Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sáng suốt lựa chọn ngành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) tư vấn về nhu cầu việc làm cho học sinh năm 2013

Một thống kê về nhân lực cho thấy, 70% học sinh bước vào đời chưa qua hướng nghiệp. Việc chọn trường, chọn nghề chủ yếu dựa theo cảm tính. Đáng nói, chỉ khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khi 50% thất nghiệp trong 6 tháng đầu hoặc làm trái nghề…
Sáng suốt lựa chọn được ngành nghề hợp sở trường, khả năng, lòng yêu thích sẽ giúp học sinh nỗ lực đến cùng và sớm thành công.
Tránh chọn nhầm ngành rồi… nản!
Hàng năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh rời ghế nhà trường để chọn con đường vào các ĐH, CĐ. Trong số này có hơn 400 ngàn em đạt được nguyện vọng, khoảng 370 ngàn em chọn học nghề; khoảng 1/3 học sinh chấp nhận “chờ” thi ĐH, CĐ vào năm sau chứ không học nghề. Điều này tạo gánh nặng cho xã hội, đồng thời gây lãng phí. Mặt khác, hướng nghiệp chưa tốt dẫn đến hiện tượng số đông học sinh không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên hay chọn… đại một ngành, trường để học. Có ngành thí sinh đổ xô, chen chúc học; ngành khác chỉ lác đác gây mất cân đối nghiêm trọng.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, 3 năm trở lại đây, khoảng 40% sinh viên cả nước theo học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng. Cả nước có tới 60% các trường ĐH có đào tạo khối ngành này. Trong khi đó, các ngành xã hội và kỹ thuật được thí sinh đăng ký rất ít dù trên thực tế, nhóm ngành này rất “khát” nhân lực.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định: “Không có ngành nghề nào được xem là “hot” trong những năm tới. Vì khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó, có tái cấu trúc nhân sự kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực”. Cũng theo ông Tuấn, hiện có nhiều ngành nghề không thu hút người học do trọng thị hiếu số đông, tuy nhiên tương lai đây lại là những ngành nghề nằm trong danh mục có nhu cầu lớn. Chẳng hạn, các ngành cơ khí, điện, hóa chất, kỹ thuật nông lâm nghiệp, kỹ thuật thủy sản, vật lý, toán, thống kê, công nghệ sinh học, xã hội học…
Để không phải lúng túng và có sự đầu tư tốt cho nghề nghiệp tương lai, học sinh cần tìm hiểu thông tin cần thiết về thị trường lao động, nhu cầu việc làm và điều kiện… “Các em không nên quyết tâm vào ĐH bằng mọi giá. Đừng để sau khi đã chọn học rồi lại chán nản vì không đúng ngành nghề mình yêu thích. Còn rất nhiều con đường khác để các em lựa chọn, có thể học trung cấp rồi liên thông lên sau đó nếu có nguyện vọng. Hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp chỉ tuyển khoảng trên 10% nhân lực trình độ ĐH, còn lại là TC và CĐ” – ông Tuấn nhắn nhủ.
Nhận diện sở thích, khả năng
Để chọn ngành học và làm được công việc yêu thích, phù hợp bản thân, nhiều chuyên gia khuyên học sinh phải xác định được sở thích và thế mạnh của bản thân. Hãy trả lời hai câu hỏi “trong cuộc sống, những công việc nào mình thích làm nhất; thường làm những công việc nào tốt hơn người khác?”. Các em nên liệt kê càng nhiều việc càng tốt, dù đó là những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Ngành nghề phù hợp sẽ dần “lộ diện” sau khi học sinh chọn ra được đáp án chung cho cả hai câu hỏi trên.
Nếu cảm thấy “nghi ngờ” ngành học mình lựa chọn, học sinh nên tìm đến các chuyên gia tư vấn; tổ chức hỗ trợ học sinh, sinh viên; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, những tư vấn từ các nguồn trên chỉ là kênh tham khảo, chính học sinh phải xác định sở thích, năng lực, sở trường và tâm huyết của bản thân.
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhìn nhận bối cảnh quốc tế và trong nước đang đặt ra những yêu cầu mới không chỉ về kinh tế mà cả với giáo dục, đặc biệt là nguồn nhân lực theo các chuẩn mực khu vực và thế giới. Theo TS. Mai, ba bước để học sinh xác định hướng đi sau trung học sẽ gồm: Nhận diện sở thích hay sự quan tâm của bản thân; nhận dạng tính cách, kỹ năng và giá trị của bản thân; thu thập thông tin và thiết lập mục tiêu.
TS. Mai cho rằng, mỗi cá nhân đều có thể thành công nếu làm ở môi trường phù hợp tính cách và giá trị bản thân. Để nhận dạng tính cách, giá trị bản thân, học sinh có thể trả lời các gợi ý: Mình nổi trội nhất ở mặt nào, thành công nhất ở hoạt động nào hoặc thế mạnh của mình là gì? Việc thu thập thông tin vô cùng quan trọng. Nếu có đủ thông tin, học sinh có cơ sở xác định chính xác hơn sở thích, sở trường, năng lực… đối với lĩnh vực ngành nghề.
Bài, ảnh: Mê Tâm
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) nhấn mạnh: Công tác hướng nghiệp, chọn trường, chọn ngành học cho học sinh sau trung học là điều hết sức cần thiết vì nếu không qua trường lớp đào tạo, các em chỉ được nhận làm những công việc giản đơn với thu nhập thấp và không ổn định.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)