Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sao lại khống chế số lượng sinh viên?: Có biểu hiện tăng trưởng nóng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ GD-ĐT mới ban hành thông tư quy định quy mô đào tạo ĐH chính quy của các trường ĐH không vượt quá từ 5.000 – 15.000 sinh viên tùy theo khối ngành.

Từ năm 2016, các trường ĐH sẽ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định mới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Từ năm 2016, các trường ĐH sẽ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định mới – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT, với các trường hiện quá đông sinh viên (SV), sẽ có lộ trình để giảm chứ không bắt phải làm ngay từ năm 2016.
Về việc vì sao có các con số 15.000, 8.000, 5.000, ông Áng giải thích trong những năm gần đây, quy mô tuyển sinh hằng năm cũng như quy mô đào tạo lũy kế của ĐH, CĐ có biểu hiện tăng trưởng nóng, sẽ dẫn đến sự mất cân đối về yêu cầu nâng cao chất lượng với khả năng đáp ứng. Các điều kiện đảm bảo chất lượng bao gồm đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, khả năng quản trị… không theo kịp không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng. Trong đào tạo giảng viên, muốn tăng trưởng ngay cũng không kịp. Đã có tình trạng các trường giành giật nhau giảng viên, trả lương cao để lôi kéo các thầy cô về trường mình. Vì thế, từ nhiều năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có chủ trương ổn định quy mô cả hệ thống để nâng cao chất lượng. Chủ trương này được cả Chính phủ và Quốc hội ủng hộ.
Tháng 6.2013, Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 – 2020. Theo quy hoạch này, quy mô các trường ĐH khối ngành sức khỏe sẽ không quá 8.000, khối ngành năng khiếu không quá 5.000, các khối ngành còn lại không quá 15.000. Khi soạn dự thảo Thông tư 32 để trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ đã thảo luận rất kỹ về các tiêu chí này, đồng thời xin ý kiến các bộ ngành để đạt được sự đồng thuận.
Không bắt thực hiện ngay tất cả từ năm 2016
Sao lại khống chế số lượng sinh viên?: Có biểu hiện tăng trưởng nóng - ảnh 1

 Ông Nguyễn Văn Áng       

Vậy việc khống chế quy mô SV ĐH chính quy theo các con số vừa nêu sẽ theo một lộ trình như thế nào?

Đó là định hướng đến năm 2020. Nhưng từ năm 2016 mà áp dụng ngay quy mô được định hướng cho năm 2020 liệu có ổn không?
Bản thân nội dung Thông tư 32 chưa bắt buộc tất cả các trường phải ngay lập tức tuân thủ các nội dung theo Quyết định 37. Trong thông tư có những nội dung thể hiện định hướng đến năm 2020 mới đạt các mục tiêu mà Quyết định 37 đặt ra chứ không bắt các trường thực hiện ngay từ năm 2016.
Nhưng với tiêu chí về quy mô tối đa thì Thông tư 32 không thể hiện lộ trình như Quyết định 37 yêu cầu mà chỉ thòng thêm quy định các trường hợp đặc biệt sẽ được Bộ trưởng xem xét.
Không có quy định nào trong Thông tư 32 nêu rằng những trường quy mô đã vượt ngưỡng tối đa phải giảm xuống cho bằng quy định ngay lập tức. Chính khi đưa ra quy định Bộ trưởng sẽ xem xét quyết định trường hợp đặc biệt là chúng tôi đã có hướng rồi.
Hướng như thế nào, thưa ông?
Những trường hợp vượt quy định quy mô tối đa, các trường cứ đăng ký theo 2 tiêu chí về tỷ lệ SV/giảng viên và diện tích xây dựng/SV. Ví dụ một trường có 2 khối ngành kinh tế – quản trị và kỹ thuật – công nghệ, họ cứ đăng ký chỉ tiêu theo 2 khối sau khi đã áp dụng 2 tiêu chí vừa nêu. Nếu đăng ký đó giảm so với chỉ tiêu năm 2015 nhưng vẫn cao hơn mức quy định thì lấy theo mức giảm hiện tại, nếu tăng so với 2015 thì lấy mức cao nhất là bằng 2015.
Hiện có nhiều cách hiểu về quy mô tối đa theo khối ngành. Nếu một trường có tất cả các khối ngành thì quy mô tối đa họ được áp dụng là 8.000 + 5.000 + 15.000 hay chỉ tối đa là 15.000?
Chỉ được áp dụng tối đa là 15.000. Nhưng tôi tin, nếu áp theo Thông tư 32, tức là tách bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng theo khối ngành, thì chỉ tiêu nhiều trường đã giảm một cách tự nhiên, và chúng tôi sẽ lấy theo con số giảm tự nhiên đó.
Cơ chế riêng cho các trường có quy mô lớn
Bộ có lường trước là sẽ có bao nhiêu trường cần phải xem xét riêng?
Chúng tôi đã có thống kê và bàn bạc với những trường liên quan trước khi ban hành thông tư. Hiện cả nước có 219 trường ĐH (không tính khối công an, quân đội), trong đó chỉ có 18 trường quy mô hiện nay lớn hơn 15.000 SV chính quy. Chúng tôi sẽ cho các trường này có cơ chế riêng như tôi đã nói, tức là họ cứ đăng ký theo tiêu chí 1 và 2.
Tôi tin rằng chỉ tiêu những trường đó năm tới sẽ giảm một cách tự nhiên. Chẳng hạn, trường có 2 khối, kỹ thuật – công nghệ và kế toán – quản trị kinh doanh. Trước đây, khối kỹ thuật – công nghệ họ không bao giờ tuyển đủ 20 SV/giảng viên, trong khi đó khối kế toán – quản trị kinh doanh tuyển tương đối nhiều. Theo thông tư cũ, những trường có 2 khối ngành họ sẽ lấy cả những chỉ tiêu không tuyển được của khối ngành khác “bù” vào những khối ngành tuyển thừa. Giờ họ không được làm cách đó nữa.
Vậy chỉ cần thực hiện theo 2 tiêu chí đầu thì chỉ tiêu đã giảm một cách tự nhiên. Tại sao lại phải đưa ra tiêu chí 3 – hạn chế quy mô đào tạo – khiến gây ra tranh cãi?
Vì đang có xu hướng một số trường cứ xây thêm phòng học, cứ tuyển thêm giảng viên bất chấp điều đó vượt quá năng lực quản trị của họ. Nếu không có quy định này, xu hướng đó sẽ tiếp tục. Trong điều kiện của chúng ta, các tiêu chí về chất lượng chưa định lượng được thì việc thế này là cần thiết để đảm bảo nâng cao chất lượng.
Giảm quy mô tăng chất lượng nhưng đầu tư, nguồn lực đang có những bất hợp lý. Có ý kiến cho rằng các trường ĐH hiện nay phụ thuộc nhiều vào học phí, tăng quy mô để các trường tồn tại tốt nhất, ông nghĩ sao?
Để nâng nguồn thu bằng cách tăng quy mô chúng tôi không bao giờ ủng hộ. Chỉ tăng đến mức hợp lý. Tăng quá giới hạn là chúng tôi phản đối. Chúng tôi cũng nghe các trường phàn nàn, với quy định của Thông tư 57, 25 SV/giảng viên không đủ nguồn thu để trả các khoản chi cũng như trả lương cho giảng viên, cho nên đề nghị nâng định mức lên. Chúng tôi nói với các trường là điều này Bộ sẽ tham mưu để Chính phủ điều chỉnh chính sách học phí. Nghĩa là sẽ nâng trần học phí, chứ dứt khoát không được nâng số lượng SV/giảng viên vì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng. Thực tế Nghị định 86 đã nới trần học phí lên rồi, Nghị quyết 77 đã cho phép một số trường tự chủ nới trần học phí cao hơn nữa. Như vậy, chúng ta đang mở lối thoát cho các trường, khi mà khống chế về số lượng.
Để đảm bảo chất lượng

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Thông tư 32 ra đời là để nâng cao, củng cố chất lượng đào tạo. Thông tư yêu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phân chia theo cả khối ngành. Điều quan trọng nhất của thông tư là khống chế tổng quy mô theo quy hoạch mạng lưới của Thủ tướng. Khối ngành y tế, nghệ thuật tuyển ít hơn để các trường không tăng quy mô mãi được. Con số Bộ GD-ĐT đưa ra là đã có tính toán, nghiên cứu. Một trường có quy mô 15.000 SV nghĩa là mỗi năm tuyển khoảng 3.000 – 4.000 SV. Đây là con số của một trường lớn rồi.
Thời điểm tăng quy mô bằng số lượng đã qua rồi. Giờ học sinh đã ổn định, học sinh tốt nghiệp THPT còn có xu hướng giảm những năm gần đây, không tăng như dự kiến trước đây. Tăng quy mô mãi như vậy sẽ không còn nguồn tuyển nữa. Chúng ta cần chất lượng, quy mô tối đa để các trường có chiến lược phát triển. Cả thời gian dài vừa qua đã “thả” để các trường tuyển sinh phát huy hết năng lực. Bây giờ phải củng cố chất lượng. Các trường phải lập chiến lược từng năm phát triển bao nhiêu để không “cán” ngưỡng này. Một trường ở TP.HCM, đất đai hẹp, cứ tăng mãi số lượng thì chỗ đâu mà học?
Tuy nhiên, quy định phải ở mức làm sao khống chế số lượng nhưng không gây khó khăn cho các trường làm tốt. Trong từng trường hợp cụ thể, Bộ sẽ xem xét. Ví dụ trường nào đó chứng minh đất đai của mình tăng vọt, có nhiều giáo sư, tiến sĩ hơn trước rất nhiều, đảm bảo đào tạo được quy mô SV lớn hơn thì Bộ sẽ xem xét.
Đăng Nguyên (ghi)

Quý Hiên/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)