Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sao thầy cô để nó như vậy?

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay tôi lên ngã ba gần nhà mua đồ. Nơi đây là cái chợ mini cũng là chỗ các chị em trong làng hàn huyên tâm sự. Đề tài bây giờ không gì khác ngoài kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Câu chuyện của các mẹ bàn về nguyên nhân hỏng tốt nghiệp của con em. Một hai chị than con mình học dốt, rớt tốt nghiệp thì chắc cầm cuốc chứ biết làm gì. Có đi học nghề thì cũng là cu li, một chị bĩu môi nói thế. Một chị khác thì hùng hồn tuyên bố, mấy đứa nó hỏng tốt nghiệp là do điểm liệt, không biết môn ấy dạy dỗ, học hành ra sao mà yếu kém dữ. Bỗng một chị thấy tôi, bèn xuống giọng sẻ chia, học trò thi rớt, cha mẹ buồn, thầy cô giáo thì có vui sướng gì, đằng nào cũng bị cấp trên gọt giũa mà, đúng không cô? Tôi chỉ biết cười.

Một chị có em gái thi hỏng, môn toán bị 0 điểm dù tổng điểm tới 19,5. Dường như không kiềm chế được, chị không để ý đến tôi mà trách thẳng. Chị bảo, em gái chị học khá từ nhỏ chứ có phải tối bụng tối dạ gì. Lớp 10, 11 vẫn là học sinh khá. Vậy mà bước vô lớp 12 là chỉ lo sửa soạn, bạn bè. Lén mẹ đi nhuộm tóc. Mẹ thì già quá rồi, đâu có quản nổi, thế là suốt ngày chải chuốc đỏm dáng, hiếm thấy mở sách vở ra học, thế là giờ thi rớt. Thi rớt thì ôm rau ôm bí theo chị ra chợ bán chứ biết làm gì. Học hành kiểu gì mà ra vậy không biết nữa(?!). Mà không hiểu sao các thầy cô chẳng làm gì, để những cái đầu xanh đỏ, quắn tít như thế tới trường mà dạy được, hay thiệt. Học trò bỏ bê chuyện học mà cứ để vậy nhìn. Không có biện pháp để tụi nó học, giờ hỏng thi, có phải đổ sông đổ biển mồ hôi của cha mẹ nghèo không? Nghe xong thì tôi não ruột, trong lời trách móc kia có ý ủy thác 100% việc giáo dục con em cho thầy cô, nhà trường.

Tôi còn đang nghĩ mình nên nói gì trong lúc này thì một chị phụ huynh bình tĩnh nói hộ. Chuyện các em có tác phong luộm thuộm, đi học chểnh mảng đương nhiên là vi phạm nội quy nhà trường rồi. Chuyện đó sẽ bị nhắc nhở, khiển trách, kiểm điểm, kỷ luật. Mà nói thật, học sinh cá biệt thì thường không sợ các hình thức kỷ luật, càng đe thì càng cố làm như thể thách thức thầy cô. Hình thức kỷ luật buộc thôi học đâu có dễ dàng áp dụng. Em chị nhuộm tóc, thầy cô nhắc nhở, khiển trách, không nghe thì hạ đạo đức, báo với gia đình để cùng giáo dục là đúng rồi. Làm gì thì cũng trong quyền hạn thôi, đủ cách mà không nghe thì đành chịu chứ không lẽ đuổi học vì… nhuộm tóc, có thầy cô nào dám cầm kéo hớt đi không? Còn chuyện hỏng thi, không được đổ thừa cho ai cả. Thầy cô thì chỉ có thể dạy dỗ chớ làm sao học giùm, thi giùm trò được.

Trước tình huống này, giáo viên như tôi cũng chỉ im lặng đi về, lòng nặng trĩu. Vì tôi biết, câu chuyện học trò nhuộm tóc mà vẫn được đến trường chỉ là cái cớ để quy trách nhiệm học trò thi hỏng cho thầy cô. Câu hỏi: “Sao thầy cô để nó như vậy?” là để khẳng định, tại thầy cô mà con em tôi thi hỏng. Thì đúng rồi, học trò hỏng thi thì giáo viên cũng có một phần lỗi. Nhưng thái độ khoán trắng cho thầy cô rồi quy trách nhiệm thì thực là tư duy tai hại.

Nguyn Th Bích Nhàn
(Trưng THCS và THPT Võ Văn Kit,
Sông Hinh, Phú Yên)

Bình luận (0)