Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sao lại phạt như vậy?

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ riêng trường tôi mà nhiều trường đã và đang thực hiện kiểu phạt sau: lớp bị hạng chót thi đua hàng tuần sẽ phải dội nước, làm vệ sinh nhà vệ sinh của trường. Hàng tuần, bên thi đua của Đoàn trường sẽ tổng hợp điểm cộng, điểm trừ và có ba lớp đạt hạng: nhất, nhì, ba lãnh phần thưởng; lớp hạng chót bảng đương nhiên sẽ làm vệ sinh khu vực “nhạy cảm” nhất của trường. Lớp nào có nhiều học sinh đi trễ, vi phạm kỷ luật trong giờ học, không thuộc bài thì xác suất “nguy cơ” dội nước nhà vệ sinh… khá cao. Thông thường, các lớp học yếu (thường kéo theo ý thức học tập và các mặt khác đều yếu) bị nhiều nhất. Giáo viên chủ nhiệm những lớp này thường xuyên “đau khổ” vì bị phê bình trước trường, vừa bị đi làm những công việc chẳng lấy gì làm thích thú lắm. Thế là cả tuần ấy, sau mỗi buổi tan trường, thay vì được về nhà thì thầy cô chủ nhiệm cùng cả lớp phải ở lại vài chục phút, phân công nhau dội nhà cầu, quét dọn nhà vệ sinh… Khó nói hết những nỗi buồn của thầy cô chủ nhiệm, của học sinh bị phạt phải làm chuyện bất đắc dĩ này. Vì chúng ta đều biết, khu nhà vệ sinh của trường là khu… mất vệ sinh nhất. Thôi thì mang khẩu trang vào mà làm cho xong việc; nhiều học sinh vừa làm vừa phàn nàn, trách móc những bạn vi phạm làm cho cả lớp phải đau khổ “chịu đắng nuốt cay”.

Riêng trường tôi, sau khi lắng nghe ý kiến phụ huynh thì có thay đổi cách phạt. Đó là lau vết dơ trên tường các lớp học, làm cỏ, vệ sinh quanh trường. Công việc vệ sinh nhà vệ sinh thì giao cho bộ phận lao công làm. Nhưng một số trường, vì kinh phí eo hẹp, chưa có lao công thì hình thức phạt này vẫn còn tồn tại. Theo tôi, nên chăng cần xem lại cách phạt dọn dẹp nhà vệ sinh, tìm cách phạt khác mang tính giáo dục cao hơn, thuyết phục hơn để có hiệu quả giáo dục.

Lam Sơn

Bình luận (0)