Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Sao nhí Arsenal: Hành trình gian nan – Bệ phóng từ tuyển trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Cố gắng tỏa sáng ở cấp tuyển trẻ chính là bệ phóng cho những học viên JMG chỉ xếp “loại khá” nhằm tìm kiếm cơ hội sang châu Âu chơi bóng.
Theo thỏa thuận giữa CLB Arsenal, Học viện Toàn cầu JMG và đối tác thứ 3, cụ thể là HAGL của VN, Muang Thong United  và Chonburi của Thái Lan hay Asec Mimomas của Bờ Biển Ngà… thì cầu thủ giỏi nhất ở mỗi khóa đào tạo sẽ được giao cho Arsenal toàn quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng, hai cầu thủ kém hơn một chút sẽ do JMG “thu nạp” để phân phối cho các CLB châu Âu khác. Số học viên còn lại sẽ được đối tác thứ 3 giữ lại để chuyển nhượng trong nước hoặc khu vực. Những cầu thủ này đều có chung khao khát được nhanh chóng tỏa sáng để làm bệ phóng sang châu Âu tìm việc.

Cầu thủ “nhí” của hai học viện Arsenal Thái Lan và Arsenal HAGL (phải)
tranh bóng.

Bài học của Thái Lan
Người Thái mở học viện trước Arsenal-HAGL JMG đến 2 năm nên cũng đã bắt đầu đón nhận những thành quả đầu tiên. Không giống như HAGL tự bỏ kinh phí ra hợp tác đầu tư, Học viện Arsenal của Thái Lan hoạt động dựa trên vốn đóng góp từ 3 phía là Tập đoàn Muang Thong, CLB Chonburi và LĐBĐ Thái Lan.
Vì lẽ đó mà đầu năm nay, sau khi Arsenal và JMG chọn xong 3/12 cầu thủ xuất sắc nhất của khóa 1 để đưa sang Bỉ thi đấu nhằm lấy được giấy phép lao động tại châu Âu (ở Bỉ chỉ mất 2 năm, trong khi các nước khác mất 3 năm), số cầu thủ còn lại được hai cổ đông chính của Học viện Arsenal Thái Lan chia nhau. Tập đoàn Muang Thong, nơi có CLB Muang Thong United, nhận 6 cầu thủ, trong khi CLB Chonburi được lấy 3 người.
Xét trình độ chuyên môn, 9 cầu thủ không may mắn được các tuyển trạch viên của Arsenal và JMG lựa chọn này thực ra đều là “hàng chất lượng cao”. Giám đốc Học viện Arsenal Thái Lan kiêm HLV trưởng Muang Thong United – ông Robert Procureur – nhận xét: “Không được Arsenal hay JMG chọn sang châu Âu cũng chẳng phải chuyện gì quá ghê gớm bởi thực chất, các cầu thủ này thừa trình độ chơi bóng ở những CLB hàng đầu châu Á cũng như ở cấp đội tuyển”.
Đó là lý do dù vẫn còn 2 năm nữa mới ra trường nhưng lứa cầu thủ này đã được LĐBĐ Thái Lan lên kế hoạch đưa lên đội tuyển U20, U23 Thái Lan. Riêng CLB Muang Thong United cũng đã đăng ký danh sách dự Thai-League 2011 cho 6 cầu thủ họ nhận. Như tuyên bố của ông Robert Procureur, những cái tên như Wirayut Gayum, Sinthipap Ratchaniyom, Wonat Tongkrue, Adisak Kalinkosom, Chatchat Thuptheap và Sasonpong Watanuchadit sẽ nổi tiếng ở châu Á trong 2-3 năm tới.
Khi đó, cánh cửa sang châu Âu chơi bóng sẽ lại rộng mở vì nhiều giải đấu ở Hà Lan, Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần nguồn cầu thủ giỏi từ châu Á nhằm làm tươi mới giải vô địch quốc gia của họ và thu hút thêm lượng CĐV lục địa đông dân nhất thế giới.
Không lo thất nghiệp
Giám đốc Học viện Arsenal-HAGL JMG, ông Huỳnh Mau, cũng rất lạc quan về tương lai của những cầu thủ không may mắn được chọn sang châu Âu. Ông nói: “Trình độ của các cầu thủ trẻ này rất giỏi. Nếu không được Arsenal chọn thì cũng sẽ có những đội bóng hàng đầu khác tuyển. Quan trọng là sau quá trình 7 năm huấn luyện, HAGL cũng đã có những định hướng riêng để không lãng phí nguồn tài năng mà chúng tôi đã bỏ ra cả triệu USD để đào tạo. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các cầu thủ này cho những đối tác, những CLB mạnh ở nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tất nhiên, mức giá của mỗi học viên này không rẻ, không thể cào bằng với những cầu thủ Việt được đào tạo bình thường ở các CLB khác. Ngoài ra, HAGL cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các học viên Arsenal-HAGL được thi đấu trong màu áo đội tuyển, trước mắt có thể là U19, U21 và U23 VN”.
Riêng với bầu Đức, ông tỏ ra rất thích áp dụng phương pháp của Arsenal Thái Lan, tức dùng đội tuyển làm bệ phóng cho các cầu thủ trẻ của học viện tự giới thiệu mình với… thế giới. Vì thế, nếu những gương mặt như Quốc Nhật, Nguyễn Lam, Quang Huy, Xuân Trường… giúp tuyển VN hay đội U23 VN thi đấu bùng nổ, giành nhiều chiến thắng ấn tượng thì chắc chắn cũng thu hút được sự quan tâm của các đội bóng lớn.
Tất nhiên, chi ra những khoản khổng lồ để đầu tư cho học viện, việc HAGL muốn kiếm lãi cũng là điều dễ hiểu. Theo thỏa thuận, nếu Arsenal hay JMG muốn bán cầu thủ từng xuất thân từ Học viện Arsenal-HAGL JMG, khoản tiền chuyển nhượng sẽ được chia theo tỉ lệ Arsenal hưởng 40%, JMG và HAGL cùng được hưởng 30%.
Riêng những cầu thủ xếp “loại khá” vốn lúc đầu không được các đối tác nước ngoài chọn, phía HAGL toàn quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng. Dự định đến năm 2012, một số tài năng “nhí” sẽ được tham dự V-League nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm trước khi ra mắt các nhà tuyển trạch đến từ châu Âu.
Trở thành ngôi sao của Arsenal là mong ước của tất cả học viên cũng như hàng ngàn cầu thủ “nhí” VN khác. Tuy nhiên, đó là một hành trình đầy chông gai mà để đạt được mục đích, bóng đá VN sẽ còn tốn rất nhiều sức lực và tiền bạc.
Anh Dũng (theo NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)