Khoa học - Công nghệ

Sáng chế nằm ngăn kéo, gỡ cách nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chất lượng chưa theo kịp nhu cầu thị trường… nên nhiều sáng chế của Việt Nam vẫn nằm ngăn kéo. Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì việc này?

Việc thương mại hóa sáng chế ở nước ta hiện còn nhiều khó khăn – Ảnh: Đ.TH.

Tại hội thảo về thương mại hóa sáng chế mới đây, chuyên gia cho rằng việc nghiên cứu, đăng ký bảo hộ sáng chế cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm tại Việt Nam hiện còn yếu kém do vướng phải quá nhiều cản trở.

Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu và đào tạo – Cục Sở hữu trí tuệ, Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO), Viện thúc đẩy sáng chế và sáng kiến Nhật Bản (JIPI) phối hợp tổ chức.

Nhiều thách thức thương mại hóa sáng chế

Theo nhận định chung của nhiều chuyên gia, hành lang pháp lý tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, còn thiếu nhiều hướng dẫn cụ thể trong các nội dung (chẳng hạn vấn đề định giá). Công tác thẩm định đơn sáng chế kéo dài có thể làm mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, thương mại hóa của các chủ thể.

Đa số doanh nghiệp hiện nay còn thiếu đội ngũ chuyên gia hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp với các chủ thể sáng chế khác (viện nghiên cứu, trường ĐH) còn hạn chế trong sự trao đổi thông tin và hợp tác để thương mại hóa sản phẩm. 

Cạnh đó, chất lượng của các sáng chế chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nên khả năng thương mại hóa không cao, nhiều sáng chế chỉ để cất ngăn kéo…

Ngoài ra theo PGS. Isamu Yamauchi, ĐH Meiji Gakuin (Nhật Bản), việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng gặp thách thức do hàng giả tràn lan. 

"Đặc biệt là các ngành hàng tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thuốc… Bên cạnh đó, vi phạm bản quyền trong các ngành xuất bản, âm nhạc, phim ảnh và phần mềm cũng là một mối lo thường trực", PGS. Isamu Yamauchi cho biết.

Còn TS. Phan Quốc Nguyên, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng các quy định về quyền độc quyền của chủ sở hữu sáng chế vẫn chưa cụ thể. 

"Sáng chế giống như một căn nhà, không chỉ là tài sản quý dùng để ở mà còn dùng để kinh doanh. Chủ sở hữu cần phải thấy việc khai thác có lợi ích mới có cảm hứng thực hiện và đầu tư, qua đó đóng góp cho sự phát triển của xã hội", TS. Nguyên nói.

Kinh nghiệm từ nước Nhật

Nhằm đưa Việt Nam vượt qua các thách thức trên, về giải pháp tổng thể, TS. Nguyên cho rằng Việt Nam cần có một bộ luật riêng rẽ, chuyên biệt về sáng chế theo hướng tiếp cận "động", chú trọng đến tính thương mại của sáng chế. 

Trong đó, cần có các quy định hợp lý cân bằng lợi ích của các bên trong việc khai thác thương mại sáng chế. Đồng thời cũng cần có quy định pháp lý cụ thể về các hình thức khai thác nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác thương mại đối với sáng chế, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Kazuo Hoshino, Trưởng phòng hợp tác quốc tế thuộc Ban điều phối và lập kế hoạch chính sách, Cơ quan sáng chế Nhật Bản, cho biết: "Một trong những biện pháp thúc đẩy thương mại hóa sáng chế của chúng tôi là đẩy nhanh tốc độ và rút ngắn thời gian thẩm định đơn đăng ký.

Trước tiên, chúng tôi tăng số lượng thẩm định viên, tiếp đến là giảm bớt lượng công việc mà thẩm định viên phải phụ trách. Những phần việc không quan trọng còn lại, chúng tôi thuê nhân lực bên ngoài. Điều đó đã giúp thẩm định viên giảm bớt 50% khối lượng công việc, khiến tiến độ ra quyết định nhanh hơn".

Còn theo PGS. Isamu Yamauchi, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vừa góp phần đẩy lùi tình trạng xâm phạm bản quyền, hàng giả hàng nhái tràn lan, vừa có thể thu hút các công ty của các tập đoàn đa quốc gia tập trung váo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hoặc thực hiện R&D (nghiên cứu và phát triển) vốn có tác động lớn hơn vào việc tạo việc làm và chuyển giao tri thức…

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một số vấn đề cần xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Thương mại hóa sáng chế là quá trình chuyển hóa sáng chế dưới dạng hình thái tri thức sang dạnh hình thái vật chất (sản phẩm hàng hóa) và đưa ra thị trường.

 

ĐỨC THIỆN/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)