Hội nhậpThế giới 24h

Sao Hỏa xuất hiện thứ “chỉ có thể sinh ra bởi sự sống”

Tạp Chí Giáo Dục

Dưới một đáy hồ cổ đại ở Sao Hỏa, robot NASA đã phát hiện ra một vùng đất y hệt Trái Đất, chứa đựng lời gợi ý rõ ràng về sự sống.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Patrick Gasda từ Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Mỹ) đã vén màn bí ẩn về một phát hiện bất thường của Curiosity, chiến binh săn tìm sự sống trên Sao Hỏa của NASA.

Đó là phát hiện hồi tháng 5-2017 về lượng oxit mangan cao hơn bình thường trong một đáy hồ cổ thuộc khu vực Gale Crater, một miệng hố va chạm lớn trên Sao Hỏa.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn bối rối vì các điều kiện đã biết trên hành tinh đỏ không cho phép môi trường như vậy tồn tại.

Sao Hỏa xuất hiện thứ "chỉ có thể sinh ra bởi sự sống"- Ảnh 1.

Đá trầm tích giàu mangan được phát hiện ở một đáy hồ trên Sao Hỏa. Ảnh: Nasa

Trong bài nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Geophysical Research: Planets, các tác giả đã thảo luận về cách mangan có thể được làm giàu trong những loại đá dưới đáy hồ này và chỉ ra sự sống có thể là chiếc chìa khóa duy nhất.

Đá trầm tích giàu mangan được tàu thám hiểm Curiosity khám phá là hỗn hợp của cát, phù sa và bùn. Loại đá cát này xốp hơn và nước ngầm có thể dễ dàng xuyên qua hơn so với các tảng đá bùn.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét làm thế nào mangan có thể được làm giàu trong đá cát này? Ví dụ, bằng cách thấm nước ngầm qua cát trên bờ hồ hoặc cửa sông vùng đồng bằng. Đồng thời, chất oxy hóa nào có thể gây ra sự kết tủa mangan trong đá?

Trên Trái Đất, mangan trở nên giàu có nhờ có oxy trong khí quyển và quá trình này thường được đẩy nhanh nhờ sự hiện diện của vi khuẩn.

Vi khuẩn địa cầu có thể sử dụng nhiều trạng thái oxy hóa của mangan làm năng lượng cho quá trình trao đổi chất.

“Trên Sao Hỏa, chúng ta không có bằng chứng về sự sống và cơ chế tạo ra oxy trong bầu khí quyển cổ xưa của Sao Hỏa cũng chưa rõ ràng. Vì vậy, làm thế nào oxit mangan được hình thành và tập trung ở đây thực sự là điều khó hiểu” – TS Gasda nói.

Dường như sự sống là lời giải thích hợp lý duy nhất cho điều khó hiểu đó. 

Vì vậy, sự hiện diện của mangan và oxit mangan nơi đây có thể là bằng chứng gián tiếp về các vi sinh vật cổ đại.

Nếu sự sống tương tự tồn tại trên Sao Hỏa cổ đại, lượng mangan tăng lên trong những tảng đá dọc bờ hồ này sẽ là nguồn năng lượng hữu ích cho chúng tồn tại, sinh sôi.

Nói cách khác, Gale Crater mà NASA nhắm tới cho sứ mệnh Curiosity rất có thể chứa đựng một hồ nước với phong phú sinh vật sống vài tỉ năm trước, khi Sao Hỏa chưa trở nên cằn cỗi.

Đó không hề là điều vô lý, bởi Sao Hỏa cũng nằm trong vùng sự sống của hệ Mặt Trời như Trái Đất.

Các bằng chứng mà NASA tìm thấy cho đến nay cho thấy khoảng 3 tỉ năm trước, hành tinh này từng có nhiều nước như Trái Đất, nhưng không may đã bị thất thoát vào không gian.

Theo Anh Thư/NLĐO

 

Bình luận (0)