Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Sáng tạo công nghệ từ nỗi lo Việt Nam thiếu điện

Tạp Chí Giáo Dục

“Ý tưởng của chúng tôi khởi nguồn từ thực trạng Việt Nam đang thiếu điện trầm trọng, trong khi đó hệ thống đèn chiếu sáng công cộng ở các đô thị lớn luôn bật/tắt tùy tiện nên có những điểm đèn đường bật sáng trưng giữa ban ngày, điện giăng khắp nơi gây lãng phí”.

Nhóm IPNET đoạt giải 3 tiềm năng ứng dụng CNTT (ảnh: Việt Hưng)

Từ những trăn trở về sự lãng phí và nỗi lo thiếu điện, nhóm IPNET đã nghiên cứu và sáng tạo thành công bộ điều khiển tự động thông minh dựa trên những chuyển động của vũ trụ và khoa học khí tượng giúp tiết kiệm điện một cách tối đa. Sản phẩm cộng nghệ của nhóm IPET đã đoạt giải 3 Nhân Tài Đất Việt 2011 (NTĐV 2011) về tiềm năng ứng dụng. PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ngay khi nhóm này được vinh danh tối qua (20/11).

Cảm xúc của anh như thế nào khi nhóm mình được xướng tên lên nhận giải thưởng cao quý NTĐV 2011?

Nguyễn Đình Nam – Trưởng nhóm IPNET: Chúng tôi rất vui mừng vì sản phẩm của mình đoạt giải NTĐV. Đây là kết quả lớn lao sau hơn 1 năm nhóm chúng tôi dành nhiềm tâm huyết và công sức tiến hành nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm Bộ điều khiển IPNET.

Ý tưởng sáng tạo sản phẩm này được bắt nguồn từ đâu?

Chúng tôi khởi nguồn ý tưởng sáng tạo sản phẩm này từ thực trạng Việt Nam đang thiếu điện trầm trọng, trong khi đó hệ thống đèn chiếu sáng công cộng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM luôn bật/tắt tùy tiện nên có những điểm đèn đường bật sáng trưng giữa ban ngày, điện giăng khắp nơi gây lãng phí.

Khi nghiên cứu bản chất của thực trạng này, tôi nhận định vấn đề không phải do đơn vị quả lý thiếu trách nhiệm mà chủ yếu là do thiếu công nghệ nên người ta không kiểm soát được độ chính xác của việc chiếu sáng.

Nghiên cứu kỹ các tài liệu về hệ thống chiếu sáng hiện đại của Âu – Mỹ, tôi nhận ra họ cũng có sự lãng phí tương tự do không có công nghệ tối ưu, và từ đó tôi quyết tâm phát triển công nghệ chính xác nhất để giải quyết sự lãng phí này.

Xin anh cho biết Bộ điều khiển IPNET vừa đoạt giải có gì đặc biệt và khả năng ứng dụng thực tế?

Sản phẩm của chúng tôi nhằm giúp cho vấn đề bật tắt đèn chiếu sáng công cộng và hệ thống chiếu sáng ngoài trời nói chung được vận hành chính xác hơn. So với các bộ điều khiển đang ứng dụng trong thực tế thì sản phẩm IPNET được sử dụng thông qua cơ chế hẹn giờ cố định, được điều khiển linh hoạt theo giờ mặt trời mọc và lặn hàng ngày.

Hầu hết ở các đô thị Việt Nam hệ thống đèn chiếu sáng công cộng được vận hành tại các trạm riêng biệt, hiện mới chỉ có Hà Nội và TPHCM là đang thí nghiệm trên diện hẹp theo hệ thống điều khiển tập trung.

Khi không tính đến hệ thống điều khiển từ xa, tác dụng duy nhất của các hệ thống điều khiển chiếu sáng tại chỗ là phải bật tắt chính xác và tự động. So với các sản phẩm cùng loại cả trong nước cũng như quốc tế, bộ điều khiển IPNET chính xác hơn hẳn, và cần ít sự vận hành của con người hơn.

Chúng tôi đã ứng dụng Bộ điều khiển IPNET ở nhiều nơi, về cơ bản thì hệ thống đấu nối và giao tiếp giống hệt hệ thống hiện tại sử dụng, chỉ có 1 khác biệt là sự thông minh của bộ điều khiển.

Nếu áp dụng toàn quốc, hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 11 triệu USD tiền điện hàng năm cho hệ thống chiếu sáng công cộng, và 1 khoản lớn hơn thế cho các hệ thống chiếu sáng tư nhân.

Anh có thể nói kỹ hơn về sự thông minh đó như thế nào?

Đây là sản phẩm công nghệ thông minh và ưu Việt, giúp tiết kiệm tối đa điện năng (ảnh: Lê Trường)

Công nghệ sản phẩm này dựa trên những tính toán thông minh, dựa vào sự chuyển động của các vật thể trong vũ trụ như mặt trời và trái đất, qua đó có thể tính được giờ mặt trời mọc và lặn của từng ngày rất chính xác. Ngoài ra, công nghệ cũng áp dụng khoa học khí tượng để tính được độ khúc xạ của khí quyển. Sai số có thể xảy ra trong 1 ngày không quá 1 phút, đó là kết quả vượt qua các hệ thống đang áp dụng trên thế giới.

Bộ điều khiển có tính năng điều khiển giám sát từ xa qua mạng điện thoại di động GSM, thiết bị cho phép điều khiển nóng từ trung tâm cho từng đầu cuối thông qua tin nhắn SMS hoặc qua việc mở đường truyền kết nối GPRS. Tính năng này giúp đơn vị quản lý bật/tắt cưỡng chế đèn chiếu sáng từ trung tâm đối với những nơi không được ưu tiên cao trong những ngày thiếu điện trầm trọng hoặc bật những ngày lễ lớn… giúp trung tâm có thể quản lý tình trạng mất điện (nhờ nguồn ắc quy dự trữ) hay tình trạng hoạt động bình thường của thiết bị đầu cuối ngay khi xảy ra sự cố qua những bản tin gửi về trung tâm.

Sản phẩm đảm bảo đèn bật đúng lúc con người cần, và giúp tiết kiệm điện khoảng 10% tiền điện. Sản phẩm hoàn toàn tương thích các loại sản phẩm khác kém chính xác hơn nên việc nâng cấp thay thế là việc rất dễ dàng.

Ngoài hệ thống chiếu sáng công cộng thì chúng tôi cũng đã có kế hoạch nghiên cứu phát triển một loạt bộ điều khiển điện cho những vấn đề khác nhau như điều khiển điện, điều hòa trong phòng…

Nói như vậy thì Bộ điều kiển này có thể sử dụng được trong hộ gia đình?

Đúng như thế.

Nhưng chi phí của sản phẩm thì sao thưa anh?

Việc sử dụng sản phẩm rất đơn giản, còn chi phí thì cũng không quá đắt. Các bộ sản phẩm tương ứng với nhu cầu sử dụng, giá thành từ 500.000 – 2.000.000 đồng.

Anh kỳ vọng gì ở sản phẩm IPNET đoạt giải NTĐV 2011?

Quản lý các hệ thống chiếu sáng hiện nay là đơn vị Nhà nước, lo ngại về một sự thay đổi chậm trễ là điều chúng tôi trăn trở. Chúng tôi rất hi vọng các cấp Nhà nước sẽ quan tâm đến sản phẩm và ủng hộ chúng tôi, đưa sản phẩm công nghệ này ứng dụng rộng rãi cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng trong nước, chỉ tốn vài chục tỷ đồng tiền đầu tư ban đầu mà chắc chắn sẽ tiết kiệm cho đất nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Chúng tôi cũng mong muốn có thể xuất khẩu sản phẩm công nghệ IPNET ra thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Quỳnh Anh (Theo Dantri)

Bình luận (0)