Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sao gọi em là lưu manh?

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây mấy hôm, vô tình tôi gặp một học sinh khuyết tật. Thấy vẻ mặt em buồn xo, tôi hỏi có chuyện gì mà sao trông em buồn thế. Em cho hay, buồn vì bị nhiều người gọi mình là lưu manh. Em năm nay học lớp 9, bị cho là lưu manh khi còn học lớp 8, xuất phát từ những chuyện vui đùa của đám “nhất quỷ nhì ma” mà thầy giám thị tìm hiểu chưa kỹ đã gán cho em. Từ đó một số phụ huynh không cho con em họ chơi với em. Đôi lúc buồn, em tuyên bố với các bạn: “Đi chỗ khác đừng chơi với  tao nữa, mất công ba mẹ tụi bay lại nói thế này thế nọ”, hay “Tao là lưu manh, tụi bay tránh ra”.
Trở thành kẻ bị cô lập, em muốn nghỉ học luôn. Tôi động viên em: “Người ta nói gì thì mặc, mình không phải là lưu manh thì thôi. Hãy cố gắng học tốt, sống tốt để cho mọi người thấy em là người tốt. Phải bản lĩnh lên, cây ngay không sợ chết đứng mà em”. Dù được an ủi nhưng em vẫn nói là không thể nào chịu được. Lặng buồn nhìn vào thân thể của mình, em nghẹn ngào: “Chân em què quặt như vậy, em vào đây làm lưu manh được cái gì. Thầy giám thị muốn em nhận mình là lưu manh, nhưng em đâu có phải là người lưu manh mà nhận lỗi”.
Đúng như thế, thân em gầy guộc bị khiếm khuyết lại học tại trung tâm mà ở đó các em đều là người khuyết tật thì làm sao là lưu manh được. Kể cả ở những trường bình thường, giáo viên cũng không thể gọi học sinh cá biệt bằng hai từ lưu manh. Số phận thiếu may mắn và dễ bị tổn thương nên người lớn, nhất là những người làm công tác giáo dục cần thương yêu, bảo vệ và chia sẻ cùng các em. Ngồi viết những dòng tâm sự này, tôi thầm mong em sẽ thực hiện được như những gì tôi đã động viên và lời em hứa không nghỉ học với tôi trước lúc chia tay.
Thái Hoàng (Giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

Bình luận (0)