Học sinh chơi game. Ảnh: I.T
Vừa rồi, tại một cuộc họp đầu năm học với phụ huynh, tôi nhận được một phản ảnh của người mẹ hết sức thời sự là việc con em của họ hiện nay nghiện game online quá đà. Thực ra đây không phải là vấn đề mới, nhưng dường như nó chưa bao giờ nguội.
Điều tôi quan tâm ở đây là từ sự việc này, một người cha đã đứng lên thẳng thừng đổ lỗi trách nhiệm cho nhà trường, cho giáo viên về việc không quản lý, không giám sát học sinh ở trường, dẫn đến rất nhiều trẻ nghiện game online, bỏ bê việc học. Thực sự tôi rất cảm thông cho nỗi lòng phụ huynh về vấn đề này, vì quá lo cho con nên mới phản ứng như thế. Nhưng đồng thời tôi cũng buồn, trăn trở về nghề nghiệp của mình khi mà không hoàn thành sứ mệnh giáo dục, cũng như việc phụ huynh chẳng cảm thông với nhà trường, giáo viên. Tôi đã bình tĩnh giải thích cho phụ huynh hiểu, cũng như quy trách nhiệm của bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Nhà trường rất sẵn sàng phối hợp với phụ huynh giám sát, giáo dục trẻ trong các hoạt động vui chơi giải trí ngay cả khi ra khỏi trường, nếu như có sự tương tác từ phía phụ huynh.
Như mọi người thấy, nghề giáo viên bây giờ có trăm ngàn cái khó, cái khổ không tên. Nói là dạy học nhưng công việc nào trọn vẹn. Vào lớp còn nhiều thứ để lo, bận rộn. Với đồng lương ít ỏi, nhiều giáo viên phải làm thêm buổi tối, cuối tuần (dạy học ở các trung tâm, viết lách, bán hàng online…) để tăng thêm thu nhập, cân bằng thu chi trong gia đình. Những việc ở lớp làm không xong, phải mang về nhà làm để không trì trệ. Nói ra không phải kể khổ mà giáo viên có nhiều thứ phải lo trong thời buổi vật giá leo thang, lương không chạy theo kịp giá, nên đôi lúc giáo viên không còn quan tâm học sinh trọn vẹn những lúc học sinh bên ngoài trường học.
Mặt khác, theo tôi nghĩ, trách nhiệm của giáo viên, của nhà trường chỉ hạn chế ở đó. Nếu trong quá trình ở trường, tổng mấy tiết học, học sinh hư hỏng thì trách nhiệm có thể là ở nhà trường, giáo viên. Đằng này, trước giờ vào lớp và sau giờ tan học thì không thể quy lỗi của phía nhà trường được. Các em tan học, phụ huynh đến rước, nếu không rước thì các em tự đạp xe về nhà. Khoảng thời gian ấy, các em có thể ghé vào các quán nét chơi game (hoặc đi bất cứ nơi đâu) làm sao mà nhà trường quan tâm cho xuể. Thay vì thấy con lâu về, cha mẹ cần phải liên lạc với nhà trường ngay để phối hợp tìm rõ nguồn gốc hơn là buông lỏng. Từ việc tương tác, nhà trường mới có hướng xử lý, giải quyết rốt ráo. Có như vậy mới ngăn chặn cơn nghiện game ngay từ mới khởi phát.
Dịch vụ internet hiện nay nhan nhản khắp nơi, thường phục vụ cho học sinh chơi game online hơn là việc học, việc làm… Nói không ngoa, phụ huynh cứ thử ghé vào các quán nét (nhất là gần trường) trước giờ vào lớp và sau giờ tan học sẽ thấy những em học sinh mặc đồng phục đang say mê chơi game, chốc chốc lại buông ra câu chửi thề. Nhiều em khi ra khỏi cổng trường, ghé vào quán nét chơi cho đến tối mới về nhà, còn dám gọi điện nói dối với gia đình là ghé nhà bạn trao đổi bài tập hoặc đi ăn chè một thời gian sau về.
Thay vì rơi vào những trường hợp như thế, cha mẹ nên đặt câu nghi vấn: “Liệu con mình có qua nhà bạn ôn bài hay đã la cà đâu đó?”. Từ đó biến mình thành thám tử, truy ra sự thật. Với thời đại công nghệ thông tin, di động phát triển như hiện nay thì việc các phụ huynh liên hệ với nhau không có gì là khó. Khi đã biết chắc là con mình không qua nhà bạn, cần liên hệ ngay với giáo viên chủ nhiệm để họ nhờ mọi người tìm giúp là học sinh đó đã đi đâu (thông qua mạng xã hội, điện thoại, người quen…). Việc quan tâm như thế cũng ngăn chặn kịp thời các em làm những chuyện xấu khác.
Nói để các bậc cha mẹ cần hiểu và cảm thông cho giáo viên, nhà trường. Chẳng những việc học mà ngay cả việc giải trí của học sinh cũng cần có sự quan tâm của phụ huynh. Biết quan tâm đúng mực, hướng dẫn đi đúng đường, tạo điều kiện cho trẻ tham gia những sân chơi bổ ích, lành mạnh thì việc trẻ nghiện game online sẽ được đẩy lùi. Nhà trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ trong việc giáo dục con cái nên người.
Nguyễn Thanh Vũ
Bình luận (0)