Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sao chép giáo trình tràn lan

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sự ra đời ồ ạt của các trường đại học như hiện nay khiến việc sao chép giáo trình của nhau được nhiều người cho là… bình thường.
Chưa nghĩ đến chuyện bản quyền
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là một trong những trường có số lượng giáo trình dành cho sinh viên ngành kỹ thuật khá đầy đủ và cũng là trường có số lượng tài liệu bị “copy” khá nhiều.
Theo tiến sĩ (TS) Trương Chí Hiền – Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TP.HCM: “Chúng tôi cũng có nghe dư luận rằng những giáo trình của trường mình bị “copy”, cũng có thầy giáo bức xúc nhưng ở trường có quá nhiều việc phải lo hằng ngày nên cũng chưa để ý đến vấn đề “đạo” giáo trình. Thậm chí, trường vừa làm xong một cuốn băng video để dạy cho sinh viên, liền ngay sau đó ở trường bạn cũng thấy xuất hiện một cuốn băng như thế”. Khi đặt vấn đề tại sao trường không lên tiếng trước việc này, TS Hiền nói: “Thầy giáo lo nhiệm vụ chính của mình là giảng dạy, còn bảo vệ bản quyền thì đến giờ chúng tôi cũng chưa nghĩ tới việc xem trường nào hay giảng viên nào “copy”, sử dụng tài liệu giáo trình của trường”.
Sinh viên tra cứu tài liệu trong thư viện trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Đây là trường có số lượng giáo trình bị “copy” khá nhiều – Ảnh: Thiên Long
TS Hiền nói thêm: “Trường có quy định rất rõ về tài liệu giáo trình, ai là người được viết giáo trình và ai là người viết tài liệu tham khảo. Theo đó, những cuốn sách được viết ra đầu tiên chỉ coi là tài liệu tham khảo, phải trải qua một lần xuất bản, được dư luận góp ý và hội đồng thẩm định có ý kiến thì mới được xem là một giáo trình”. TS Hiền trăn trở: “Viết một quyển sách ở lĩnh vực kỹ thuật mất rất nhiều thời gian, tốn kém tiền bạc, công sức và chất xám”. TS Hiền cũng thừa nhận: “Những môn học của năm cuối rất khó viết vì khả năng khoa học kỹ thuật của Việt Nam còn hạn chế, do đó chỉ có thể dùng tài liệu của nước ngoài để giảng dạy chứ chưa tự viết ra”.
Ông Hiền cho biết thêm: “Một năm, các giảng viên của trường ĐH Bách khoa TP.HCM chỉ viết được từ 45-80 tài liệu tham khảo từ lý thuyết đến sách bài tập. Hiện nay, giáo trình của trường đã phủ kín các môn học, nhưng không phải 100% sách do trường viết mà còn sử dụng thêm tài liệu của nước ngoài. Có những ngành kỹ thuật phát triển rất nhanh như Công nghệ thông tin, Viễn thông sau hai, ba năm thì phải đổi sách mới. Do đó, chúng tôi chủ yếu sử dụng trực tiếp tài liệu của nước ngoài”.
Rất ít giảng viên tự soạn giáo trình
Đó là sự thật trong các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa – Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM cho biết: “Ở các trường đại học công lập truyền thống lâu đời, đa số các giảng viên tự soạn giáo trình hoặc ít ra là tập bài giảng để lên lớp. Ở các trường còn lại, cũng có giảng viên của trường đó tự soạn giáo trình, tuy nhiên chưa thật nhiều”.
Nói đến vấn đề viết giáo trình, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa khẳng định: “Đó là việc không đơn giản. Tôi cho rằng nếu tác giả làm việc nhanh và tích cực cũng phải mất ít nhất vài tháng. Tất nhiên, cũng có thể mất vài năm hay lâu hơn nữa. Tác giả phải đọc, tham khảo nhiều tài liệu trong ngoài nước để nắm được tổng quan tình hình”.
TS Nghĩa giải thích thêm về quy trình soạn thảo giáo trình trong nội bộ ĐH Quốc gia TP.HCM: “Các giảng viên đăng ký tên giáo trình, thời gian biên soạn với trường, các trường tổng hợp báo cáo về ĐHQG. Các giáo trình khi biên soạn xong được biên tập nội dung và hình thức, được gửi đi lấy nhận xét của các chuyên gia độc lập, qua nhiều vòng như thế mới được Nhà xuất bản ĐHQG TP.HCM xin giấy phép, in ấn và xuất bản. Các tác giả phải chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung giáo trình của mình”. Một khi đã biên soạn giáo trình thì cũng phải tính đến lúc tái bản. Đây cũng là một công việc tiêu tốn nhiều công sức.
TS Nghĩa lý giải: “Có giáo trình tái bản hằng năm, cũng có giáo trình 5-6 năm mới tái bản. Khi tái bản, các tác giả thường lại phải mất thời gian, công sức để sửa chữa nội dung, hình thức cho hay hơn, đẹp hơn để phục vụ người đọc. Nói vậy để thấy có được một giáo trình hay thật vất vả”.
Thiên Long / TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)