Nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thuyết trình về sản phẩm Thu phí xe buýt tự động, sử dụng công nghệ RFID
|
Hai ý tưởng sáng tạo khác nhau nhưng cùng mục đích ứng dụng sóng radio nâng cao chất lượng phục vụ, độ an toàn cho hành khách khi đi xe buýt. Đó là công trình “Thu phí xe buýt tự động, sử dụng công nghệ RFID” của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và mô hình “Hệ thống tương tác tài xế xe buýt và hành khách tại trạm chờ” của nhóm học sinh Trường THPT Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Thu phí xe buýt tự động, sử dụng công nghệ RFID
Chỉ tính riêng sinh viên thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM mỗi năm đã sử dụng hơn 200.000 cùi vé tập xe buýt, vừa tốn chi phí in vé vừa làm mất mỹ quan phương tiện công cộng. Hơn nữa, việc thanh toán vé xe trong khi xe đang chạy khá nguy hiểm vì mỗi khi xe dừng bất ngờ, hành khách sẽ bị ngã dúi. Trên cơ sở đó, nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM gồm ba bạn Thái Thanh Tú, Nguyễn Văn Bổn và Tống Phước Long đã cùng nhau đi phát những bảng hỏi thăm dò người sử dụng xe buýt ròng rã 2 tháng. Từ kết quả tổng hợp được, nhóm đặt ra câu hỏi “Nếu như vé xe buýt vừa tốn chi phí in vừa gây nguy hiểm cho hành khách thì tại sao không tìm một sản phẩm thay thế, sử dụng lâu dài hơn?”, thế là nhóm bắt đầu vạch ra ý tưởng.
Dựa trên những tính năng cần đáp ứng của một sản phẩm thay thế vé tập xe buýt, nhóm ba chàng trai nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification). RFID là công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến, giúp đọc ngay các thông tin về đối tượng muốn được nhận dạng, quản lý (hàng hóa, phương tiện, sản phẩm, con người…) ở khoảng cách đến hàng chục mét. Nhóm bắt tay vào nghiên cứu và ứng dụng những bài học được tiếp thu trên lớp để xây dựng một hệ thống thanh toán vé trên xe buýt tự động mà không cần sử dụng tiền mặt hay tiếp viên phục vụ. Thẻ RFID được tích hợp hệ thống định vị có hình dạng giống như thẻ ATM. Với chiếc thẻ này, hành khách có thể “nạp tiền” theo khả năng và được quyền sử dụng chi trả tiền vé mỗi lần đi xe buýt mà không cần tiền mặt. Quá trình thanh toán nhờ thế diễn ra hết sức nhanh chóng, đơn giản và khỏi phải nghe tiếp viên nhà xe than phiền: “Sao không chịu đổi tiền lẻ?”. Bên cạnh đó, thẻ thu phí xe buýt bằng công nghệ RFID sẽ cập nhật liên tục thông tin về đối tượng (hành khách) nhằm giúp quá trình quản lí, theo dõi, truy xuất thông tin… trở nên rất dễ dàng.
Để dễ dàng quản lý việc thu tiền, mỗi xe buýt sẽ được gắn một module có khả đăng đọc và ghi thẻ từ. Bằng cách đọc số serie, password đặc trưng của mỗi thẻ, bộ cảm ứng module sẽ truy xuất thông tin hành khách (gồm cả ảnh chân dung hành khách) và tài khoản còn lại trong thẻ được hiện trên màn hình LED, giúp việc kiểm soát của tài xế thuận tiện hơn. Đặc biệt, mọi giao dịch về thông tin, tài khoản đều thông qua sóng radio do module phát ra nên không cần sự hỗ trợ trực tiếp nào. Khi có yêu cầu, hành khách có thể nạp thêm tiền vào tài khoản thẻ để tiếp tục sử dụng thông qua bộ xử lý trung tâm từ tài xế xe hoặc tại các phòng, đại lý bán vé trước đây.
Hệ thống tương tác tài xế xe buýt và hành khách tại trạm chờ
Bằng cuộc khảo sát bạn bè trong trường, các anh chị công nhân hay đứng đón xe buýt tại các trạm chờ huyện Nhơn Trạch đã giúp nhóm học sinh gồm ba bạn Lê Thanh Hằng, Lê Đình Hào và Huỳnh Nguyễn Trường Thịnh, lớp 10A1 Trường THPT Nhơn Trạch hình thành ý tưởng mô hình Hệ thống tương tác tài xế xe buýt và hành khách tại trạm chờ.
Bạn Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ: “Nhờ khảo sát, tụi em biết hành khách hay đứng ngồi, ra vào thấp thỏm ở các trạm chờ xe buýt vì không biết xe đến chưa. Có khi lại bị khuất tầm nhìn vì cây cối, xe cộ hoặc có người mắt kém không biết xe đến chưa, có khi đọc nhầm cả số xe”. “Dựa vào thực trạng trên, nhóm tụi em tạo ra mô hình tương tác bằng hệ thống định vị tín hiệu sẽ giúp giảm phần áp lực cho tài xế, tạo tinh thần thoải mái cho hành khách, giúp hành trình vừa an toàn lại vừa thoải mái” – bạn Thanh Hằng cho biết thêm.
Từng được học chế tạo robot tại Trường Trung cấp Nghề Nhơn Trạch với sự hướng dẫn của thầy dạy vật lý, nhóm đã nghĩ tới việc sử dụng những tính năng từ sóng vô tuyến RF (Radio Frequency) kèm theo những kiến thức về điện tử, vi mạch để tạo nên những “hộp thông tin” – là môi trường thông tin hai chiều “hỏi-đáp” giữa tài xế và hành khách đang chờ ở trạm. Mất hết 6 tháng, mô hình của các bạn được… trình làng. Tại trạm chờ sẽ được gắn hộp thiết bị tương tác gồm 3 nút nhấn, 4 đèn LED, 1 còi và 1 thiết bị thu sóng radio. Còn trên xe buýt sẽ gắn thiết bị tương tác có vi mạch gồm công tắc từ, còi, đèn LED và bộ thiết bị thu phát sóng. Theo tính toán của nhóm, chi phí lắp đặt mỗi hộp khoảng 1,5 triệu đồng, nếu được áp dụng và sản xuất rộng rãi chi phí sẽ giảm.
Ý tưởng về mô hình Hệ thống tương tác tài xế xe buýt và hành khách tại trạm chờ được bà Thái Thị Ty, nguyên Giám đốc Ban quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai nhận xét là một mô hình khá hiện đại và có thể áp dụng rộng rãi ở các đô thị lớn để giảm nguy cơ rủi ro, đỡ mất thời gian trong suốt hành trình.
Hai ý tưởng sáng tạo khác nhau nhưng cùng mục đích ứng dụng sóng radio nâng cao chất lượng phục vụ, độ an toàn cho hành khách khi đi xe buýt. Đó là công trình “Thu phí xe buýt tự động, sử dụng công nghệ RFID” của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và mô hình “Hệ thống tương tác tài xế xe buýt và hành khách tại trạm chờ” của nhóm học sinh Trường THPT Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Bài, ảnh: LỘC SÂM
Sản phẩm Thu phí xe buýt tự động, sử dụng công nghệ RFID đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong kỳ thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu nhi TP.HCM 2013. Còn Hệ thống tương tác tài xế xe buýt và hành khách tại trạm chờđã giành được giải nhì toàn quốc hội thi Học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2013. |
Bình luận (0)