Bằng cách sáng tạo video với thời lượng không quá 55 giây, những học sinh này đã biến kiến thức môn học thành sản phẩm âm nhạc. Các em đã góp phần đưa môn học khô khan, khó học trở nên đơn giản, thú vị và nhớ lâu.
Nguyễn Thị Yến Xuân giành giải siêu sao trong cuộc thi “Học đường On The Mic” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức
Với sản phẩm của mình, các em đã đoạt giải trong cuộc thi “Học đường On The Mic” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức mới đây.
Học hóa bằng… nhạc rap
Tự viết lời, sau đó thể hiện và tạo thành một video ngắn mang tên “Học hóa never sai”, Nguyễn Thị Yến Xuân (học lớp 10A19 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6) đã chứng minh học hóa không khó khăn như nhiều người nghĩ. Sản phẩm của Yến Xuân thể hiện trên nền nhạc rap với giai điệu thú vị cùng ngôn từ độc đáo, tạo cho người xem niềm thích thú với môn hóa. Trong video, Yến Xuân hát: “Phi kim đi với oxi/ Oxit axit nghe là nhớ ngay/ Oxit bazơ có gì?/ Kim loại cùng với oxi chẳng rời/ Kim loại OH cùng chơi/ Hóa bazơ chẳng còn phân vân gì/ Còn có tính tan rất cần/ Tan được trong nước đó là kiềm nha/ Khi có Hidro đứng đầu/ Biết liền axit gọi tên ngại gì/ Kim loại axit thêm vào/ Chẳng có gì khác đó là muối nha”. Với học sinh, hóa học là môn học không hề dễ dàng. Không chỉ khô khan, nhiều công thức, hóa học còn rất khó nhớ, khó học. Tuy nhiên, với Yến Xuân lại khác, em rất thích học môn hóa, kiểu “học mà chơi” nhưng lại đạt kết quả cao. Suốt 3 năm học hóa, em luôn đạt thành tích trên 9.0, có năm đạt điểm tuyệt đối – 10.0.
Dương Hoàng Ban (phải) và Bùi Công Duy trong video “Học triết khác biệt”
Yến Xuân cho rằng môn hóa rất dễ học, nếu biết cách học. “Cách học của em rất nhẹ nhàng. Ở lớp, em luôn chăm chú nghe thầy cô giảng bài, về nhà em ôn lại, làm nhiều bài tập”, Yến Xuân chia sẻ. Với lợi thế đam mê âm nhạc, biết cảm âm, lời bài hát, gần đây Yến Xuân đã viết nhạc từ môn hóa. “Em gặp nhiều khó khăn trong việc nghĩ ra lời rap phù hợp với nền nhạc. Bởi việc này giống như sáng tác một bài hát. Nhưng thử thách lớn nhất đó là làm sao để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng hóa học không hề đáng sợ như nhiều người từng nghĩ”, Yến Xuân khẳng định. Video của Yến Xuân không nói hết được tất cả nội dung của môn hóa mà chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ trong một bài học. Nhưng điều đó cũng chứng minh rằng sự sáng tạo của Yến Xuân trong môn học. Em biết cách biến những vấn đề khó thành đơn giản để vượt qua khó khăn trong học tập. “Sau bài hát này, em sẽ sáng tạo thêm nhiều video như thế nữa để áp dụng trong việc học. Em tin rằng với sự sáng tạo này, mình sẽ gặt hái được kết quả học tập như mong đợi trong thời gian tới”, Yến Xuân chia sẻ.
“Học triết khác biệt”
Đây là sản phẩm của Dương Hoàng Ban và Bùi Công Duy (học lớp 11CT1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5). Hoàng Ban cho biết, dù chiếm ít số tiết nhưng phần triết học trong môn giáo dục công dân lớp 10 khiến em cũng như bạn bè rất đau đầu vì khó nhớ. Hiện đã lên lớp 11 nhưng mỗi khi nhớ lại phần kiến thức này, Hoàng Ban vẫn còn cảm thấy ám ảnh. “Phần triết học rất khó vì có nhiều lý thuyết khó hiểu. Nếu biến tấu những định nghĩa đó thành những giai điệu vui tươi như bài hát sẽ dễ nhớ. Như vậy, các bạn học lớp 10 sẽ dễ tiếp cận và dễ thuộc bài hơn”, Hoàng Ban chia sẻ. Từ suy nghĩ đó, sản phẩm âm nhạc “Học triết khác biệt” đã ra đời với giai điệu vui tươi, dí dỏm: “Cùng học triết, cùng nhìn ngắm cuộc sống quanh mình để hình thành thế giới quan/ Ngồi đọc triết, để hiểu biết muôn vàn điều hay, học đi yêu đương gì tầm này/ Mọi vật đều vận động đi lên/ Cái mới ra đời, kế thừa và thay thế cái cũ nhưng ở trình độ ngày càng cao hơn/ Biện chứng siêu hình là hai loại phủ định/ Riêng biện chứng sẽ có tính kế thừa và khách quan/ Từ từ sẽ ngấm chớ đừng trách than…”. Không gian trong video là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. “Ca sĩ” thể hiện là Hoàng Ban và Công Duy. Hai em không chỉ hát mà còn biểu diễn tạo nên sản phẩm âm nhạc vui tươi, đúng chuẩn học đường. Lợi thế của Hoàng Ban và Công Duy là biết đàn, biết hát nên video trông khá chuyên nghiệp. Nói về quá trình thực hiện video, Hoàng Ban cho hay, em và Công Duy mất hơn 2 tuần mới xong phần nhạc và lời, sau đó mất thêm 2 ngày làm video. “Để hoàn thiện sản phẩm, chúng em lên mạng tìm hiểu rất nhiều thông tin để có chất liệu giúp video sinh động. Kể cả việc quay video cũng vậy. Chúng em phải quay đi quay lại rất nhiều lần vì diễn xuất chưa đạt và quên lời. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành sản phẩm, chúng em học được rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc biến kiến thức thành sản phẩm âm nhạc mang tính chất giải trí”, Hoàng Ban cho biết.
Hồ Trinh
Bình luận (0)