Quý bên máy phun thuốc do mình sáng chế |
Mỗi ngày đi học ngang qua các vườn rau, vườn hoa thấy người nông dân cực khổ và nguy hiểm khi tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ sâu… Từ đó ý tưởng sáng chế ra một dụng cụ thay bình xịt thuốc đến với cậu học trò Phạm Minh Quý (lớp 11A3 Trường THPT Trần Phú, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng).
Thất bại vẫn không nản chí
Nhà Quý ở khu phố Nam Hồ – vùng trồng rau và hoa nổi tiếng của Đà Lạt. Nhiều lần phụ ba bón phân, phun thuốc trừ sâu chăm sóc vườn rau nhà, Quý cứ băn khoăn hoài với suy nghĩ “liệu có biện pháp nào vẫn phun thuốc nhưng người nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với loại dung dịch độc hại này?”. Một hôm từ trường về nhà, đi qua khu sản xuất nông nghiệp, gặp một bác nông dân bước ra từ vườn rau, người ướt đẫm mồ hôi trộn lẫn thuốc trừ sâu, Quý chợt nảy ra ý nghĩ táo bạo: mình sẽ làm một cái máy phun thuốc trừ sâu tự động! Nhưng làm bằng cách nào? Bắt đầu từ đâu? Ai sẽ giúp mình?… Những ý nghĩ ấy cứ đeo bám Quý cả trong giấc ngủ.
Mang ý tưởng ấy trao đổi với mọi người nhưng ai cũng tỏ ra không tin, riêng ba Quý thì rất ủng hộ, còn hứa sẽ giúp Quý hết mình. Được ba động viên, Quý hứng khởi bắt đầu lao vào thực hiện sáng tạo của mình. Ngoài giờ học tập, Quý dành hết thời gian cho việc thực hiện ý tưởng, em bắt đầu vẽ các bản thiết kế cấu trúc của chiếc máy. Quý cứ vẽ đi, vẽ lại nhiều lần cho đến khi thấy… ưng ý.
Nguyên liệu lắp ráp chiếc máy là những vật dụng cũ được “nhà khoa học” tận dụng là mô-tơ điện, dây cáp, ròng rọc, máy bơm, cần phun thuốc, dây điện, công tắc… Quý mày mò lắp ráp rồi thử nghiệm. Lắm lúc gặp khó khăn, bế tắc, Quý tìm hỏi các thầy cô dạy vật lý, hay nhờ giúp sức của ba vốn có kinh nghiệm trồng rau, hoa. Quá trình thực hiện chiếc máy thiếu rất nhiều dụng cụ, Quý xin của bà con trong vùng những vật dụng thừa hay nhờ bạn bè hỗ trợ và tìm mua ở các cửa hàng bằng số tiền mà mẹ cho ăn sáng, mua sách vở…
Sau khi hệ thống phun thuốc trừ sâu tự động hoàn chỉnh, “nhà khoa học” đã dùng vườn rau của nhà mình để thực hiện những cuộc “thí nghiệm”. Và, kết quả là sau những cuộc thí nghiệm vườn rau nhà Quý đã “te tua” bởi nước, thuốc trừ sâu gây úng thối… Nhưng hai cha con “nhà khoa học” vẫn cười tươi. Quý cho biết sau mỗi lần thử nghiệm em sẽ cải tiến dần để hoàn chỉnh hơn.
Hệ thống máy phun thuốc trừ sâu tự động của Quý khá đơn giản, dễ điều khiển và hoạt động theo nguyên lý chuyển động trong vật lý học. Cơ cấu chính là một chiếc mô-tơ chạy bằng điện, khi hoạt động đẩy cần phun thuốc theo hai chiều (đi và về) và một đoạn dây curoa nối với trục sau của vành xe đạp (cũng được độ lại), gắn dây kéo để di chuyển hệ thống cần phun được treo ngang hai bên. Khi bật công tắc điện, chiếc mô-tơ bắt đầu quay, đẩy hệ thống cần phun trượt đi trên không trung; trên mỗi cần phun thiết kế các bec phun để thuốc sâu được pha loãng phun ra theo tốc độ quay của mô-tơ điện và rải thuốc trừ sâu xuống các luống rau một cách đều đặn…
Niềm trông đợi của nông dân
Với sáng tạo này, “nhà khoa học” Phạm Minh Quý đã vượt qua hàng chục đề tài khoa học và những sáng tạo ở các lĩnh vực khác nhau tại cuộc thi “Sáng tạo khoa học – kỹ thuật trong học sinh” toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2011, đoạt cùng lúc hai giải: giải nhất trong lĩnh vực vật lý – cơ khí và giải nhất cá nhân sáng tạo trẻ năm 2011.
Điều đáng nói là, sau khi đề tài sáng tạo của Quý được đưa vào thử nghiệm thành công đã mở ra nhiều hứa hẹn khả quan cho nông dân nhà vườn Đà Lạt nói riêng và cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung. Tìm hiểu về hệ thống máy phun thuốc sâu tự động của Quý, rất nhiều nông dân Đà Lạt đã ngạc nhiên bởi hệ thống khá đơn giản, rẻ tiền (khoảng 3-4 triệu đồng mua các vật dụng cần thiết để lắp ráp), dễ sử dụng và có giá trị thực tiễn cao. Đặc biệt, so với phun thuốc bằng tay (như trước nay), tốc độ phun tự động của chiếc máy này nhanh hơn 10 lần.
Nếu áp dụng hệ thống phun thuốc sâu tự động này, mỗi khi cần phun thuốc trừ sâu cho rau, hoa, người nông dân chỉ cần nối một ống dẫn với bình thuốc trừ sâu đã pha sẵn với nước, dùng máy bơm để đẩy thuốc lên và khởi động hệ thống ròng-rọc chạy đưa cần phun chuyển động và các béc nhả thuốc tự động xuống các luống rau, hoa một cách đều đặn mà người điều khiển chỉ cần bật công tắc và kéo cầu dao điện. Quý cho biết có thể áp dụng hệ thống phun thuốc sâu tự động này trên nhiều loại cây rau, hoa và ở những địa hình khác nhau (chỉ cần có nguồn điện).
Tranh thủ những tháng nghỉ hè năm nay, “nhà khoa học” tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm… để chế tạo bộ phận điều chỉnh giúp cần phun có thể chạy nhanh hay chậm theo ý muốn người sử dụng. Quý cũng đang nghiên cứu để gắn thêm bộ phận cảm biến tự động vào hệ thống để nó tự động ngắt hoạt động toàn bộ hệ thống mỗi khi xảy ra sự cố… tránh gây hậu quả ngoài ý muốn cho người sử dụng.
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)