Nhiều ngành sản xuất trọng điểm như dầu khí, điện, các mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày… đều có mức tăng trưởng cao trogn tháng 1 và hứa hẹn một kết quả khả quan cho cả quý 1/2011.
Đơn cử như với dệt may, ngay trong tháng 1 hầu hết các doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết quýI/2011, thậm chí một số doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng đến quý III/2011. Với các DN thuộc lĩnh vực da giầy, do có thông tin tích cực là Hiệp hội các nhà sản xuất giày châu Âu đã tuyên bố sẽ không yêu cầu kéo dài thuế đối với một số loại giày của Việt Nam và Trung Quốc, các mức thuế hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/4/2011 nên đã là động lực lớn cho các DN. Bới thế, sản xuất ngành da giầy đạt mức tăng trưởng cao trong ngành công nghiệp, đơn cử như sản phẩm giầy thể thao ước đạt 33,1 triệu chiếc, tăng 35,1% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực thương mại cũng có sự khởi động đầy thuận lợi khi kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 1 ước đạt 6,0 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước ước đạt 2,83 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 3,17 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 52,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhóm hàng nông lâm thủy sản vẫn dẫn đầu với mức tăng 36,9% do nhiều mặt hàng có đơn giá xuất khẩu tăng; kim ngạch xuất khẩu của một số nhóm khác cũng có sự tăng trưởng ổn đinh. Theo Bộ Công Thương, so với cùng kỳ năm trước các mặt hàng xuất khẩu không tăng nhiều về số lượng, nhưng lại gia tăng về giá trị do được lợi về giá như hạt điều tăng 33,8%, cà phê tăng 35%, hạt tiêu tăng 66,7%, cao su tăng 69,1%…
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 1 ước đạt 7,0 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ, cán cân thương mại của tháng đầu tiên năm 2011 ở mức nhập siêu tháng ước khoảng 1 tỷ USD, chiếm 16,7% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu đã ổn định theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bản lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 1 ước đạt 149,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,16% so với tháng 12/2010 và tăng 22,1% so với cùng kỳ, trong đó, cao nhất là ngành thương nghiệp tăng 18,6%, ngành khách sạn, nhà hàng tăng 16,9% và ngành dịch vụ tăng 18% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá sơ bộ tình hình cung cầu và giá cả thị trường 3 ngày Tết Nguyên đán Tân Mão của Bộ Công Thương, trong thời gian trước Tết, cận Tết và trong 3 ngày Tết tình hình cung cầu, giá cả trên thị trường cả nước tương đối ổn định. Với sự chủ động chuẩn bị của các ngành, các cấp, nguồn cung hàng hoá, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã cơ bản được chuẩn bị đủ tại các địa phương để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.
Việc dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường tại các địa phương đã đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác. Rất nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện việc bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, đặc biệt đối với các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh khẳng định: để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2011, trong tháng 2 này, ngành Công Thương sẽ khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trong tháng 2 là kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường kiểm soát nhập khẩu, nhất là hàng tiêu dùng cao cấp đắt tiền, đồng thời đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu để giảm nhập siêu.
Nguồn NOIT
Bình luận (0)