LTS: Sáng tạo trong dạy học là điều rất cần thiết, bởi không chỉ đưa môn học đến gần học sinh mà còn mở ra những cách tiếp cận kiến thức mới, không đóng khung theo lối mòn. Tuy nhiên, sáng tạo như thế nào để không lệch chuẩn là điều không đơn giản, đòi hỏi người giáo viên phải có năng lực thật sự.
Học sinh Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) hóa thân thành Thị Nở – Chí Phèo
Sân khấu hóa tác phẩm văn học là hình thức dạy học không còn quá xa lạ với giáo viên bộ môn văn. Hình thức này giúp mang môn học và tác phẩm đến gần với học sinh. Tuy nhiên, với hình thức này, nếu người giáo viên không có sự chọn lọc và thẩm định trong việc tái hiện tác phẩm và nhân vật thì rất dễ dẫn đến tác dụng ngược mang tính “phi giáo dục”.
Xa hơn nữa, theo nhiều giáo viên bộ môn, với bất kỳ hình thức sáng tạo nào trong môn văn, quan trọng nhất vẫn là tính nhân văn và giá trị kiến thức mà việc sáng tạo mang lại cho học sinh. Để làm sao từ môn học, từ tác phẩm hướng học sinh đến cái đẹp, những tình cảm trong sáng, lòng thiện lương và nhân cách sống.
Câu chuyện một giáo viên dạy văn bị kỷ luật khi sử dụng hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học, trong đó có những phân cảnh được coi là “phản cảm, trần trụi” không mang tính giáo dục như “gáo nước lạnh” để các giáo viên bộ môn nhìn nhận lại những lằn ranh trong sự sáng tạo của môn học. Vậy đâu là ranh giới, đâu là điểm dừng trong sự sáng tạo môn văn?
Mang văn học vào thực tế
Đứng ở góc độ giáo viên dạy văn, cô Tống Thị Thiều Hương (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho rằng sự sáng tạo trong môn văn là cực kỳ cần thiết. Bởi lẽ, theo cô Hương, môn văn vốn được coi là môn học “khó ưa” với nhiều học sinh. Với phương pháp dạy học truyền thống một chiều, học sinh sẽ “đứng ngoài” môn học, kiến thức sẽ truyền đạt nặng nề, khó hiểu. “Sâu khấu hóa giúp tiết học trở nên nhẹ nhàng hơn, lôi kéo học sinh vào cuộc cùng môn học. Ở hình thức này, các em buộc phải nhập cuộc cùng với tác phẩm, sống cùng nhân vật và hiểu hơn về nhân vật một cách hết sức tự nhiên, không khiên cưỡng. Hơn nữa, hình thức sân khấu hóa còn giúp học sinh mở mang thêm nhiều kiến thức khác ngoài sách vở, trang bị những kỹ năng mềm, đồng thời định hướng đam mê cho các em. Một phân cảnh trong tác phẩm được coi là thành công khi chính các em biết bản thân mình phù hợp với nhân vật nào, biết cách làm việc nhóm và “sống” cùng nhân vật”, cô Hương khẳng định.
Đánh giá cao hình thức sân khấu hóa tác phẩm, cô Nguyễn Vũ Huệ (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhìn nhận bằng hình thức này học sinh sẽ có sự “gặp gỡ” giữa nhân vật và thực tế. “Khi tác phẩm văn học trở nên sống động tựa như bước ra ngoài đời thực thì việc học cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tính cách nhân vật, diễn biến nội tâm nhân vật không chỉ còn trên những trang giấy mà bộc lộ rõ mồn một từ chính cách hiểu của học sinh”, cô Huệ nói.
Đã từng cho học sinh dàn dựng nhiều tác phẩm văn học, thậm chí học sinh còn tự viết kịch bản từ tác phẩm văn học để xây dựng thành những vở kịch, cô Nguyễn Thị Phúc (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ đây là hình thức ấn tượng nhất và học sinh cũng thích thú nhất khi học môn văn. Cô Phúc cho biết: “Văn học trở nên mềm mại, gắn bó hơn với cuộc sống. Dù diễn xuất còn ngây ngô rất… học trò nhưng các em đã có sự hiểu biết tác phẩm, hiểu biết về nhân vật, biết nhân vật mình đảm nhiệm sẽ phải làm gì và giá trị nội dung, nghệ thuật mà nhân vật mình truyền đạt là như thế nào. Từ hình thức này, người giáo viên cũng hiểu hơn về khả năng và thiên hướng của học trò mình để từ đó có những định hướng phù hợp với các em sau này”.
Nhưng thế nào là đủ?
Không thể phủ nhận hiệu quả mà hình thức sân khấu hóa tác phẩm mang lại đối với môn học. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên bộ môn, sân khấu hóa như thế nào và với tác phẩm nào, phân cảnh nào lại không phải là chuyện đơn giản. “Không phải với tác phẩm nào cũng tổ chức sân khấu hóa. Và khi đã cho học sinh thực hiện sân khấu hóa thì giáo viên phải có khả năng để thẩm định, có hiểu biết nhất định về loại hình sân khấu hóa mà học sinh lựa chọn để có những góp ý, uốn nắn cho phù hợp”, thầy Trần Văn Đúng (Nhóm trưởng nhóm văn 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM) nhận định.
Theo thầy Đúng, không riêng gì môn văn mà bất cứ môn học nào cũng cần đến sự sáng tạo để làm mới môn học và phát huy được năng lực của học sinh. Thậm chí, qua sáng tạo, phải thừa nhận nhiều học sinh còn “giỏi” hơn cả giáo viên. “Thế nhưng, sự sáng tạo phải được đặt-để trong một giới hạn nhất định. Từ phía người giáo viên cần phải hiểu rằng việc sáng tạo đó có tác động gì đến học sinh, và học sinh học được những gì”, thầy Đúng phân tích.
Từ khía cạnh đó, thầy Đúng cho rằng người giáo viên trước hết phải cân nhắc khi lựa chọn tác phẩm để sân khấu hóa. Nếu muốn mở rộng ra ngoài những tác phẩm trong chương trình học thì các tác phẩm đó phải mang những giá trị giáo dục nhất định. Nếu còn lấn cấn trong khâu chuyên môn, giáo viên có thể mời những người có năng lực về thẩm định, đánh giá sự sáng tạo của học sinh.
Một điều lưu ý nữa trong hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học, theo thầy Đúng, cần phải chú ý đến thể loại của tác phẩm. “Giới hạn của hóa thân vào tác phẩm còn phụ thuộc vào thể loại. Ví dụ, khi sân khấu hóa thể loại văn học dân gian thì không thể giống với sân khấu hóa tác phẩm truyện ngắn. Nhân vật Bụt sẽ không có tâm lý sâu, không yêu, không ghét, trái với nhân vật đời thực. Dù sáng tạo nhưng cũng có những yếu tố không vượt qua được”, thầy Đúng nói.
Sử dụng hình thức ẩn dụ khi diễn cảnh nhạy cảm Theo cô Nguyễn Thị Phúc (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), văn học còn mang tính hình tượng hóa. Với những cảnh nhạy cảm trong tác phẩm, nếu muốn sân khấu hóa, giáo viên có thể cho học sinh sử dụng hình thức ẩn dụ, hình tượng. “Điều cốt lõi vẫn là ý đồ mà giáo viên hướng đến khi cho học sinh sân khấu hóa tác phẩm. Ý đồ như thế nào thì tác phẩm sẽ theo hướng đó. Bởi vậy, với sân khấu hóa, đầu tiên phải là ý đồ mang tính giáo dục, nhân văn của giáo viên”, cô Phúc nhấn mạnh. |
Trở lại với câu hỏi mở rộng tác phẩm trong hình thức sân khấu hóa, cô Nguyễn Vũ Huệ cho hay, việc mở rộng là cần thiết song giáo viên phải có sự sàng lọc trước khi cho học sinh mở rộng. Ngay cả việc áp dụng yếu tố nghệ thuật vào trong sâu khấu hóa, giáo viên cũng phải có sự góp ý cho học sinh để có sự chọn lọc phù hợp, nếu không muốn phản tác dụng. “Làm sao đảm bảo rằng tác phẩm đó, trích đoạn đó khi được sân khấu hóa có ảnh hưởng tích cực đến học sinh, mang tính giáo dục cao”, cô Huệ chia sẻ. Còn theo cô Tống Thị Thiều Hương, văn học là nhân học, do đó, với bất kỳ sáng tạo nào trước hết cũng cần phải đảm bảo tính nhân văn của tác phẩm. Cụ thể, các trích đoạn nhạy cảm nếu muốn sân khấu hóa cần phải được làm thanh, làm tinh tế chứ không thể để trần trụi.
Ngay cả việc giáo dục giới tính, cô Hương cũng nhìn nhận môn văn là bộ môn lồng ghép giáo dục giới tính một cách nhẹ nhàng và hiệu quả nhất. “Với văn, giáo dục giới tính chính là hướng học sinh đến lối sống đẹp, đến tình cảm trong sáng, nhân văn như tác phẩm Sóng, tác phẩm Tôi yêu em. Không nhất thiết cứ phải dàn dựng những cảnh đụng chạm, phản cảm mới là giáo dục giới tính”, cô Hương bày tỏ.
Yến Hoa
Bình luận (0)