Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Sáng tạo” với hình phạt

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, các hình phạt như đòn roi, hít đất, thụt dầu… khi học sinh vi phạm nội quy nhà trường chỉ là những việc làm “lỡ tay” của một số ít giáo viên thiếu cái tâm với học sinh. Bởi vì khi phạt như vậy vừa vi phạm điều lệ nhà trường và có khi bị phụ huynh thưa gửi khắp nơi. Bản thân giáo viên rơi vào trường hợp này sẽ bị ban giám hiệu mời trao đổi, viết tường trình, có khi họ bị “sốc”, tinh thần mệt mỏi, sức khỏe sa sút vì áp lực của dư luận. Nếu đó là vi phạm nghiêm trọng thì hậu quả sẽ nặng nề hơn khiến họ chịu hết nổi đành phải bỏ việc, chia tay bục giảng mà trong lòng lưu luyến, bịn rịn.
Tuy nhiên, việc sử dụng hình phạt một cách “biến tướng” vẫn được một số trường coi như “sáng kiến” để đối phó với học sinh. Tôi từng chứng kiến ở trường THPT nọ, trong tuần lễ học sinh nào vi phạm nội quy nhà trường, không thuộc bài, đi học trễ, nghỉ học không phép… thì sáng thứ hai, sau nghi lễ chào cờ hát quốc ca xong giám thị gọi tên từng em, nêu lý do lỗi vi phạm thật cụ thể, các em này tự rời vị trí xếp hàng của lớp bước lên trước sân lễ, để nghe thầy giám thị “giáo huấn” cho đến hết giờ sinh hoạt mới được vào lớp. Trong khi đó, các em học sinh ngồi sinh hoạt dưới cờ ở phía dưới thấy cảnh này có khi tụm năm, tụm ba xì xào, bán tán về hành vi vi phạm của các bạn đứng phía trên. Theo tôi, sinh hoạt dưới cờ nhà trường cần nêu gương những em học tốt, ngoan hiền… mới có tác dụng giáo dục học sinh một cách tích cực và là hình thức trực quan sinh động nhất, hiệu quả nhất chứ đưa hình ảnh không hay như vậy càng phản giáo dục. Tôi còn chứng kiến cảnh khi giám thị phát hiện học sinh chửi thề đã phạt các em súc miệng cả xô nước đầy, mà dụng cụ múc nước chỉ là cái ly nhỏ xíu. Nhìn các em khổ cực múc từng ly nước đưa lên miệng hớp ngụm nhỏ rồi súc miệng nhả nước vào chiếc xô khác, tôi nghĩ việc các em thực hiện hình phạt này chắc hết cả buổi, vừa mất buổi học ngày hôm đó và không biết các em có sợ hình phạt này mà tự sửa chữa lỗi không? Theo tôi, nhà trường cần tập và dạy cho các em có thói quen không được chửi thề từ bậc học mẫu giáo, chứ không nên để xảy ra tình trạng đến bậc học THPT, chuyện chửi thề trong học sinh trở thành phổ biến, nhà trường thường xuyên chứng kiến cảnh này mà đành chấp nhận áp dụng hình phạt.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)