Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Sao” Việt và những cái Tết không quên!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng đã từng trải qua những cái Tết gắn liền với một số kỷ niệm vui buồn khó quên. Các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng cũng thế. Những ngày Xuân Canh Dần, hãy nghe họ hoài niệm về những cái Tết đặc biệt nhất trong cuộc đời mình.
Ca sĩ Quang Dũng: Hai cái Tết ấn tượng trong đời

Quang Dũng – Ảnh: Quốc Huy

Những ngày còn sống ở quê nhà Quy Nhơn, tôi nhớ mãi cái Tết năm 1997. Năm đó, vào những ngày trước Tết, tôi cùng một nhóm bạn đi làm thêm, nhận in lịch cho các trung tâm dịch vụ làm quà cuối năm. Được một số tiền kha khá, ngày mùng Một Tết, tôi thuê nguyên một chiếc xe 16 chỗ đưa cả gia đình đến một khu du lịch cách Quy Nhơn khoảng 50km. Đây cũng là lần đầu tiên bố mẹ tôi và gần chục anh em trong gia đình được ăn Tết xa. Cả nhà vui lắm, đem theo nồi niêu, xoong chảo và các thứ bánh trái để nấu ăn tại chỗ… Sau cái Tết vui vẻ đó, tôi từ giã gia đình vào TP.HCM lập nghiệp. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in, trong căn phòng thuê rộng chưa đầy 20 mét vuông ở một xóm lao động nghèo của quận 11, tôi nằm một mình mà miên man suy nghĩ giữa chiều 30 Tết năm 1998. Lúc ấy, tôi chọn con đường làm ca sĩ nhưng chưa gặp vận may, tôi không biết phải chia sẻ cùng ai cũng như không dám nói thật với gia đình về cuộc sống hiện tại của mình vì sợ ba mẹ lo buồn. Lúc nào, trong những lá thư gửi về gia đình tôi đều nói dối là cuộc sống của mình ở TP.HCM rất hạnh phúc, thoải mái. Không một ai biết đã nhiều ngày liền và cũng tối 30 Tết ấy, tôi không có show diễn. Đêm giao thừa năm đó, tôi lang thang ra một bưu điện gần nhà, gọi điện về quê chúc Tết bố mẹ với giọng thật vui mà trong lòng thật trống vắng, nghẹn ngào. Cứ vậy, một mình tôi bước đi vô định, rồi vào một ngôi chùa ngồi đến tận sáng mùng Một Tết… Bây giờ, những cái Tết trong tôi thật tràn ngập hạnh phúc với rất nhiều show diễn và tình yêu thương của khán giả hâm mộ, nhưng mỗi lần nhớ lại cái Tết năm ấy, tôi không khỏi bồi hồi…
NSƯT Kim Cương: Cái Tết đầu tiên không có má…

Kim Cương. Ảnh: T.Hiệp

Đối với tôi, cái Tết mà tôi không bao giờ quên được trong cuộc đời mình là cái Tết năm 2005 – cái Tết mà má tôi, NSDN Bảy Nam vừa qua đời. Đó là cái Tết tôi đau đớn trong lòng. Theo truyền thống của gia đình tôi, cứ tối 30 Tết sau khi cúng giao thừa xong, cả nhà quây quần bên má để chúc Tết, sau đó má lì xì cho cả nhà. Năm má tôi mất, 10 giờ tối ngày 30 Tết tôi đã khóc đến 3 giờ sáng mùng Một. Sự thiếu vắng tình thương người mẹ trong ngày Tết là một nỗi đau quá lớn đối với tôi. Suốt 18 năm làm Đoàn kịch Kim Cương, năm nào cũng vậy, đúng 8 giờ sáng mùng Một Tết, má yêu cầu anh em nghệ sĩ phải có mặt tại rạp để má lì xì lấy lộc đầu năm. Mỗi ngày Tết diễn 3 suất nên anh em nghệ sĩ không có ai về nhà ăn Tết, thế là má thuê người nấu cơm, thịt kho, làm dưa giá, mua bánh tét, bánh chưng, dưa hấu… vào hậu trường cho toàn bộ anh em nghệ sĩ ăn, vui lắm. Má nói: “Văn hóa ngày Tết của dân mình ngộ lắm, phải ăn cho ngon, phải ăn cho no để mong sự sung túc, ấm no…”. Sau khi giải tán đoàn kịch, ngày 29 Tết má đều bảo tôi phải quy tụ anh em Đoàn kịch Kim Cương đến nhà nhận thực phẩm Tết: mỗi người một chục hột vịt, 2 ký thịt, một bao gạo, vài gói bánh mứt… Đó cũng là cách để má tránh nỗi buồn khi nhớ về tập thể Đoàn Kim Cương với nhiều năm dài gắn bó bên nhau. Bây giờ má mất, tôi vẫn tiếp tục giữ thói quen này của má trong mỗi dịp Tết. Những năm má còn sống, ngày Tết má tôi thường hay dành số tiền con cháu cho để gửi tặng những mảnh đời đang gặp khó khăn. Sau khi má tôi qua đời, tôi đã lục trong tủ áo của má, phát hiện nhiều biên nhận gửi tặng tiền từ thiện qua các tổ chức xã hội và các báo, má tôi chỉ ghi tên người tặng: bà tư bán chè, bà năm bán hột vịt lộn, cô bảy bán xôi… Chính vì nghĩa cử của má mà tôi xúc động. Má tôi là tấm gương cho con cháu, bà thường khuyên: muốn tâm hồn mình luôn xuân thì hãy sống vì mọi người…
NSƯT Bảo Quốc: Ngày xuân gặp… cướp cạn
Mùa xuân năm 1998, tối mùng 2, tôi chở Duy Phương trên chiếc xe Dream II chạy show xuống Thủ Đức diễn cho bầu Duy Ngọc. Ngang qua cầu Bình Triệu, tự dưng phía trước có một đám thanh niên chặn đường hô to: “Muốn sống thì móc hết tiền, đồng hồ để lại trên xe rồi qua cầu”. Nhưng rồi trong đám có người cười thật giòn: “Ê! Tụi bây ơi, Bảo Quốc kìa”. Lúc này Duy Phương mới chịu ló mặt ra vì quá sợ (nãy giờ núp sau lưng tôi): “Tui nữa nè”. Cả đám thanh niên vây quanh hai anh em chúng tôi cười tíu tít. Lần đó thoát nạn nhờ mình là nghệ sĩ nhưng chúng tôi chạnh lòng vì họ còn quá trẻ mà đã sống bằng cái nghề bất lương. Thử hỏi trong đêm khuya như vậy có bao nhiêu người bị hại. Sau này có chiến dịch truy quét, nạn chặn đường xin đểu, giựt dọc đã giảm đi. Năm 2004, cũng vào dịp xuân về, tôi được mời vào trại giam biểu diễn phục vụ phạm nhân, đi ngang qua một nhà ăn tập thể, tôi nghe có tiếng gọi: “Chú Bảo Quốc, chú nhớ con không, con là thằng ở cầu Bình Triệu hôm đó thả chú đi đó”. Tôi giật mình, chàng thanh niên đó nói tiếp: “Qua Tết con được đưa về địa phương giáo dục. Con cai nghiện được rồi, sẽ đi coi chú diễn đều đều…”… Bỗng dưng tôi xúc động. Xã hội còn nhiều thanh niên sa chân vào con đường nghiện ngập, mùa xuân rồi sẽ về với họ và xã hội biết quan tâm, giúp họ phục hồi chức năng, trở lại với cuộc sống cộng đồng. Hồi xưa tôi diễn vai Y xì ke trong vở Bóng tối và ánh sáng trên Sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga, tôi thường ra khu Dân sinh để quan sát mấy tay chích choác. Có lần bị đồn: “Bảo Quốc chơi xì ke thiệt nên diễn vai đó hay quá. Tôi gặp ổng ngoài chợ Dân sinh hoài”. Chị Thanh Nga nghe vậy tưởng thiệt, lôi tôi ra tra hỏi. Nghệ sĩ chúng tôi là vậy, tiếng cười có khi được đúc kết bằng mồ hôi, nước mắt và những gian truân…
Thanh Hiệp – Lữ Đắc Long – Khôi Nguyên

 

Bình luận (0)