Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sao phải “khăn gói” đi hội giảng?

Tạp Chí Giáo Dục

Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2018 sắp diễn ra (khai mạc ngày 15 và kết thúc ngày 21-9 tại Hà Nội), thu hút 373 nhà giáo đến từ 244 cơ sở GDNN thuộc 56 tỉnh/thành. Với số lượng nhà giáo tham gia hội giảng tăng theo từng năm, bài giảng được đánh giá có chất lượng ở nhiều ngành nghề mới. Điều này cho thấy sự quan tâm của các địa phương, các trường nghề đối với việc khẳng định thương hiệu riêng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng GDNN của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Về cơ bản, mục đích của hội giảng là để các nhà giáo trên toàn quốc có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, trau dồi chuyên môn. Thực tế qua nhiều năm, các nhà giáo tham gia hội giảng từ cấp cơ sở cũng không phải vì phong trào, vì danh hiệu hay giải thưởng mà hơn hết là tâm huyết, là trách nhiệm của bản thân đối với những thế hệ trẻ đang theo học nghề. Tuy nhiên, với quy mô hội giảng toàn quốc, kinh phí để tổ chức là không hề nhỏ. Chưa nói đến công tác tổ chức, hội họp, chi phí cho chuyên gia tại địa phương, chỉ việc chuẩn bị 3 bài giảng (lý thuyết, thực hành và tích hợp), mỗi bài giảng khoảng 40-50 trang A4 gửi về Ban tổ chức trước khi bốc thăm chọn bài giảng chính thức đã rất tốn kém. Trong khi đó, Ban tổ chức chỉ chuẩn bị thiết bị, máy móc nặng nề, cồng kềnh, còn các địa phương phải tự chịu trách nhiệm về nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị… chuẩn bị cho bài giảng. Vì vậy, ngoài chi phí đi lại cho các nhà giáo, nhiều địa phương phải thuê công ty dịch vụ vận chuyển thiết bị đến Hà Nội với giá khá cao. Thêm nữa, để bài thuyết trình thêm sinh động, lôi cuốn, không ít nhà giáo phải chuẩn bị thêm học sinh, sinh viên thật (thay vì giả định) để tham gia. Đơn cử như TP.HCM có 22 nhà giáo tham gia hội giảng năm nay, chỉ xếp sau Hà Nội. Ngoài số này còn có chuyên gia, hậu cần, đại diện các trường, cơ quan quản lý… Từ ngày khai mạc đến bế mạc kéo dài 1 tuần (tuy nhiên trước đó 2 ngày các nhà giáo phải có mặt để bốc thăm bài giảng), chi phí ăn ở, đi lại là không nhỏ.

Thay vì tổ chức hội giảng tập trung, các địa phương phải “khăn gói” đi thi như hiện nay, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) chỉ cần chỉ đạo các địa phương tổ chức hội giảng cấp tỉnh/thành và chọn lọc những bài giảng có chất lượng gửi về Tổng cục. Những bài giảng, bài thuyết trình (video) đó đăng tải trên website của Tổng cục để các nhà giáo có thể tham khảo, đóng góp ý kiến và đây cũng chính là cơ sở để đánh giá bài giảng có chất lượng. Từ đó, Tổng cục GDNN có thể chủ động chọn những bài giảng hay, thuyết phục để trao giải, như vậy sẽ khách quan, công bằng mà còn tiết kiệm được khoảng kinh phí khá lớn cho các trường cũng như địa phương. Hơn nữa, với cách làm này, bài giảng xuất sắc của các nhà giáo sẽ được chia sẻ rộng hơn, không chỉ nhà giáo mà học sinh, sinh viên cũng được tiếp cận. 

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)