Có thể nói, buổi gặp gỡ với khách hàng là các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm do Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức là bước đi dù hơi chậm nhưng cần thiết nhằm tiếp cận với loại khách hàng đầy tiềm năng nhưng lại khó tính này.
Cái lý của “thượng đế”
Mùa vụ sản xuất và chế biến đường 2012-2013 các nhà máy đường có khả năng chế biến 1,5 triệu tấn đường. Trong đó, đường tinh luyện RE và RS là 730.000 tấn nhưng các DN chế biến thực phẩm vẫn đăng ký nhập khẩu hơn 200.000 tấn đường RE. Nên buổi gặp gỡ này là dịp để 2 bên cùng ngồi lại để hiểu hơn về nhu cầu, bức xúc, với mục đích là cùng bắt tay ưu tiên sử dụng hàng Việt trước khi muốn nhập khẩu.
Sản xuất đường cát tại Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hòa. Ảnh: KIM NGÂN
Ông Trương Phúc Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho rằng, chất lượng đường tinh luyện RE, RS trong nước sản xuất không bàn cãi, nhưng giá đường trong nước trồi sụt thất thường với biên độ rất lớn, trên dưới 30%, trong khi sản phẩm bánh kẹo bán ra không thể tăng 10% mỗi năm. Bibica đề nghị, giá đường cần ổn định cả năm, có thể dao động cộng trừ 5%. Theo đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đơn vị có nhu cầu 40.000-50.000 tấn đường/năm, năm nay hạn ngạch nhập khẩu thấp, khi liên hệ nhà máy đường để mua, nhận được câu trả lời: hết đường. Trong khi đó, Công ty Coca Cola cho rằng, chất lượng đường RE sản xuất trong nước dù đạt cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam nhưng ít nhà máy đường có thể đáp ứng. Đại diện Công ty Nestlé nói, việc 2 bên gặp gỡ là điều cần thiết để tìm tiếng nói chung, các nhà máy đường cũng nên tìm hiểu để tiếp cận tiêu chuẩn đường RE của Mỹ hay EU. Đại diện Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương cho biết, dù được Bộ Công thương cấp hạn ngạch nhập khẩu nhưng công ty hưởng ứng chủ trương ưu tiên mua hàng trong nước. Song hiện tượng nhà máy đường găm hàng, DN chế biến thực phẩm phải mua cao hơn giá công bố của nhà máy khoảng 1.000-2.000 đồng/kg là điều không ít lần xảy ra.
Cái tình của nhà máy đường
Ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Bourbon Tây Ninh, cho biết, tiêu chuẩn cơ bản của đường RE nhà máy đường nào cũng đạt nhưng với tiêu chuẩn cao hơn như lên men, mốc, vi sinh, không kết tủa… thì không phải nhà máy đường nào cũng sản xuất được. Những tiêu chuẩn khắt khe này chỉ ở một số ít công ty. Ông Đỗ Thanh Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa, đề nghị các DN chế biến thực phẩm cung cấp yêu cầu về tiêu chuẩn đường RE, nhà máy đường sẽ đáp ứng theo từng yêu cầu đó, nhưng khi đạt thì DN chế biến thực phẩm nên tiêu thụ hết.
Tuy nhiên, thực chất câu chuyện ở đây chính là giá. Hiện nay, DN chế biến thực phẩm muốn được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường vì giá rẻ hơn giá đường trong nước nhờ thuế suất thấp. Chỉ khi thật cần mới tìm mua nhưng với cách này nhà máy đường không phải lúc nào cũng có ngay. Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Biên Hòa, cho rằng, nếu DN chế biến thực phẩm yêu cầu nhà máy đường bán ngang giá đường nhập khẩu thì đó là điều không thể.
Ở Thái Lan, giá đường xuất khẩu bao giờ cũng thấp hơn giá đường bán trong nước, do nhà nước bảo hộ giá khi xuất khẩu để tăng sự cạnh tranh. Và DN chế biến thực phẩm tại Thái Lan cũng phải mua giá cao. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, giá đường là từ thực tế, cơ chế, chính sách của nước đó, không chỉ do nhà máy đường quyết định. Hơn nữa, nếu với DN những ngành khác, kinh doanh là kinh doanh, nhưng với nhà máy đường, đó là vấn đề kinh tế – xã hội, là cuộc sống của hàng triệu hộ dân trồng mía.
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng quá cao, nhà máy đường không chỉ đầu tư cả chục tỷ đồng mỗi vụ cho bà con trồng mía nguyên liệu mà còn đầu tư hạ tầng cho vùng mía, cả những khoản ưu đãi khác để giữ chân người trồng mía. Ai cũng biết là giá thành đường ở Việt Nam là cao trên thế giới vì sản xuất nhỏ lẻ, chi phí nguyên liệu chiếm trên 70% cơ cấu giá thành. Với lãi suất ngân hàng quá cao, khi tồn kho càng đẩy chi phí tăng lên.
Có thể nói, yêu cầu cơ bản của các nhà máy đường là nên có hợp đồng nguyên tắc giữa 2 bên để nhà máy có kế hoạch cung ứng và có thể chốt giá theo từng quý. Dù chưa có hợp đồng nguyên tắc nào được ký kết, nhưng điều quan trọng là 2 bên chấp nhận ngồi lại, cùng bàn bạc. Nếu thật sự có thiện chí thì yêu cầu 2 bên đều có thể từng bước được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Thanh San, Giám đốc Nhà máy đường NIVL (Long An), mua mía nguyên liệu, sau 4 ngày nhà máy đường phải trả tiền cho bà con, dù lúc đó chưa có đường thành phẩm, nhưng nếu giao đường cho DN chế biến thực phẩm mà 30 – 40 ngày sau mới thanh toán thì nhà máy lại càng thiệt thòi. Các nhà máy sẵn sàng ký hợp đồng cung ứng cả năm với giá ổn định có thỏa thuận, để nhà máy có kế hoạch cung ứng từng tháng theo yêu cầu khách hàng. Nhưng tránh tình trạng lúc giá thị trường cao hơn hợp đồng thì giục nhà máy giao hàng, khi giá thấp hơn thị trường lại nêu đủ lý do để hạ giá. Tất nhiên nhà máy phải tìm mọi cách để giảm giá thành nhưng DN chế biến thực phẩm hiểu được những điều này mới thấy hết tình cảnh của nhà máy.
ĐĂNG LÃM (SGGP)
Bình luận (0)