Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sao không chịu học bài?

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây 15 năm, khi đó tôi là sinh viên thực tập ở Trường CĐ Bắc Giang, thầy Tống Văn Trân lúc đó là Hiệu trưởng nhà trường. Một lần thầy đến thăm đoàn thực tập sinh và tặng cho mỗi thành viên một tập san của nhà trường, nhân tiện thầy chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp và đọc một bài thơ được in trong tập san. Bài thơ có đoạn: “Sao không chịu học bài/ Ngồi xuống ngay điểm 1… Đâu phải em ham chơi/ Đâu phải em lười học. Sáng chờ xong buổi học/ Trưa ra đồng bắt cua. Đâu phải em ham chơi/ Đâu phải em lười học/ Khi cả nhà đói khát/ Em khó làm trò ngoan”. Đọc xong bài thơ, thầy nhẹ nhàng đặt câu hỏi cho cả đoàn: Theo các em thì bài thơ trên hay nhất là điểm nào? Cả đoàn thi nhau trả lời, mỗi người một ý. Trầm ngâm một hồi thầy nói: “Các em nói không sai nhưng có lẽ cả bài thơ như là một bài học, một kinh nghiệm cho những người làm nghề giáo. Đó chính là thầy cô giáo phải thực sự đồng cảm với học trò của mình. Nếu không thì rất khó trở thành một người thầy giỏi”. Lúc đó, chúng tôi mới thực sự hiểu rõ ý của thầy cũng như cả bài thơ mà thầy dành để đọc cho chúng tôi nghe. Bài học đó đã trở thành dấu ấn nhắc nhở chúng tôi mỗi lần đứng trên bục giảng. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, tôi cảm thấy rằng nếu như giáo viên không hiểu trò thì công việc dạy học cũng chẳng có ý nghĩa gì hết.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin có đăng tải những câu chuyện phản ánh tình trạng xuống cấp trong ngành giáo dục. Thầy đánh trò, trò đánh thầy…, thậm chí cả những câu chuyện kết thúc đáng buồn khi học sinh không còn lối thoát dẫn đến tự tử. Không biết đội ngũ thầy cô giáo suy nghĩ thế nào khi mình không còn là điểm tựa tinh thần của học sinh.
Tôi cũng đã được biết đến câu chuyện của một người bạn dạy toán THPT ở Thanh Hóa, bây giờ bạn ấy vẫn còn ân hận. Chỉ vì không kiềm chế cảm xúc và không hiểu được học sinh nên bạn đã cho điểm 0 một học sinh khi em không làm được bài tập. Nhận được điểm 0, em lặng lẽ về chỗ ngồi và ngày hôm sau em viết đơn xin thôi học. Biết chuyện, bạn tôi đến nhà tìm hiểu và động viên em thì mới hiểu được sự tình. Gia đình em quá nghèo, em đang sống với mẹ. Cách đó 3 ngày thì mẹ em bị tai nạn khi vào rừng lấy củi, bà được chuyển đến bệnh viện huyện cấp cứu, thời gian đó ngày đêm em phải chăm sóc mẹ. Vậy thì rất khó để em học sinh đó thuộc bài và làm tốt bài tập mà giáo viên yêu cầu.
Có lẽ đến lúc đội ngũ nhà giáo cần phải đặt câu hỏi: Mình đã hiểu học sinh chưa? Học sinh ở độ tuổi này có tâm lý thế nào? Trong lớp có bao nhiêu học sinh nghèo?… Những điều này rất cần thiết đối với giáo viên khi đứng lớp, không chỉ giáo viên chủ nhiệm mà kể cả giáo viên bộ môn. Vì lẽ đó, hiện nay không ít nhà trường yêu cầu giáo viên trước khi dạy học sinh phải xuống tận nơi để nắm đối tượng. Song, không ít thầy cô không có đủ thời gian để thực hiện, và khi những hiện tượng đáng tiếc xảy ra thì lúc đó họ mới phải ngẫm lại mình?
Là nhà giáo, nếu thiếu sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc đối với học sinh cũng chính là thiếu về lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp. Do đó, mỗi lần đứng trước bục giảng, các thầy cô đừng hỏi tại sao học sinh không thuộc bài, không nắm chắc kiến thức cũ mà hãy nên xem lại bản thân mình đã hiểu các em được bao nhiêu?
Phạm Phương (Đồng Nai)

Bình luận (0)