Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sao nở làm các em đau!…

Tạp Chí Giáo Dục

Dự án đưa trẻ có HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng đã được UB phòng chống AIDS TP.HCM và Sở GD-ĐT lên kế hoạch từ những năm trước. Ngày nhập học năm nay, hàng trăm phụ huynh ở huyện Củ Chi (TP.HCM) đã phản đối nhà trường là không cho con mình học cùng “bọn si-đa”…Nghe tiếng miệt thị của học sinh trường tiểu học An Nhơn Đông vừa đau, vừa buồn đến xót xa. Đau vì sao trẻ con lại nghe lời người lớn phân biệt đối xử với các bạn không may mắc bệnh AIDS. Mặc dù các cấp, ngành đã nỗ lực tuyên truyền để người dân, học sinh hiểu đúng về căn bệnh này.

Trẻ bị nhiễm HIV cũng như những em bé bình thường này, rất muốn đến trường và không bị cộng đồng kỳ thị.  Ảnh: Lê Nguyễn

Các xơ trong Trung tâm Mai Hòa đã chăm sóc các em tận tụy, và nhìn thấy cuộc đời của các em đang ngắn dần đi, muốn làm cho các em vui ở lứa tuổi nhi đồng là được học hành, vui chơi cùng chúng bạn. Đó là một ước muốn chính đáng của tuổi thơ, bất kể các em đó là ai. Các em có HIV cần được quan tâm, chăm sóc như bao đứa trẻ khác và có phần ưu ái (tình thương) hơn những đứa trẻ bình thường là điều mà mỗi cá nhân xã hội cần hướng tới, chung tay xoa dịu nổi đau.
Qua báo chí, tại TP.HCM đâu chỉ có Củ Chi mới nhận trẻ HIV vào học hòa nhập. Tại sao ở quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp làm được, phụ huynh các trường vẫn để các em học cùng các bạn không may mắc bệnh. Mấy năm trước đây, nhiều phóng sự rơi nước mắt của Đài truyền hình VN nói về sự cô độc trẻ em có HIV, côi cút trong nhà với ông, bà cho đến ngày sức lực yếu dần, rồi mất!…
Nếu công tác truyền thông tốt hơn mọi người hiểu đúng thì cuộc sống nhân ái hơn. Năm 2006, chị Phương Thanh (câu lạc bộ Hoa Sữa-Hà Nội) người mắc HIV/AIDS bị xóm giềng kỳ thị, đài VTV phát sóng về hoàn cảnh của chị, sự quẫn trí của chị khi biết mình mắc bệnh, thái độ sợ hãi khi gặp ánh mắt kỳ thị, và sự cô đơn, tuyệt vọng của chị. Xem chương trình xong, mọi người trong khu phố qua gõ cửa nhà chị để san sẻ, cảm thông với chị. Người lớn còn chịu không nổi với cú sốc như vậy, nói gì đến các trẻ em 7-8 tuổi của Mai Hòa. Các em như con chim non vừa biết bay gặp phải một cơn mưa giông rất lớn!
15 học sinh có HIV của Trung tâm Mai Hòa sợ hãi, khóc nức nỡ khi bị kỳ thị. Các em không dám đến trường nữa, các em đau thì những ai hiểu biết về căn bệnh AIDS cũng đau gấp bội. Các em đang đau đớn về thể xác với hệ miễn dịch yếu kém của cơ thể và rất dễ mắc bệnh cơ hội. Cú sốc tinh thần này sẽ ám ảnh quãng tuổi thơ còn lại của các em…
Qua rồi giai đoạn kỳ thị người có HIV, năm năm trước người con bị AIDS giai đoạn cuối cha mang ly nước cho con phải bọc giấy báo. Mẹ muốn tắt tivi phải lấy cái giẻ dọc lại ngón tay. Những hình ảnh đau lòng ấy là do nhận thức yếu kém, công tác tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả. Chúng ta cũng không trách phụ huynh được, nhưng quan trọng là làm cho phụ huynh hiểu. Chúng ta có thể dùng luật để chế tài người kỳ thị, nhưng liệu có làm được không. Để dân hiểu về bệnh và sống chung chia sẻ với người bệnh là điều cần làm ngay.

QUỐC VIỆT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)