Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sao Mai Phương Thanh bị… sờ tay, xem mặt

Tạp Chí Giáo Dục

"Khi biết tôi về tới nhà ở Đô Lương, cả người quen và không quen đến kín nhà để xem mặt giống như xem mặt hoa hậu vậy. Có người còn đòi… sờ tay để biết Sao Mai bằng xương bằng thịt và reo lên: “Trời ơi, đúng Phương Thanh đây rồi!”, á quân Sao Mai dòng dân gian 2011 cười bẽn lẽn kể lại.

– Không giành ngôi vị quán quân trong đêm chung kết, chị có tâm trạng ra sao?

– Tuy không được giải cao nhất, nhưng với tôi, giải nhì đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Sau khi giành giải trong đêm chung kết xếp hạng, tôi trở về nhà ở Tân Sơn (Đô Lương, Nghệ An) trong niềm sung sướng vỡ òa và sự chào đón của gia đình, hàng xóm láng giềng. Cả huyện nghe tin tôi về đã kéo nhau đến xem mặt Sao Mai. Mẹ tôi đi chợ, mọi người cứ ùa ra bảo: “Chị phải dẫn con gái ra đây đi dạo một vòng cho cả chợ ngắm với chứ!”. Tôi tự hào lắm! Tôi vẫn chưa hết hạnh phúc, chân mình vẫn chưa chạm đất, vẫn còn “bay” lắm, dù tôi hiểu, mình phải nỗ lực thêm rất nhiều.

Nhưng điều khiến tôi khóc như mưa là khi bị mất trộm tới hai lần. Chiếc áo dài trong đêm chung kết mang lại may mắn cho tôi chính là vật kỉ niệm mà tôi nâng niu nhất đã “không cánh mà bay”. Nó không chỉ đắt (chiếc áo dài của NTK La Hằng trị giá hơn 10 triệu đồng – PV), mà còn giống như thần hộ mệnh cho tôi có sức khỏe và sự tự tin. Em gái tôi giặt chiếc áo đó rồi phơi ở sảnh khách sạn và ra ngoài một lúc, khi trở về thì không còn. Đã vậy, khi tôi trở ra Hà Nội, mang theo mười mấy triệu tiền thưởng trong túi xách thì bị kẻ gian lấy hết cả tiền và giấy tờ. Tôi tiếc vô cùng vì khi nhận tiền thưởng, tôi mới kịp trích ra một ít cho cậu em út đang học ở TP HCM và liên hoan với gia đình, bè bạn một bữa, số tiền còn lại rơi vào tay đạo chích hết.

– Chị từng học thanh nhạc ở trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh trước khi ra Hà Nội học. Quãng thời gian đó có ý nghĩa như thế nào với giọng hát của chị?

– Hồi học cấp 3, tôi quá mê hát, bố mẹ cho tôi đi học thanh nhạc và kí xướng âm với một thầy giáo ở huyện. Học xong lớp 12, tôi thi vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh và đỗ thủ khoa, rồi ba năm sau tốt nghiệp loại giỏi. Tôi đã có một năm làm ca sĩ ở đoàn ca múa kịch Hương Sen ở Vinh và đi diễn ở nhiều địa phương trong cả nước để phục vụ bà con. Đây là quãng thời gian mà tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về hát cũng như bồi dưỡng cho tâm hồn và giọng hát của mình sự ngọt ngào, sâu lắng của chất liệu dân gian xứ Nghệ.

Nhưng niềm mơ ước của tôi từ nhỏ là được học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vì vậy, tôi đã nghĩ, mình không thể dừng lại, phải thực hiện mong muốn ấy của mình. Tôi khăn gói ra Hà Nội thuê nhà, ôn thi Đại học và đỗ, bây giờ, tôi là sinh viên năm thứ 2 của Nhạc viện Hà Nội, tự trang trải tiền ăn học, không xin tiền của bố mẹ nữa.

– Chị có thể tiết lộ ai đã giúp chị vận động nhắn tin bình chọn để chị giành giải Thí sinh được bình chọn nhiều nhất trong đêm chung kết?

– Tôi được nghe các cô, các chú đồng hương đến nhà kể: Trong cuộc thi Sao Mai, thấy có thí sinh đến từ Nghệ An, không biết là ở huyện – xã nào, nhưng mọi người đã huy động nhau nhắn tin để bầu cho tôi. Thực sự, được giải này ở đêm chung kết tôi bất ngờ lắm, vì trước đó, tôi thấy các bạn thi với mình có số lượng tin nhắn nhiều vô cùng. Khi bạn tôi hỏi: “Mã số của Phương Thanh là bao nhiêu để mình kêu gọi giúp đỡ?”. Tôi nói: “Không cần đâu, mình không hy vọng nhiều, mình chỉ cố gắng hát sao thật tốt chứ để được cộng điểm từ tin nhắn thì ít cơ hội lắm”. Do đó, tôi vô cùng hạnh phúc khi nhận giải bình chọn vì tôi nghĩ ít nhiều mình đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả và được mọi người ghi nhận.

– Chị nghĩ điều gì giúp chị may mắn như vậy?

– Tôi nghĩ mình có chút lợi thế nhờ chất mượt mà, ngọt ngào của dân ca xứ Nghệ và khi hát, tôi thực sự thả hồn vào ca khúc. Nhiều người nói tôi có gương mặt dễ nhìn, hỏi tôi có “dao kéo” gì không, tôi phải thú thật là không. Trong cuộc thi, tôi dẹp phần nhìn sang một bên, ăn thật nhiều để có sức khỏe thì mới hát được. Tôi tự giao trách nhiệm mỗi bữa tối thiểu phải ăn 2 bát cơm, nên tôi tăng cân so với trước khi thi.

– Chị có nghĩ mình có thêm lợi thế vì được cô giáo Thu Lan dạy trong Nhạc viện, đồng thời từng ngồi ghế giám khảo?

 Phương Thanh. (Ảnh: Ngô Kan)

– Cô Thu Lan là một người miền Trung, cô rất thấu hiểu sự vất vả của người xứ Nghệ nên cô thương học sinh chúng tôi lắm. Dù cô là giám khảo, nhưng tôi nghĩ cô chấm rất công tâm bởi học trò của cô đâu chỉ riêng tôi. Trong trường, tôi được học ở cô không chỉ kĩ thuật cổ điển, mà còn ở những cách luyến láy của dân ca.

– Chị chuẩn bị bài vở thế nào để đi thi?

– Quả thật, đây là điều chúng tôi luôn lo lắng vì nó chiếm tới 50% thành công hay thất bại của mỗi thí sinh. Trước khi dự giải, tôi đã lên danh sách khá nhiều bài cho mình, vậy nhưng rồi tới vòng nào cũng lại nước rút về bài vòng đó. Không chỉ tôi, ai cũng gấp rút như vậy, bởi những bài mình hát hay nhất thì đã chọn ở các vòng trước và không ai dám nghĩ mình chắc chắn sẽ vào vòng trong mà “để dành” bài. Em Nguyễn Văn Thế là một trường hợp rất đặc biệt, vào đến Huế thi chung kết dòng dân gian, em còn chưa chọn được bài phù hợp, lại không có ai giúp phối khí, hình như sau đó, Thế phải nhờ các anh nhạc công giúp đỡ, có lẽ vì khó khăn như vậy nên em ấy kém may mắn chăng?

Lê Thoa (Theo DVO)

Bình luận (0)