Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sáng mãi tấm gương “Làm theo lời Bác”

Tạp Chí Giáo Dục

Trong Hội trại truyền thống 9-1 và Liên hoan học sinh (HS) TP.HCM, với chủ đề “Làm theo lời Bác”, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tuyên dương gần 120 HS thuộc các trường THPT và trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố. Các em đều xứng đáng là những thanh niên ưu tú, có ý thức và trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu 3 gương mặt trong số này.
Trần Đức Thành (học viên Trung tâm GDTX Q.Tân Phú):
Chàng thanh niên giàu nghị lực sống
Nếu xét về tuổi, Trần Đức Thành được liệt vào hàng lớn tuổi nhất, nhì lớp học khi đã 23 tuổi vẫn còn là HS… lớp 9. Nhà nghèo, lại đông anh em nên cậu học trò ở vùng đất kinh đô Huế đã phải gác lại ước mơ học hành từ năm lớp 6. Rời quê hương, Đức Thành vào TP.HCM kiếm sống bằng nghề thợ may để gửi tiền về giúp ba mẹ nuôi các em. 9 năm ròng rã làm thợ may trong hoàn cảnh sống khó khăn, bỗng một ngày trong em bùng lên ước muốn được cắp sách đến trường. Đức Thành cho biết ngày xưa phải bỏ học tiếc lắm, cộng thêm với cuộc sống mưu sinh nơi xứ người sớm giúp em nhận ra sự thua thiệt trong cuộc sống nếu không được học hành đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, khi nói ra mong ước được đi học lại, em vấp phải sự phản đối của không ít người bởi “bỏ học lâu rồi, theo học lại có kịp không?”, “không học mày cũng kiếm tiền được vậy”… Bản thân Đức Thành cũng từng hoang mang trước sự ngăn cản đó. Nhưng bằng nghị lực và lòng ham học hỏi, em đã mạnh dạn đăng ký học lại lớp 6 tại Trung tâm GDTX Q.Tân Phú và chuyển hẳn sang “nghề” cơ khí để tiện cho việc học. 3 năm ròng rã, ngày đi làm, tối đi học nhưng chưa bao giờ em có suy nghĩ bỏ học vì quá vất vả. Ngược lại, Đức Thành cũng không nghĩ rằng có ngày mình lại trở thành HS giỏi 3 năm liên tiếp. Tổng kết năm học 2011-2012, điểm trung bình các môn của em là 8,9 – một số điểm mà nhiều HS dù có điều kiện học tốt cũng không phấn đấu được.
Tương lai hãy còn dài, Đức Thành chưa dám mơ tới điều gì quá xa xôi bởi cuộc sống của em vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng trên hết, em vẫn nguyện cố gắng thật nhiều để hoàn thành tâm nguyện trên hành trình đi tìm tri thức của mình.
 
Trần Trung Đức (HS lớp 11A5, Trường THPT Phú Nhuận):

Niềm tự hào của mẹ
Cư dân sống trong chung cư dành cho cán bộ, công nhân viên Bệnh viện 175 không ai lại không biết đến em Trần Trung Đức bởi sự ngoan ngoãn, lễ phép và học giỏi. Ba mất khi Trung Đức mới lên lớp 8, còn em gái vừa tròn 4 tuổi; một mình mẹ tất tả với công việc hộ lý trong bệnh viện để nuôi nấng hai con. Vốn ngoan ngoãn từ nhỏ, em càng ý thức hơn về trách nhiệm và vai trò của người anh cả, của người đàn ông duy nhất trong gia đình. Không ít lần, em đã xin mẹ cho đi làm thêm để gánh bớt nỗi vất vả nhưng bà từ chối. Thương mẹ, Trung Đức luôn cố gắng học tốt để mang về những suất học bổng, trở thành một người anh trai gương mẫu để mẹ không phải lo lắng cho mình. Những gia đình có con nhỏ trong chung cư thỉnh thoảng vẫn mang sách vở qua nhờ em chỉ bài hoặc lấy em để làm gương cho con cái họ.
Không chỉ là HS giỏi 10 năm liền, Trung Đức còn là một phó bí thư Đoàn trường năng động phụ trách tổ chức các phong trào trong nhà trường. Thường thì khi nhận nhiệm vụ nào, Trung Đức cũng cố gắng hoàn thành nhanh chóng, chính xác để không ảnh hưởng tới chất lượng học tập. 17 tuổi, Trung Đức được nhiều người xung quanh gắn cho biệt danh “ông cụ non” bởi em luôn suy nghĩ phải làm sao để hoàn thiện mình, làm thế nào để tiếp tục là niềm tự hào của mẹ và hướng đi nào để trở thành một thanh niên làm những việc có ích cho đất nước.
 
Phạm Thị Hồng Nhung (HS lớp 11CVA, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền):
Vấn đề biển đảo cần được định hướng cụ thể
Tuy chỉ là HS lớp 11 nhưng Hồng Nhung đã sở hữu một thành tích khá ấn tượng trong hai lĩnh vực: Học tập và hoạt động Đoàn. 10 năm liền, em là “đối thủ” đáng gờm của không ít bạn học chung lớp, chung trường với danh hiệu HS giỏi toàn diện. Với Hồng Nhung, “học ra học, chơi ra chơi, làm ra làm”, do đó khi đã xác định được mục tiêu, em thường lên kế hoạch cụ thể rồi thực hiện đến cùng kế hoạch đó. Để cân bằng giữa việc học và công tác Đoàn, em thường dành một khoảng thời gian nhất định để nhìn lại kết quả của những công việc mà mình đã làm được trong tuần qua, qua đó cân nhắc và định hướng lại những việc sẽ làm trong tuần tới.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là con một nhưng chưa bao giờ em ỷ lại hay gây mất niềm tin cho người thân và bạn bè. Tháng 12-2012, Hồng Nhung đại diện cho hàng ngàn HS TP.HCM tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của HS – thế hệ thanh niên sẽ trưởng thành trong tương lai – về ý thức, trách nhiệm cũng như bản lĩnh trong thời đại mới.
Là một bí thư Đoàn trường có ý thức, trách nhiệm nên vấn đề được Hồng Nhung quan tâm lớn nhất hiện nay là những hiểu biết và suy nghĩ của HS về tình hình biển đảo Việt Nam. “Hầu hết các bạn khi nghe những thông tin về tình hình biển đảo đều tỏ ra bức xúc thế này, thế kia. Điều đó chứng tỏ tất cả các bạn đều có lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước nhưng lòng yêu nước của thế hệ thanh niên chúng em cần phải được định hướng cụ thể để tránh rơi vào bẫy của thế lực phản động”, Hồng Nhung khẳng định. Nghĩ là làm, em và các bạn trong Ban Chấp hành Đoàn trường đã vận động trình chiếu các đoạn phim về biển đảo trong giờ giáo dục công dân để các bạn HS thấy được sự hi sinh, tấm lòng quả cảm của các chiến sĩ nhà giàn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước…
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)