Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sàng lọc giáo viên, trả lương theo hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Trong và bên lề cuộc giới thiệu “Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 – 2020” chiều 18/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân và Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nguyễn Hữu Châu đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mục tiêu mà chiến lược phát triển giáo dục hướng tới. Ảnh: Hồng Vĩnh

> Giảng viên ĐH: Liệu pháp “sốc”, liệu pháp “dài hơi”

> Nhiều GV lo lắng với dự thảo xóa bỏ biên chế nhà giáo

Sắp xếp, sàng lọc để tạo sự cạnh tranh

Giải pháp được Bộ GD&ĐT đánh giá có tính đột phá là giải pháp tuyển mới giáo viên sẽ ký hợp đồng (thay vì biên chế) để tạo sự cạnh tranh trong đội ngũ. Có thực sự đột phá hay không khi mà lực lượng giáo viên trong biên chế hiện nay khá đông?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Giáo viên không được vào biên chế  mà chỉ ký hợp đồng dài hạn lẽ ra đã phải làm từ lâu. Bởi từ khi có Nghị định 43 thì phải xác định các cơ quan sự nghiệp không tuyển biên chế, mà chỉ có hợp đồng dài hạn. Chính ngành đang làm chậm.

Việc này không phải là sáng kiến của ngành giáo dục mà chỉ là triển khai một chủ trương của Đảng, Nhà nước. Vấn đề là phải chuẩn bị. Hình thức là hợp đồng nhưng quyền lợi phải ngang bằng, thậm chí mức lương là do công sở quyết định.

Trong hai năm qua, cả nước có hàng nghìn giáo viên đã ra khỏi ngành hoặc làm việc khác sau khi có sự sắp xếp lại đội ngũ. Có tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ sắp xếp lại công việc của 1.000 giáo viên trong vòng chỉ một năm.

Trước kia, họ học hệ đào tạo thấp hơn, không đạt chuẩn đào tạo hiện nay thì phải sắp xếp lại công việc tương xứng với trình độ đào tạo. Hoặc như Nghệ An đã đưa hàng trăm giáo viên ra khỏi ngành mà không có khiếu  nại, tố cáo nào.

Theo dự thảo chiến lược, hình thức ký hợp đồng chỉ được áp dụng thí điểm với giáo viên mới tuyển dụng từ năm 2009 trở đi. Còn với lực lượng trong biên chế hiện nay, ngành GD&ĐT sử dụng hình thức nào để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Sắp xếp, sàng lọc lại đội ngũ trong biên chế là việc làm mà tất cả các ngành phải làm, không chỉ ngành GD&ĐT.

Trong thời gian qua, ngành GD&ĐT sắp xếp  lại theo 3 hướng. Hướng thứ nhất, với giáo viên năng lực không đáp ứng nhu cầu mà tuổi đời còn trẻ, có khả năng học thì cho đi học.

Hướng thứ hai, với những người không đi học vì nhiều lý do thì vẫn giữ lại trong ngành nhưng chuyển sang công việc khác phù hợp với năng lực, trình độ. Hướng thứ ba là cho ra khỏi ngành và đảm bảo các chế độ chính sách hợp pháp cho họ.

Tinh thần chỉ đạo của ngành là vẫn sắp xếp lại đội ngũ hiện đang trong biên chế chứ không chỉ chờ đổi mới ở lực lượng tuyển mới.

Hiệu trưởng quyết định lương giáo viên theo hiệu quả

Năm 2009 sẽ thí điểm hiệu trưởng trả lương cho giáo viên. Vấn đề này đã đặt ra đầu năm 2008 và thực điểm thí điểm ở ĐH Kinh tế Hà Nội nhưng đến cuối năm vẫn không thực hiện được. Năm 2009 Bộ GD&ĐT sẽ tháo gỡ vấn đề này như thế nào để đó không phải là giải pháp trên giấy?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Lương là một yếu tố của đề án về tài chính nhưng hiện nay Bộ Chính trị chưa thông qua nên chưa thực hiện chứ không có gì trở ngại. Khi nào được thông qua thì Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Tuy nhiên, theo Nghị định 43 thì hiệu trưởng đã có quyền trả lương cho giáo viên. Nhưng chỉ có điều nguồn thu hiện nay ít. Học phí đại học tăng lên đáng kể thì việc trả lương cao cho giảng viên mới có cơ sở. 

Hơn nữa, tuy đã có cơ sở pháp lý nhưng nếu làm không cẩn thận thì nảy sinh sự không công bằng. Do đó phải có đề án. Chẳng hạn ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án về vấn đề này, thứ Hai tuần tới tôi sẽ trực tiếp nghe.

Trả lương theo hiệu quả không là vấn đề mới. Vấn đề là chúng ta vận dụng trong ngành giáo dục như thế nào? Bộ không thể làm thay các cơ sở. Đề án trả lương cho giáo viên của các trường phải được đại diện chi bộ, đại diện công đoàn đơn vị thông qua cơ chế trả lương theo hiệu quả và căn cứ vào dự báo nguồn thu.

Phổ cập giáo dục: Tiếp tục khắc phục bệnh thành tích

Học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Dự thảo chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009 – 2020 tiếp tục đưa ra các mục tiêu cụ thể về phổ cập giáo dục. Các mục tiêu này kế thừa các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn trước ở mức độ nào và liệu có tiếp tục tạo áp lực để các địa phương chạy theo bệnh thành tích?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Để đạt tiểu học phổ cập năm 2000 chúng ta phải trải qua một chặng đường 25 năm kể từ khi thống nhất đất nước năm 1975. Sau đó chúng ta thực hiện phổ cập THCS.

Trong thời gian qua cũng có xu hướng chạy theo thành tích trong công tác phổ cập. Tuy nhiên, khi thực hiện cuộc vận động hai không, ngành tuyên bố, mục tiêu năm 2010 đạt phổ cập THCS nhưng phải đảm bảo chất lượng.

Nếu địa phương nào không thể đạt được chất lượng nên đăng ký lùi lại. Thực tế một số địa phương lùi lại cũng là cái tốt. Chúng tôi cũng không để họ “tự bơi”.

Theo kế hoach, trong quý I/ 2009, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với 7 tỉnh có nhiều nguy cơ không đạt phổ cập THCS năm 2010 để cùng tháo gỡ đưa ra các giải pháp cụ thể. Nếu đã nỗ lực rồi mà năm 2010 không đạt được thì chấp nhận thực tế đó, không bất chấp chất lượng để chạy theo thành tích.

Xin khẳng định, ngành sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục bệnh thành tích. Nhưng việc đặt mục tiêu phổ cập là vì lợi ích quốc gia. Đồng thời ngành sẽ phải quan tâm hơn nữa tới chất lượng phổ cập.

Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nguyễn Hữu Châu: Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 – 2020 đặt ra yêu cầu phổ cập là phải bền vững.

Văn bản ghi “Đến năm 2020, 100% tỉnh/ thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục 9 năm đúng độ tuổi”. “Phổ cập giáo dục 9 năm” gồm phổ cập tiểu học + THCS. Nhưng nếu nói “phổ cập giáo dục THCS” nghĩa là đã phổ cập xong tiểu học, giờ chỉ phải chăm lo cho 4 năm THCS. Còn nói “phổ cập 9 năm” nghĩa là phải lo từ năm thứ nhất tới năm thứ 9.

Cách diễn đạt này bao hàm ý nghĩa phổ cập bền vững cả ở tiểu học, chuẩn giáo dục phổ cập tiểu học là phải nâng lên. Cũng trong chiến lược này không nói “phổ cập giáo dục trung học phổ thông” bởi nói như vậy rất là phiêu lưu.

Thay vào đó, dự thảo viết: “80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương”. Nói như vậy là rất thận trọng. Về mục tiêu chất lượng giáo dục phổ thông, dự thảo chiến lược giai đoạn mới kế thừa tất cả trong chiến lược cũ nhưng nhấn mạnh giáo dục toàn diện và năng lực làm người.

Điều này thể hiện ở chỗ tất cả chương trình giáo dục kiến tạo lại theo hướng năng lực: kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, tin học, ngoại ngữ…

Mục tiêu đặt ra trong dự thảo chiến lược mới là đích để phấn đấu. Nhưng thực hiện đến đâu còn tuỳ điều kiện cụ thể của ngành giáo dục. Phó Thủ tướng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định, nếu các tỉnh chậm thì kiên quyết để họ chậm. Miễn là đạt được tính bền vững của phổ cập.

Quý Hiên (Theo Tiền phong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)