Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Sáng kiến chống ngập úng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người dân kỳ vọng việc gìn giữ vệ sinh môi trường sẽ ngày càng được cải thiện từ việc làm hữu ích của Quận đoàn 10

Đó là sáng kiến của Quận đoàn 10. Đơn vị này đã in khẩu hiệu “Đừng bỏ rác ở đây, rác làm tắc cống gây ngập nước” trên gần 100 nắp cống dọc suốt tuyến đường Thành Thái (quận 10, TP.HCM). Hành động này tuy mới được bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 3, nhưng đang phát huy hiệu quả trong việc góp phần bảo vệ vệ sinh đường phố.
Một sáng kiến hay
Sáng kiến tuyên truyền mới mẻ này của Quận đoàn 10 phối hợp Đoàn khối Doanh nghiệp TP.HCM thực hiện. Trước đó, Quận đoàn đã dùng tờ rơi để tuyên truyền nhưng không mấy hiệu quả, nên đã nghĩ đến việc dùng khuôn chữ ịn lên mặt cống và vẽ sơn vàng để tạo ra dòng chữ rõ ràng trên nắp cống. Người trực tiếp thực hiện việc này chính là các đoàn viên thanh niên trẻ trung. Cách làm của họ ít nhiều thu hút và đánh động ý thức bảo vệ vệ sinh môi trường của người dân tại khu vực họ sinh sống, đồng thời cũng gây chú ý cho những người lưu thông qua đây.
Khu vực thí điểm đầu tiên được Quận đoàn thực hiện là 125 nắp cống trên đường 3-2, đoạn từ Ngã sáu Dân Chủ đến đường Thành Thái. Nhận thấy hiệu quả tích cực của phương thức này, nên Quận đoàn 10 lại tiếp tục thực hiện trên đường Thành Thái (quận 10).
Theo anh Mai Nhật Phương, Phó bí thư Quận đoàn 10, hoạt động tuyên truyền này là việc làm cần thiết góp phần gầy dựng ý thức cho người dân, bởi tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường còn phổ biến, làm bít các miệng hố ga thu nước dẫn đến nghẹt cống, gây ô nhiễm môi trường và ngập úng nhất là khi mùa mưa đang đến gần.
Tạo ý thức cho người dân

Mai Hữu Duy cẩn thận đậy nắp cống để tránh rác rưởi

Đó là điều mà chính người dân ở khu vực đường Thành Thái đang ít nhiều cảm nhận. Sự đổi thay đó cho dù chưa lớn nhưng đang gieo vào lòng người dân sự phấn khởi và một ý thức mới trong cách bảo vệ vệ sinh đường phố, ít là khu vực trước ngõ cửa nhà mình.
Mai Hữu Duy, nhân viên marketing của Công ty LG, ngụ tại 121 Thành Thái, P.14, quận 10, mỗi ngày vài ba lần lưu ý đậy nắp cống trước cửa hàng ăn nhà anh để tránh rác rưởi bị rớt xuống. Duy cẩn thận đến độ dùng hai hòn đá dằn lên tấm bạt nilon để phòng khi bị gió thổi bay. Công việc này theo Duy là cách tiếp nối và nhân rộng việc làm ý nghĩa mà các đoàn viên thanh niên đã khởi sự. Người thanh niên này cũng cho rằng việc bảo vệ vệ sinh ở hệ thống cống thoát nước, bảo vệ vệ sinh đường phố là trách nhiệm chung của người dân góp phần bảo vệ môi trường của một thành phố văn minh và hiện đại.
Gần 100 nắp cống ở cung đường Thành Thái trước đây nhếch nhác vì rác thải thì nay đã được khắc phục đáng kể, chỉ còn chưa đầy chục hầm cống hoặc miệng cống còn rác rưởi, chai nhựa, bịch nilon, bã cà phê, rác thải sinh hoạt. Điều đáng mừng nữa là tất cả các miệng cống từ ngã tư Thành Thái – Tô Hiến Thành, đến ngã ba Thành Thái – Bắc Hải đều được người dân che chắn cẩn thận bằng ván gỗ, giấy bìa cứng hoặc vải bạt nilon. Thay đổi đó khiến cho ông Huỳnh Tấn Hùng, một chủ quán bún bò Huế trên đường Thành Thái thấy trong lòng phấn chấn lắm. Tuy nhiên, còn một điều ông chưa hài lòng mấy vì hàng ngày ông vẫn còn chứng kiến cảnh một người phụ nữ lén bỏ rác thải sinh hoạt ở miệng cống trước cửa hàng bán dụng cụ y khoa tại số 164 Thành Thái, P.12. Đáng buồn là khi ông lên tiếng góp ý thì người phụ nữ này đã buông lời mắng nhiếc “Không việc gì tới ông, ở đó mà lo chuyện bao đồng”. Buồn thì có buồn, nhưng ông Hùng vẫn tin hành vi và ý thức của người dân rồi sẽ được thay đổi nếu có sự hợp lực của các cơ quan chức năng.
Cũng theo ông Hùng, để việc tuyên truyền có hiệu quả lâu dài thì công tác tuyên truyền cũng phải được thực hiện dài hơi. Chẳng hạn như ở một vài nắp cống dòng chữ tuyên truyền đã bị mờ đi. Người dân nói rằng họ cần có số điện thoại của Quận đoàn để báo khắc phục sơn lại, hoặc Quận đoàn có thể giao khuôn mẫu khẩu hiệu và màu sơn mẫu cho tổ dân phố để khi cần thì người dân báo với địa phương hầu công tác khắc phục được thực hiện nhanh chóng và kịp thời.
Bài, ảnh: Bích Vân
Anh Mai Nhật Phương, Phó bí thư Quận đoàn 10 khẳng định rằng nếu kết quả thí điểm tốt đẹp, thì mô hình hữu ích này sẽ được nhân rộng đến những tuyến đường bị ngập úng nặng trên toàn địa bàn quận. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)