Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Sáng kiến thúc đẩy “Bình đẳng trong giáo dục” ở Pháp: Chương trình “Vào đại học, sao không phải là tôi?”

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (Pháp)“Chỉ có những người không biết nhìn trời, còn tất cả mọi người đều có một ngôi sao tốt”. Đó là câu nói của Gandhi (nhà cách mạng Ấn Độ, được tôn sùng là Thánh Gandhi). Soujoud, một học sinh ở Trường Trung học Galois ở ngoại ô Pháp, Nđã tóm tắt chương trình “Vào đại học, sao không phải là tôi?” bằng câu nói đó của Gandhi. Các em tỏ ra tự tin hơn, và được cung cấp nhiều thông tin về các cơ hội vào đại học, những điều mà trước kia không ai dám nghĩ đến, và cũng không ai chỉ dẫn.

Chương trình này là sáng kiến đưa ra năm 2002 của một trường thương nghiệp, về sau Trường Bách khoa tham gia vào. Chương trình dành cho học sinh phổ thông có khả năng nhưng do gốc gác, hoàn cảnh (con em gia đình nghèo, da màu, mồ côi…) nên không có điều kiện học lên cao. Mục tiêu của chương trình là tạo mọi điều kiện để các em trong hoàn cảnh đó được học lên cao, phát huy khả năng của mình, không để “cái khó bó cái khôn”, tức là tạo sự bình đẳng thực sự về giáo dục. Các em này được các giáo sư tuyển chọn cẩn thận, mỗi tuần được học thêm ba giờ, trong suốt ba năm học phổ thông. Các giáo sư và sinh viên giỏi hướng dẫn các em theo từng nhóm. Nội dung học là phát triển ở các em những khả năng,  những phẩm chất của người làm  khoa học (tự nhiên hoặc xã hội), khả năng trình bày một vấn đề, phương pháp  xây dựng một đề án,  phong cách làm việc tập thể mà vẫn giữ bản sắc cá nhân; tạo điều kiện để các em tiếp xúc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh,  với các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội, tham gia các hoạt động văn hóa.

Nói tóm lại, chương trình nhằm đánh thức và bồi dưỡng những khả năng tiềm tàng ở các em, để các em biết mình có khả năng gì, mình sẽ đi theo hướng nào, cần phải chuẩn bị những gì để thực hiện ý nguyện tiếp tục con đường học vấn sau này ở đại học.

Karim Jedda, 18 tuổi, có cha người Tunisie, mẹ người Angiêri, đến Pháp đã hai năm. Khi học Trường Phổ thông Jules – Verne em đã tham gia chương trình này được hai năm. Em nói: “Chương trình này đem lại cho em nhiều điều: phát triển kiến thức chung, tham quan nhiều xí nghiệp, theo sát tình hình thời sự quốc tế, biết cách trình bày một vấn đề, vì hàng ngày em nhút nhát lắm…”. Ngày nay em đã được học hành đến nơi đến chốn, đã có công việc làm ổn định thích hợp.

Em Marie-Odile Servin, 20 tuổi, đã được theo chương trình này hai năm, khi còn đang học ở Trường Trung học Gali1ée. Em sinh ở Pháp, nhưng cha mẹ người gốc Martinique, đến Pháp đã 30 năm. Bây giờ em đang học về Chính trị và Khoa học xã hội ở Luân Đôn. 

Em Bruno dos Santos, 17 tuổi, cũng học ở trường Evariste-Galois. Em sinh ở Pháp nhưng cha mẹ là người Portugal, đến Pháp từ 1980. Em nói: “Chương trình này thật là vĩ đại. Nó giúp em xác định được mục tiêu và cho em nhiệt tình,  ý chí để theo đuổi việc học ở Trường Đại học Ngoại thương”. Ngày nay em đã làm việc được 6 tháng ở một công ty bất động sản.

Cả ba em đều nhấn mạnh vào tác dụng xã hội của chương trình “Vào đại học, sao không phải là tôi?”, tuy lý giải khác nhau.

Theo Karim: Chương trình cho các em điều kiện tiếp cận những điều mà môi trường xã hội làm cho ngăn cách. Nó đúng là bậc thang đưa các em lên cao hơn trên đường học vấn.

Marie  Odile thì gay gắt hơn: Ở Pháp, bậc thang xã hội lên rất chậm, vì có quá nhiều định kiến và phân biệt. Cha mẹ em là người có quốc tịch Pháp, nhưng là người da màu…

Còn Bruno có cách nhìn hơi khác: Vấn đề không phải là sự phân biệt. Nhiều bạn trẻ chúng ta không tự tin, vì không ai nói cho họ biết rằng họ có thể và có quyền  vào các trường đại học và cao đẳng, và đi xa hơn nữa. Họ sống trong những khu dành cho người có thu nhập thấp, có tư tưởng tự ti, và chính họ đã đặt lá chắn trước mặt mình.  Ngay từ lúc còn học ở tiểu học, không có ai giúp họ ý kiến,  cách thức để  đi vào nền giáo dục bậc  cao, do đó họ cứ cho rằng nền giáo dục đó quá tầm tay với của mình. Sự thực không phải như vậy…

Năm nay có 210 em tham gia chương trình này, 150 người do các giáo sư giúp đỡ, còn 60 em do các sinh viên Trường Đại học Bách khoa giúp. Em nào đậu tú tài, sẽ có triển vọng đến 95% vào các trường đại học.

Phan Thanh Quang

(Theo Courrier international số 21-8-2008)

 

 

 

Bình luận (0)