Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sao cô dựng chuyện xấu cho con tôi?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhng năm gn đây, nhà trưng thưng là nơi phát hin nhng sai trái v đo đc, li sng ca hc sinh. Chính vì l đó, khá nhiu ngưi có cái nhìn tiêu cc v ngành giáo dc, cho rng nhà trưng đã “xem trng vic dy ch, xem nh vic dy ngưi”, lơi lng trong  giáo dc li sng, đo đc cho hc sinh.

Theo tác giả, chỉ vì suy nghĩ “con nít thì biết gì!” mà người lớn đã vô tình đẩy trẻ con tiếp cận với cái xấu, ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ (ảnh minh họa)

Điều này thật sự oan ức cho nhà trường, cho các thầy cô giáo. Bởi như người xưa thường nói “Giặc trong nhà mà ra”, những sai phạm, lỗi lầm của học sinh thường bắt nguồn từ gia đình. Dưới đây là câu chuyện một học sinh lớp 1 lén ba mẹ xem phim… “đen”.

Suốt mấy ngày liền, cô giáo lớp 1C để ý thấy N. – một học sinh nam của lớp – khi chơi đùa với bạn thường có những hành động, cử chỉ cơ thể “khác thường”, nhất là với các bạn nữ. Mỗi lần nhìn thấy, cô giáo đều nhắc nhở N. không làm như vậy nữa vì nhìn không hay. Thế nhưng, hôm ấy, vừa có trống ra chơi, cô đã nhìn thấy N. tự tuột quần mình xuống ngay tại lớp và làm động tác hẩy nửa người về phía trước trước mặt các bạn đứng gần đó. Quá bất ngờ, cô hét to: “N., em làm gì vậy?”. Nghe cô gọi, N. giật mình và kéo quần lên. Sau đó, cô gọi N. lên bàn giáo viên hỏi tại sao làm điều kỳ dị như thế. Lúc đầu, N. nói là đùa giỡn. Cô phải chất vấn mãi, N. mới trả lời là do xem phim… “đen”. Cô hốt hoảng hỏi xem ở đâu, N. nói xem trên điện thoại di động của ông ngoại. Quá bất ngờ trước sự việc “kinh khủng”, cô gọi điện thoại mời phụ huynh vào trường ngay lập tức. Vì cô không nói rõ lý do, cả ba mẹ của N. đều vội vã đến trường ngay.

Cô giáo trẻ mặt đỏ bừng, kể lại sự việc cho phụ huynh nghe với giọng nói thể hiện sự bức xúc. Cô nói một hơi, nào là cô chưa thấy học sinh lớp 1 nào hư hỏng như thế, tại sao ba mẹ không quản lý để con mới tí tuổi đã xem phim “đen”, rồi bây giờ phải làm thế nào khi đầu óc N. đã nhiễm những hình ảnh xấu xa đó… Cô giáo nói chưa kịp dứt lời, mẹ của N. đã lớn tiếng: “Tại sao cô dựng chuyện nói xấu con tôi? Chẳng lẽ ông ngoại cháu đưa cháu xem? Cô nghĩ gia đình tôi vô đạo đức như vậy hả?”. Ba của N. thì đứng lên, chỉ vào mặt cô giáo nói: “Làm gì mà cô ghét con tôi dữ vậy! Cô không chỉ bôi xấu con tôi mà còn làm mất danh dự của cả gia đình tôi. Tôi sẽ thưa cô để lấy lại danh dự cho gia đình tôi, cho con tôi”. Bất ngờ trước sự phản ứng dữ dội của phụ huynh, cô giáo trẻ chỉ ấp úng nói đây là chuyện thật. Mẹ của N. la lớn: “Cô nói láo mà không biết ngượng miệng! Con tôi chưa biết chữ thì làm sao cháu có thể tra vào mạng để xem?”. Trước câu hỏi này, cô giáo chỉ còn im lặng vì thực tế là lớp 1 mới vào học, N. chưa biết đọc viết trôi chảy. Rất may là trong văn phòng có giáo viên khác, mọi người đều khuyên phụ huynh bình tĩnh và nói cô giáo gọi N. lên văn phòng.

N. là một nam sinh lanh lợi, có lẽ là “con yêu, cháu quý” của gia đình nên dù có mặt nhiều thầy cô vẫn chạy đến sà vào ba mẹ tíu tít nói cười. Tôi hỏi em từng câu, em trả lời thật rành rẽ, không chút ấp úng, sợ hãi. Mọi việc dần sáng tỏ. N. mượn điện thoại di động của ông ngoại để chơi game nhưng sau đó vì tò mò đã xem phim “đen”. Tôi hỏi sao em biết tên phim này. N. cho biết nhiều lần được ba chở đi uống cà phê với bạn, nghe bạn ba và ba nói chuyện với nhau về phim này. Chưa hết, N. còn nói thêm thấy ba và bạn vừa nói vừa cười nên em nghĩ đó là phim hài. Tôi hỏi N. chưa biết chữ thì sao tra mạng để xem được, thì em trả lời: “Em tìm bằng giọng nói”. Mẹ của N. bất ngờ liền hỏi: “Sao con biết cách tìm bằng giọng nói?”, N. hồn nhiên trả lời là thấy mẹ nhiều lần tìm kiếm bằng giọng nói nên làm theo. Tôi bảo mẹ của N. đưa điện thoại cho em làm thử. Em cầm điện thoại và nhanh nhẹn tra cứu bằng giọng nói theo yêu cầu của tôi. Ba mẹ của N. làm thinh, không nói được lời nào. Cô giáo lớp 1C cũng thở phào nhẹ nhõm vì thoát tội vu oan cho học sinh. Tôi yêu cầu ba mẹ của N. về mượn điện thoại của ông ngoại, tra cứu lịch sử truy cập theo thời gian em đã kể để xác minh thêm lần nữa cho chính xác. Tôi khuyên phụ huynh lưu ý đến con, con càng lanh lợi cần phải chú ý nhiều hơn nhất là khi cho con sử dụng điện thoại. Tôi cũng nhắc nhở phụ huynh không nên răn đe con quá mức vì chuyện này. Bởi càng làm gay gắt, trẻ sẽ càng ghi nhớ lâu hơn. Ở tuổi lớp 1, học sinh sẽ mau quên, phụ huynh chỉ cần nhắc con đây là phim, mà phim thì sẽ hư cấu để thu hút khán giả, nó không đúng với sự thật và phim này chỉ dành cho người lớn; vì người lớn sẽ phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Quan trọng nhất là phụ huynh cần theo dõi kỹ để sự việc xấu này không lặp lại nữa. Ba mẹ cũng cần cẩn trọng hơn khi nói chuyện gì của người lớn mà có mặt con ở đó. Phụ huynh cảm ơn tôi rồi ra về. Hôm sau, cô giáo lớp 1C báo tôi biết, phụ huynh của N. đã gọi điện xin lỗi cô.

Sự việc xảy ra tạo nên một tình huống căng thẳng giữa phụ huynh và giáo viên. Tình huống không hay đó phần lớn là do cô giáo chủ nhiệm lớp 1C, vì cô đã xử lý tình huống chưa tốt. Cô giáo trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, sự việc lại nhạy cảm. Cô chưa tìm hiểu kỹ mọi sự việc, đã vội mời phụ huynh đến trường để kể tội học sinh, trách cứ phụ huynh trong việc giáo dục con. Đáng lẽ ra, cô phải hỏi N. cho rõ mọi điều: Xem lúc nào? Tại sao biết phim đó mà xem? Làm sao tra cứu được phim đó?… Khi có đủ “dữ liệu” cần thiết, cô hãy mời phụ huynh đến và cùng phụ huynh tìm biện pháp, cách thức để ngăn chặn, không để tái diễn, quan trọng là cùng phụ huynh giáo dục trẻ khi trẻ mắc sai phạm và giúp trẻ tiến bộ. Chính vì vậy, cô “đứng hình” khi phụ huynh chất vấn “Con tôi chưa biết chữ thì làm sao cháu có thể tra vào mạng để xem?”. Về phía phụ huynh, nhất là phụ huynh lớp 1 luôn có suy nghĩ con nít mà biết gì. Thật sự, trẻ con ngày nay được nuôi dưỡng đầy đủ nên cả thể chất lẫn tư duy đều phát triển tốt hơn trẻ con thế hệ trước rất nhiều. Chẳng những thế, các em còn được tiếp cận với cuộc sống hiện đại, công nghệ từ bé nên việc nắm bắt mọi việc rất nhanh chóng, lẹ làng. Ba của N. chở con theo để uống cà phê với bạn đã không cẩn trọng khi chuyện trò vì nghĩ rằng “con nít thì biết gì!”, nhưng với trẻ con ngày nay, những lời người lớn nói, nếu không hiểu, các em sẽ tìm hiểu. Mẹ của N. cũng không nghĩ là cách tra cứu bằng giọng nói của mình đã được N. lưu ý và áp dụng ngay khi có dịp chứ không cần mẹ dạy. Ông ngoại của N. cũng nghĩ cháu mình là con nít, sử dụng điện thoại chỉ chơi game mà thôi nên không cần phải kiểm tra xem cháu mình đã làm gì với chiếc điện thoại. Chỉ vì suy nghĩ “con nít thì biết gì!” mà người lớn đã vô tình đẩy trẻ con tiếp cận với cái xấu và nếu cái xấu cứ lặp lại liên tục sẽ hình thành suy nghĩ xấu, hành động xấu, thói quen xấu, ảnh hưởng rất lớn đến tâm trí của các em trong sự hình thành và phát triển nhân cách.

Lê Phương Trí

Bình luận (0)