Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Sao Diêm Vương có bầu trời màu xanh giống Trái Đất

Tạp Chí Giáo Dục

Bức ảnh màu đầu tiên về màu sắc khí quyển của sao Diêm Vương cho thấy nó có màu xanh giống Trái Đất.

Bầu khí quyển của sao Diêm Vương có màu xanh. Ảnh: NASA

Bầu khí quyển của sao Diêm Vương có màu xanh.

Theo Science Alert, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm qua công bố bức ảnh màu đầu tiên về bầu khí quyển của sao Diêm Vương, cho thấy nó có màu xanh giống Trái Đất.

Bức ảnh trên được phi thuyền New Horizons của NASA ghi lại. Phi thuyền này bay tới gần sao Diêm Vương hôm 14/7, nhưng phải chờ hiện tượng nhật thực xảy ra mới có thể quan sát được bầu khí quyển của hành tinh.

Sau khi bay qua sao Diêm Vương, phi thuyền New Horizons hướng máy ảnh LORI ghi lại hiện tượng nhật thực, đúng vào thời điểm sao Diêm Vương che khuất Mặt Trời. Những gì bạn thấy trong bức ảnh gốc đen trắng dưới đây chính là ánh sáng Mặt Trời chiếu qua bầu khí quyển hành tinh lùn.

sao-diem-vuong-co-bau-troi-mau-xanh-giong-trai-dat-1

Bức ảnh gốc đen trắng chụp bầu khí quyển của sao Diêm Vương.

Bầu khí quyển sao Diêm Vương trải dài lên đến độ cao 1.609 km tính từ mặt đất, cao hơn bầu khí quyển Trái Đất và vượt quá dự đoán của các nhà nghiên cứu trước đó.

Sau đó, phi thuyền New Horizons đã truyền tải thành công dữ liệu bổ sung được thu thập từ các thiết bị khác trên tàu, giúp xác định màu sắc bề mặt và khí quyển của Sao Diêm Vương.

Tuy nhiên việc khí quyển sao Diêm Vương có màu xanh không đồng nghĩa với việc nơi đây chứa sự sống. Thay vào đó, nó giúp các nhà khoa học hành tinh nhận biết kích thước và thành phần những loại hạt chứa trong bầu khí quyển.

"Bầu trời màu xanh thường là kết quả của sự tán xạ ánh sáng Mặt Trời, do các hạt vật chất rất nhỏ gây ra", chuyên gia Carly Howett, nói. "Trên Trái Đất, những hạt này là các phân tử nitơ nhỏ xíu. Trên sao Diêm Vương, chúng xuất hiện lớn hơn, dưới dạng phân tử tholins giống như bồ hóng".

Tholins là loại phân tử hình thành do các hợp chất đơn giản hơn tiếp xúc với tia UV (ánh sáng cực tím). Giới khoa học nghi ngờ rằng, tholins lúc đầu hình thành ở phía trên cao trong bầu khí quyển của sao Diêm Vương. Theo thời gian, chúng rơi xuống mặt đất, kết hợp với những phân tử khác trên đường rơi xuống tạo ra màu đỏ nâu. Đây chúng chính là màu sắc nổi bật của bề mặt sao Diêm Vương.

Kể từ lần tiếp cận gần đây nhất đối với sao Diêm Vương, tàu vũ trụ New Horizons đã di chuyển thêm được 804 triệu km, và bây giờ nó cách Trái Đất 4,9 tỷ km. NASA cho biết, hệ thống máy móc trên con tàu vẫn đang hoạt động bình thường.

Lê Hùng (theo vnexpress)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)