Bị xâm phạm thương hiệu còn kiện được, bị làm giả thì bó tay. Đừng để có chuyện mới chạy tìm luật sư.
Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt có thương hiệu đang khá mệt mỏi với tình trạng hàng bị làm giả tại thị trường Trung Quốc.
Tinh vi lộ liễu
Vừa qua, Công ty Cân Nhơn Hòa cũng bị một cơ sở tại Trung Quốc làm nhái. Ông Trương Vũ, Giám đốc tiếp thị Công ty Cân Nhơn Hòa, cho biết khi phát hiện, công ty đã báo cho Cục Quản lý thị trường Trung Quốc và họ đã đến ngay nơi sản xuất hàng giả điều tra nhưng cuối cùng cũng không đến đâu vì một số lý do. Chẳng hạn: Tên thương hiệu không giống 100% vì tiếng Hoa có những chữ viết gần như nhau nhưng khi đọc hay dịch nghĩa thì lại khác nhau… Cụ thể, chữ “Nhơn Hòa” khi thêm một nét đơn giản sẽ trở thành “Nhân Hợp”… Trên sản phẩm nhái cân Nhơn Hòa còn có ghi thêm dòng chữ “Không dùng trong thương mại”. Cơ sở sản xuất hàng giả nói rằng họ bán loại cân này để sử dụng trong gia đình thôi chứ không sử dụng trong buôn bán (?). Đây rõ ràng là dụng ý nhằm qua mặt cơ quan pháp luật và người tiêu dùng.
Hàng giả Vinamit và cà phê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc. (Ảnh do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp)
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, hầu hết các sản phẩm bán chạy của Vinamit đều bị làm giả. Người làm giả mua lại hàng xá nên chất lượng không bằng, ngoại trừ khoai lang, khoai môn. Ở Trung Quốc cũng giống ở ta, tình trạng làm hàng giả như rươi, hàng Trung Quốc mà họ cũng làm giả chứ nói gì đến hàng Việt. Nếu DN nào có văn phòng ngay ở đó thì người làm giả sẽ dè dặt còn không thì thôi.
Ông Lê Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina), chia sẻ thêm: Nếu bị vi phạm sở hữu thương hiệu thì DN có thể nhờ luật sư khởi kiện, còn nếu hàng bị làm giả thì khó mà biết đích xác người làm giả ở đâu để kiện. Ngăn chặn làm hàng giả ngay tại Việt Nam vốn rất nhiêu khê, tại Trung Quốc còn nhiêu khê hơn nhiều.
Xử lý kiểu… thong thả
Ông Lê Văn Trí cho biết sản phẩm của Casumina bị làm giả là ruột xe máy. Ông than: “Chống hàng giả tại thị trường Trung Quốc rất trầy trật, ngay khi phát hiện sản phẩm của mình bị giả thì báo với quản lý thị trường, hải quan ở biên giới các tỉnh, công an kinh tế, rồi thông báo cho họ biết phân biệt hàng nào thật hàng nào giả. Tuy nhiên, họ làm cũng không đến nơi đến chốn. Hàng giả được vận chuyển ngờ ngờ trong các bao tải lớn chứ có phải là cây kim đâu. Khi mình có mặt ở đó thì họ bắt, lúc mình đi rồi thì thả ra”.
Một DN trong ngành nông sản cũng ưu tư: Làm ăn với thị trường Trung Quốc khó có sự lâu dài. “Cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các vụ hàng giả rất chậm, không chủ động, đôi khi mình báo họ cũng không đi bắt, chỉ trừ trường hợp họ đi bắt vụ khác mà trong đó có sản phẩm của mình thì họ mới báo lại cho DN biết”.
Đừng để có chuyện mới chạy tìm luật sư
Ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc dự án Xúc tiến thị trường Trung Quốc của Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: “Hàng Việt giả hiện xuất hiện ở Trung Quốc chủ yếu qua các kênh bán lẻ truyền thống. DN Trung Quốc rất nhạy, khi thấy các sản phẩm có thương hiệu ở Việt Nam bán chạy thì họ lập tức đi đăng ký bảo hộ thương hiệu trước (?)”.
“Một khi đã xác định vào thị trường Trung Quốc nghĩa là phải chấp nhận… sống chung với lũ và mỗi DN cần chọn cách thức cho phù hợp để tự bảo vệ mình” – ông Lê Văn Trí nói. Theo ông Trí, ngoài việc báo cáo lên chính quyền sở tại thì công ty ông thường tự đi chụp ảnh hàng giả và hàng thật, in poster ở những nơi bán hàng giả. Chiêu dán poster – theo ông Trí là hiệu quả nhất. Ngoài ra, công ty của ông Trí đã thay đổi cách đóng gói, bao bì… bằng cách đầu tư một máy đóng gói trị giá vài chục ngàn USD. Điều này phần nào gây khó khăn cho người làm hàng giả bởi chi phí đầu tư quá lớn.
Đại diện một DN không muốn nêu tên cho biết DN khi phát hiện sản phẩm mình bị làm giả thì họ không tập trung vào kênh bán lẻ nữa mà chuyển hàng sang các siêu thị, hệ thống phân phối. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng giống như người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng hàng bán ở siêu thị hơn nên DN đã tận dụng vào lợi thế này.
Truyền kinh nghiệm chống hàng giả, tổng giám đốc Vinamit cho biết: Đã có nhiều DN bị mất thương hiệu và đòi lại rất kỳ công, do vậy DN không chỉ đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Trung Quốc là xong mà còn phải có các bước khác. Chẳng hạn, cần có văn phòng luật sư để giúp khi gặp sự cố. “Nhiều DN ngại tốn kém chi phí đăng ký nhưng khi đụng chuyện, thấy nhọc nhằn thì đã muộn!”.
Đoàn DN Việt Nam sang Trung Quốc Từ ngày 2 đến 6-5, Hội DN Hàng VN chất lượng cao sẽ cùng với các DN Việt Nam đến Trung Quốc tìm cơ hội tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, trực tiếp gặp gỡ làm việc với các đối tác sản xuất cùng nhà tư vấn thương mại tại Trung Quốc. Đoàn DN Việt Nam sẽ làm việc với ban giám đốc Trung tâm Thương mại Thâm Quyến về dự án 6.000 m2 mặt bằng tại đây. Theo kế hoạch, DN Việt Nam khi đầu tư kinh doanh tại khu thương mại này sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt trong năm năm đầu tiên. Nên thông qua luật sư trong nước Khi DN Việt bị làm giả, làm nhái hàng hóa thì nên làm việc ngay với luật sư nước sở tại nhưng DN cũng cần có trình độ hiểu biết nhất định. Những DN không có cán bộ pháp lý chuyên trách thì nên thông qua một văn phòng luật sư trong nước để nắm bắt toàn bộ vấn đề, sau đó mới làm việc với luật sư Trung Quốc. Thường các văn phòng luật sư Việt Nam có quan hệ qua lại với luật sư các nước khác, điều này rất hữu ích cho DN trong việc khởi kiện… Kinh nghiệm cho thấy DN cung cấp nhiều thông tin về hàng giả cho luật sư Trung Quốc thì công việc sẽ nhanh và ít tốn kém hơn. Nếu DN đưa ra những thông tin sơ sài, bắt họ tìm thêm bằng chứng thì tốn kém rất nhiều. Ngoài ra, nếu DN có một nhà phân phối đại lý chính thức ở đó thì có thể ủy quyền. Bản thân đại lý là người Trung Quốc thì việc khiếu kiện sẽ dễ dàng hơn. Lưu ý là việc đăng ký sở hữu kiểu dáng, mẫu mã độc quyền của các DN Việt chưa nhiều, đây chính là sơ hở để người làm hàng giả lợi dụng. Ông NGUYỄN THÀNH LONG, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh |
TÚ UYÊN
Theo Pháp Luật
Bình luận (0)