Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sao cứ đòi tự chủ tuyển sinh đại học, cao đẳng?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tôi cứ suy nghĩ mãi, không biết tại sao một số trường cứ đòi quyền tự chủ trong tuyển sinh đầu vào.

Kỳ thi ba chung vẫn có nhiều mặt tích cực. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Những năm làm quản lý một trường đại học có gần 50 năm tuổi, với đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, và như các trường khác cũng tự ra đề, tự chủ tuyển sinh, song chúng tôi chưa một lần va vấp!
Ấy vậy, lúc đó tôi vẫn đề nghị Vụ Đại học ra đề thi chung. Khi Bộ GD&ĐT thực hiện phương án ba chung, tôi cảm thấy nhẹ nhõm như cất được gánh nặng. Theo tôi cần phân tích tỉ mỉ phương án 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả) được gì và chưa được gì? Thật khó đưa lên bàn cân, nhưng những ai vì cái chung, vì người dân và vì học sinh cũng thấy được cái được và cái chưa được.
Nhiều cái lợi
Cái được lớn nhất của 3 chung là có chung mặt bằng đánh giá chất lượng trong khâu tổ chức, quản lý giảng dạy học tập ở các trường phổ thông, qua số lượng học sinh thi đỗ vào ĐH, CĐ nhiều hay ít, và cũng là sức ép của người dân đối với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo ở địa phương đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nhiều hay ít ở các cấp phổ thông. Đó là bức tranh phản ánh bộ mặt giáo dục ở địa phương một cách khách quan nhất.
Cái lợi thứ hai là các trường ĐH, CĐ không phải lo việc ra đề không phù hợp với chương trình phổ thông hoặc mắc sai sót. Chưa nói đến làm thế nào ra được đề hay, vì tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa nói đến những trường không có bộ môn liên quan đến môn thi, phải thuê người ngoài trường tốn kém và phức tạp trong khâu bảo mật đề thi.
Cái lợi thứ ba là tạo cơ hội cho học sinh chuyển đổi ngành học. Đây là ưu điểm lớn nhất của ba chung, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn đúng ngành nghề mà khi làm hồ sơ thi tuyển chưa suy nghĩ kỹ càng hoặc thiếu thông tin.
Lợi thứ tư là hạn chế tiêu cực: Ra đề dễ hoặc ra đề theo "trọng tâm", theo sự chỉ đạo để có điểm chuẩn vào trường cao, tự đánh bóng mình hoặc để tuyển sinh được nhiều, dẫn đến quy định điểm sàn của Bộ GD&ĐT không còn ý nghĩa nữa. Học sinh thi đỗ vào trường nhiều, năm sau học sinh lại nộp đơn thi vào nhiều hơn, tưởng như trường đó có uy tín nhưng thực chất là bằng thủ thuật ra đề.
Lợi thứ năm là học sinh không phải đến trường dự thi để luyện thi. Những năm trước, các trường tự ra đề thi, nhiều học sinh ở Hà Nội phải học các thầy dạy môn thi vào trường đó (từ lớp 10 đến lớp 12), còn học sinh ở tỉnh xa sau khi tốt nghiệp phổ thông là khăn gói về trường ĐH, CĐ để luyện thi. Cấm các giáo viên luyện thi tham gia ban đề, nhưng ai quản lý việc họ thông đồng với nhau? Tốn kém cho gia đình, mất công bằng với học sinh được vào luyện thi và không được vào luyện thi thấy rất rõ.
Ra đề thi chung còn có cái hay nữa là các trường đại học thấy được uy tín của mình với xã hội, thấy được nhu cầu của người học và thấy được chất lượng đầu vào, các hạn chế để có biện pháp thu hút thí sinh nâng cao chất lượng đầu vào (điểm chuẩn) chứ không phải bằng "giải pháp" hạ yêu cầu đầu vào. Ra đề chung, các trường đỡ tốn kém hơn so với trường tự ra đề mà chất lượng đề đa số phù hợp với chương trình phổ thông bởi có đội ngũ chuyên nghiệp và được chuẩn bị kỹ càng hơn.
Mất tự chủ ở chỗ nào?
Tuy nhiên, cái chưa được lớn nhất của phương án ba chung là thí sinh tập trung thi cùng đợt quá đông khiến cả xã hội phải gồng mình chống đỡ. Mấy năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã cải tiến, thành lập cụm thi ở địa phương là những cải tiến tốt để dần khắc phục tồn tại trên.
Cũng có cái chưa được là một số trường muốn cải tiến đề thi cho phù hợp với đặc điểm của trường mình; nhưng nên nhớ, tuyển đầu vào từ cái nền của cấp phổ thông, số trường có đặc điểm như vậy rất ít.
Việc tổ chức tuyển sinh theo ba chung, theo tôi là những cải tiến tích cực, không biết các trường thấy mất tự chủ chỗ nào? Đề nghị Bộ GD&ĐT, những trường có ý tưởng đổi mới cách thức ra đề thi, nên mời họ vào ban ra đề thi để mang lại "luồng gió mát" chung cho cả xã hội, chứ không nên đóng cửa hưởng một mình. Bộ hãy là trọng tài cầm cân nảy mực, xứng đáng với trách nhiệm được giao.
Nhà giáo nhân dân, GS.TS Lê Kim Truyền
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)