Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sáng kiến, kinh nghiệm của giáo viên giỏi đi đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng kiến, kinh nghiệm là tiêu chí bắt buộc để giáo viên được công nhận là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua. Chỉ riêng năm học 2009-2010, TP.HCM có 11.634 cán bộ được công nhận những danh hiệu nói trên, tương đương chừng đó bản báo cáo sáng kiến, kinh nghiệm.

Giáo viên Trường tiểu học Hàn Hải Nguyên, Q.11, TP.HCM thuyết trình về đồ dùng dạy học tại hội thi cấp quận – Ảnh: H.Hương
Thế nhưng, những sáng kiến đó chỉ có người viết và hội đồng khoa học chấm sáng kiến, kinh nghiệm được đọc, sau đó rơi vào quên lãng.
Muốn đạt danh hiệu phải có sáng kiến
Sáng kiến, kinh nghiệm là một bản báo cáo trong đó giáo viên viết lại những ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm của mình về công tác giảng dạy thành một báo cáo khoa học, đồng thời đưa ra các giải pháp, ứng dụng của sáng kiến đó vào thực tế dạy học.
Theo thông tư hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng ngành giáo dục của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2008, để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên phải có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu quả đào tạo, được hội đồng khoa học cấp cơ sở đánh giá và công nhận.

Đến mùa là viết

Tại TP.HCM, “mùa” viết sáng kiến, kinh nghiệm thường bắt đầu vào tháng 10 hằng năm. Năm nay Sở GD-ĐT TP tổ chức đăng ký thi đua tại cơ sở. Giáo viên nào đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua sẽ phải đăng ký luôn sáng kiến kinh nghiệm với hội đồng khoa học của đơn vị. Tháng 11, hội đồng khoa học cấp cơ sở chấm xét sáng kiến, kinh nghiệm và chuyển cho bộ phận phụ trách thi đua của Sở GD-ĐT vào cuối tháng 12.
Cô L.H., giáo viên một trường mầm non ở Q.Tân Phú, TP.HCM, vừa hoàn thành báo cáo sáng kiến, kinh nghiệm về những bài tập thể lực giúp học sinh mầm non hứng thú. Cô nói: “Đây là lần thứ hai tôi viết sáng kiến, kinh nghiệm.
 Lần đầu viết tôi cảm thấy rất hào hứng bởi mong muốn góp thêm một ý tưởng, sáng kiến để chia sẻ với các đồng nghiệp dạy mầm non. Nhưng rồi không thấy tín hiệu gì của việc chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm nên năm nay nhiệt tình viết cũng không còn như năm ngoái”.
Theo cô L.H., công đoàn nhà trường rất nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp, tổng kết, hội thảo giáo dục về sự lãng phí sáng kiến, kinh nghiệm hằng năm nhưng hầu như không được phản hồi.
Một giáo viên THPT cho hay: “Tôi rất tâm huyết với báo cáo sáng kiến về việc lồng ghép kiến thức pháp luật cho học sinh qua các câu chuyện liên quan đến bài học nhằm giảm lý thuyết, tăng thực hành và đổ nhiều công sức để sưu tầm tài liệu, thực nghiệm nhằm đưa ý tưởng, kinh nghiệm của mình góp phần vào đổi mới phương pháp dạy học. Nhưng sau hai năm ý tưởng của tôi vẫn bặt vô âm tín, không hề có hồi đáp nào về việc ứng dụng từ các cơ quan nghiệm thu”.
Cô L.D., giáo viên một trường phổ thông ở Q.6, TP.HCM, bức xúc: “Lúc đầu sáng kiến, kinh nghiệm là phương tiện để ghi nhận sức phấn đấu của giáo viên, còn bây giờ nó trở thành mục đích, viết để lấy thành tích thi đua. Bỏ ra thời gian và công sức để khảo sát, nghiên cứu, viết một báo cáo sáng kiến, kinh nghiệm trong khi vẫn phải đảm bảo công việc trên lớp, nhưng khi được xét duyệt, giáo viên không hề nhận được phản hồi khen chê, cũng không thấy sáng kiến đó được phổ biến, ứng dụng vào thực tế dạy học. Giáo viên nộp và được duyệt xong sẽ có danh hiệu. Điều đó khiến giáo viên không còn nhiệt tình với việc viết báo cáo mà có tâm lý viết chiếu lệ cho xong”.
Hơn mười năm trong nghề, cô D. đã viết nhiều sáng kiến, kinh nghiệm với tâm huyết đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng hiệu quả dạy và học, nhưng “không biết số phận những bản báo cáo của mình đã đi về phương trời nào” – cô nói.
Bức xúc của cô D. cũng là nỗi lòng của hầu hết giáo viên từng viết sáng kiến, kinh nghiệm khi chúng tôi đề cập vấn đề này.
Trở thành thủ tục
Thầy giáo H.Đ.H., một giáo viên vừa nghỉ hưu ở Q.4, TP.HCM, cho rằng: “Giáo viên bỏ công nghiên cứu, nếu chia sẻ rộng, các giáo viên khác sẽ học tập được kinh nghiệm mà vẫn tiết kiệm được thời gian. Nhiều năm nay cả trăm ngàn sáng kiến kinh nghiệm đã ra đời nhưng không được phổ biến là một sự lãng phí công sức của giáo viên.
Hiện nay nó đã trở thành thủ tục chứ không còn đi vào chất lượng, giáo viên chính là những người đầu tư thai nghén đứa con tinh thần của mình nên thấy tiếc vô cùng”.
Các diễn đàn của giáo viên trên mạng cũng dành nhiều đất để thể hiện những ý kiến nhiều chiều trong vấn đề hiệu quả và sáng kiến, kinh nghiệm hiện nay có thực chất hay không.
Một ý kiến cho rằng: “Theo quy định về thi đua của Bộ GD-ĐT, giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận mới đạt danh hiệu thi đua. Quy định này sẽ đẩy giáo viên chạy theo thành tích. Theo tôi, cần để giáo viên tự nguyện viết và khi được xét duyệt phải đưa ra ứng dụng, phổ biến, không nên phát động, đặt chỉ tiêu theo kiểu phong trào”.
Một số giáo viên thấy chờ đợi không xong đã tự đăng tải các sáng kiến, kinh nghiệm của mình lên mạng và trao đổi lẫn nhau.
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: chưa có hội thảo nào để các giáo viên chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm, cũng chưa có một tập san hay sách in các sáng kiến, kinh nghiệm của giáo viên để phát hành rộng rãi trong nhiều năm trở lại đây.
Tất cả báo cáo sáng kiến, kinh nghiệm đều được lưu ở các hội đồng khoa học sau khi xét duyệt. Nhiều giáo viên cho biết trên thực tế sáng kiến, kinh nghiệm của chính giáo viên ít được áp dụng trong các tiết học, vì còn gặp nhiều rào cản và chưa được “bật đèn xanh” từ những người quản lý giáo dục.
LƯU TRANG / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)