Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sáng nay, hơn 1,1 triệu học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

 

Sáng nay, 2-6, hơn 1,1 triệu học sinh cả nước bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT. Kỳ thi diễn ra liên tục trong ba ngày và kết thúc chiều 4-6.
Đây là kỳ thi đầu tiên ngành GD-ĐT áp dụng phương thức thi theo cụm và chấm chéo giữa các địa phương. Những thay đổi căn bản này nhằm tiến đến thống nhất 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ thành một kỳ thi quốc gia duy nhất. Nếu năm nay kết quả tổ chức thi thành công, có thể từ năm học sau, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi trong cả nước. Năm nay Bộ GD-ĐT cũng không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 như mọi năm.
Lần đầu tiên áp dụng thi cụm, chấm chéo
Đây là kỳ thi đầu tiên ngành GD-ĐT áp dụng phương thức thi theo cụm và chấm chéo giữa các địa phương. Những thay đổi căn bản này nhằm tiến đến thống nhất 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ thành một kỳ thi quốc gia duy nhất.
Nếu năm nay kết quả thi thành công, có thể từ năm học sau, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi trong cả nước. Năm nay Bộ GD-ĐT cũng không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 như mọi năm.
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, ngành giáo dục đã huy động trên 122.000 cán bộ, giáo viên làm cán bộ coi thi tại 2.399 hội đồng thi trong cả nước. Trong đó có 1.069 hội đồng thi theo cụm, ghép từ 2-3 trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên.
Hà Nội, TP HCM, Thanh Hóa, Nghệ An… là những tỉnh, thành phố có số thí sinh đông nhất.
Cả nước có 7 tỉnh thành phải “xé lẻ” bài thi cho các tỉnh chấm vì quá số bài thi quá lớn. Cũng vì tổ chức thi theo cụm ( mỗi cụm 3 trường) nên nhiều nơi trong cả nước, học sinh phải “tay xách nách mang” đến chỗ trọ để thi. Nhiều em phải vượt trên 50 km, qua đò, qua đường rừng để đến chỗ thi.
TPHCM: Thí sinh than đề khó
Sáng nay, TPHCM có 62.206 (trong đó hệ phổ thông có 51.640 và hệ bổ túc có 10.566 TS) dự  thi môn đầu tiên là Ngữ văn. Dưới đây là ghi nhanh của PV SGGP tại một số hội đồng thi tại TPHCM:
Các thí sinh tại hội đồng thi Trường Trưng Vương, TPHCM trước giờ thi môn văn. Ảnh: Mai Hải.
Tại hội đồng thi Diên Hồng (quận 10), nhiều phụ huynh của trường THPT Nguyễn An Ninh than vãn con em họ học quá nhiều trong thời gian gần kề ngày thi vì môn Sinh, Địa lý biết trễ mà bài vở lại quá nhiều.
Nhiều TS ở hội đồng thi Bùi Thị Xuân cho rằng đề thi khó, đặc biệt là phần riêng ở chương trình nâng cao (5 điểm) yêu cầu TS phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Trong khi đó, nhóm TS  Hoàng Tâm, Nguyễn Chiến Thắng, Phạm Thị Lê Thương…  của trường THPT dân lập Vạn Hạnh cho rằng đề thi môn Ngữ văn không khó, chủ yếu nằm trong chương trình, chương trình ôn tập có sẵn những kiến thức học thuộc và dàn ý cho bài làm văn ở câu 3. Tuy nhiên, so với đề thi thử vừa rồi, nhiều thí sinh cho rằng đề thi thật khó và dài hơn nhiều.
Chưa đến 6 giờ sáng, rất đông phụ huynh và thí sinh đã có mặt tại hội đồng thi tốt nghiệp THPT Nguyễn Thái Bình  để “trừ hao” kẹt xe, trễ giờ thi. Hội đồng tập trung 9 trường THPT công lập và dân lập trên địa bàn quận Tân Bình nhưng vẫn đảm bảo trật tự phòng thi nghiêm túc. Ông Đặng Đình Quý, Phó chủ tịch hội đồng thi cho biết: Hội đồng đã tiếp nhận sự thanh tra chéo của 2 đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT là giảng viên của các trường ĐH-CĐ tại Đồng Tháp và đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT. Cán bộ coi thi cũng được bố trí chéo từ các quận khác, giám thị chủ yếu làm tư tưởng cho thí sinh ngăn chặn không mang tài liệu vào phòng thi.
Tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Quận 4), ông Nguyễn Phát Tài, chủ tịch hội đồng thi cho biết, TS làm bài khá nghiêm túc và không có TS nào nộp bài trước 15 phút.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD – ĐT TPHCM, hệ phổ thông có 12 TS vắng mặt, hệ bổ túc có 114 TS không dự thi. Về vi phạm quy chế thi, hệ bổ túc có ít nhất 2 trường hợp mang điện thoại di động, 1 TS mang tài liệu.
 Hà Nội: Các “điểm nóng” không còn nóng
Sáng nay, các thí sinh Hà Nội được “trời thương” vì được làm bài trong tiết trời mát mẻ, trời quang mây tạnh, mặc dù trước đó nhiều người đã mất ngủ vì cơn mưa đêm 1-6, rạng sáng 2-6 kéo dài. 
Tại các hội đồng thi được coi là “điểm” nóng của địa ban Hà Tây cũ đều diễn ra khá nghiêm túc. Ghi nhận của các phóng viên và cộng tác viên của SGGP có mặt tại Hội đồng thi Phùng Khắc Khoan, Thạch Thất, Hà Tây – một trong điểm nóng nhất về thi cử của Hà Nội cho thấy, lực lượng bảo vệ đã được tăng cường tối đa.
Xung quanh trường này đều được bảo vệ bằng hàng rào che chắn. Lực lượng bảo vệ gồm bộ đội, công an xã và thanh niên tình nguyện đứng dày đặc. Nhìn chung không có cảnh người dân tụ tập đông người trước điểm thi, tuyệt nhiên không tái diễn cảnh người dân dựng thang, trèo tường ném bài thi vào phòng thi như mấy năm trước.
Theo các thành viên trong lực lượng bảo vệ ở điểm thi này, thì nếu 3 năm trước đây, điểm thi này là nỗi khiếp sợ của các bảo vệ vì không thể ngăn nổi người dân bắc thang trèo trường để ném bài thi, thì 3 năm lại đây, lực lượng bảo vệ rất nhàn vì… “không phải làm gì”.
Chỉ duy nhất một băn khoăn của các bậc phụ huynh đưa con em đi thi xa (xa nhất 17km) là không biết cho con ăn gì vì sợ… dịch tả.
Năm nay, một điểm khác biệt so với các năm trước là các phóng viên báo chí, dù về nguyên tắc được phép tiếp cận Chủ tịch hội đồng coi thi để nắm thông tin, nhưng năm nay thì tuyệt nhiên không. Tất cả đều bị cách ly ngay từ vòng ngoài.
Cộng tác viên của SGGP có mặt ở các điểm thi Mê Linh, Sơn Tây- những địa bàn vừa được sáp nhập về Hà Nội cũng cho biết tình hình buổi thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 diễn ra nghiêm túc, an toàn và trật tự. Không có cảnh người dân tụ tập đông người. Không bị tắc đường. Không có thí sinh đến thi muộn.
Tại nội thành Hà Nội, sáng nay hàng ngàn cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đã được huy động để giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Nhìn chung các thí sinh đến sớm, từ 6h30 đến 7h sáng đã không còn học sinh trên đường. Tất cả các điểm dễ gây tắc đường, nhất là những nơi được rẽ ngang hôm nay đều được dựng rào chắn, ngăn đường để không bị kẹt xe.
Công an thành phố Hà Nội cũng tăng cường lực lượng bảo vệ đề phòng thí sinh không làm được bài gây ẩu. Hầu hết các huyện cũng huy động thêm lực lượng. Đơn cử như ở huyện Mỹ Đức có 4 hội đồng thi nhưng đã huy động hơn 100 công an và 1 số công an viên.
Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) nói rõ, nhiệm vụ của ngành là cùng Chủ tịch hội đồng thi đảm bảo an toàn đề thi, giữ trật tự quanh khu vực thi và sau cùng là bảo vệ bài thi về nơi an toàn.
Miền Trung: Phát hiện TS làm giả hồ sơ
Tại Đà Nẵng, gần 14.400 thí sinh hệ THPT và hệ bổ túc THPT bước vào ngày thi đầu tiên. Theo ghi nhận của, trong buổi thi đầu tiên, tình hình an ninh trật tự trong và ngoài phòng thi tại các hội đồng thi được đảm bảo. 
Trong khi đó, 100% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT tại Huế sáng nay đều không phải chỉnh sửa thông tin liên quan đến số báo danh, phòng, hội đồng thi… bởi trước kỳ thi Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế đã thông báo những thông tin liên quan đến danh sách thí sinh dự thi trên trang web: www.thuathienhue.edu.vn/khaothi. Theo đó, các trường tự in hoặc hướng dẫn cho học sinh xem và điều chỉnh những sai sót liên quan đến hồ sơ trước khi diễn ra kỳ thi.
Tại Bình Định, Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT của Sở GD-ĐT đã phát hiện 2 trường hợp thí sinh làm giả hồ sơ để dự thi tốt nghiệp Bổ túc THPT. 2 thí sinh này đã bị đình chỉ thi và vụ việc đang được Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định phối hợp lực lượng công an để làm rõ.
Tây Nguyên: Nhiều TS bỏ thi
Tại Lâm Đồng, hơn 14.000 thí sinh (trong đó 13.085 TS hệ phổ thông, 1.217 HS hệ GDTX) tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Văn. So với số hồ sơ đăng ký ban đầu có 45 TS vắng thi (hệ phổ thông 17 TS, hệ GDTX 28 TS), trong đó chỉ có 4 TS hệ phổ thông có lý do.
Theo đánh giá của Thường trực Hội đồng thi tỉnh Lâm Đồng thì buổi thi sáng nay diễn ra nghiêm túc, không có thí sinh vi phạm quy chế thi, chỉ có một TS tại Hội đồng thi Lộc Phát (Bảo Lộc) bị đau bụng khi sau khi vào thi 30 phút, phải chữa trị tại trạm xá.
Tại Gia Lai, có 11.325 TS dự thi tại 30 hội đồng thi. Có 49 TS hệ phổ thông và 36 TS hệ GDTX vắng thi không lý do. Trong buổi sáng, có 2 TS bị ốm trong lúc làm bài và 1 TS tại Hội đồng thi THPT Phan Bội Châu (Pleiku) bị tai nạn giao thông nên không thể dự thi.
Miền Tây: Đò ngang tăng chuyến
Tại các huyện vùng xa như Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông và thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chính quyền địa phương yêu cầu hàng trăm chủ đò ngang tập trung phương tiện, tăng chuyến hoạt động xuyên suốt, đảm bảo không để TS đi thi tốt nghiệp bị trễ đò.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 được tổ chức theo cụm trường nên nhiều TS xa nhà có thể ăn uống và nghỉ tạm ở các quán ăn, giải khát gần hội đồng thi. Ngành y tế Đồng Tháp đã kiểm tra và yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tọa lạc gần các hội đồng thi cam kết đảm bảo ATVSTP, nhằm bảo vệ sức khỏe cho TS dự thi.
Tại Cần Thơ, buổi thi đầu tiên sáng nay có 44 TS bỏ thi. Hệ THPT có 7 trường hợp bỏ thi, trong đó có 1 TS bị bệnh đột xuất. Hệ bổ túc có 37 trường hợp bỏ thi không lý do chiếm 2,9% so với tổng số TS đăng ký dự thi. Trong khi đó, thông tin từ Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Cà Mau, có 2 TS ở huyện Trần Văn Thời phải nhập viện vì đau ruột thừa nên không thể tham dự kỳ thi này.
Nghệ An: Trên 600 TS đi thi phải qua đò
Tại Nghệ An, 602 TS phải qua đò để đến điểm thi. Vì địa bàn miền Tây Nghệ An thời gian vừa qua có mưa to khiến nước trên sông Lam và các sông dâng cao, chảy mạnh nên việc đề phòng bất trắc là nhiệm vụ hàng đầu.
Sở GD& ĐT đã làm việc với các ngành chức năng của tỉnh và địa phương có bến đò như Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn… yêu cầu các chủ đò phải đảm bảo có 100% áo phao cho thí sinh khi qua đò; tăng cường đò từ các bến khác đến nhằm tránh tình trạng quá tải; các cán bộ thôn, xã và các đội thanh niên tình nguyện sẽ túc trực tại các bến đò để giám sát, hướng dẫn các em mặc áo phao, lên xuống đò an toàn; vận động người dân ở các cụm thi cho thí sinh ở xa, phải đi qua đò được nghỉ trọ để tránh phải đi qua đò nhiều lần…
D.Doanh – T.Hà – T. Hùng – Phan Thảo (SGGP)

 

Bình luận (0)