Vaccine phòng ngừa SXH Dengue được lưu hành sẽ góp phần khống chế dịch bệnh
|
Mỗi năm trên thế giới ước tính có khoảng 50 triệu người nhiễm sốt xuất huyết (SXH). Trong đó có khoảng 500.000 trường hợp cần nhập viện và 25.000 người tử vong. Vì vậy, thông tin về loại vaccine ngừa SXH Dengue có thể giúp phòng ngừa được 56,5% ca SXH, giảm 88,5% ca SXH thể nặng và giảm 67% nguy cơ nhập viện đã đem đến niềm hy vọng cho toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vaccine đang chờ được lưu hành
Vaccine SXH Dengue là kết quả nghiên cứu của Sanofi Pasteur trong thời gian ròng rã suốt 20 năm, trong đó có sự hợp tác của Viện Pasteur TP.HCM.
PGS.TS.BS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tại Việt Nam cho biết, vaccine này là kết quả thử nghiệm vaccine ngừa bệnh SXH giai đoạn 3 được thực hiện ở 5 quốc gia châu Á có lưu hành dịch SXH gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Tại hội thảo “Hiệu quả vaccine SXH Dengue và ý nghĩa thực tiễn cho cộng đồng” được tổ chức tại Viện Pasteur TP.HCM mới đây, BS. Hữu cho biết đây là nghiên cứu đa trung tâm, có đối chứng trên 10.275 trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 14 tuổi. Riêng ở Việt Nam, nghiên cứu do Viện Pasteur TP.HCM triển khai từ tháng 9-2011, tại TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) và TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) với 2.336 trẻ được tiêm thử nghiệm.
Theo đánh giá của BS. Hữu, kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 đã hoàn thành và cho kết quả tốt đẹp. Bằng chứng là các đối tượng được tiêm thử nghiệm không có dấu hiệu cảnh báo về tính an toàn hoặc mẫn cảm, không có biến chứng hoặc tử vong sau khi được tiêm 3 mũi tiêm cách nhau 6 tháng. Đặc biệt từ ngày 28 sau tiêm, vaccine sẽ phát huy hiệu quả phòng ngừa SXH.
BS. Hữu cho biết, trên thế giới cho đến nay thì đây là vaccine duy nhất có đầy đủ số liệu về tính an toàn và tính hiệu quả. Tức là nó đã hoàn thành nghiên cứu ở giai đoạn 3. Còn các vaccine ngừa SXH khác thì đang trong quá trình thử nghiệm, có thể là giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2.
Theo quy định, giai đoạn 3 là giai đoạn buộc phải trải qua trước khi đăng ký lưu hành vaccine. Và theo tiến trình, vaccine khi đã được cấp phép lưu hành thì sau đó sẽ có nghiên cứu hậu mãi (nghiên cứu giai đoạn 4). Nghiên cứu thuộc giai đoạn này là nghiên cứu ở mức độ lớn hơn để tìm ra những biến cố hiếm gặp khi tiêm vaccine hoặc đánh giá được hiệu quả lâu dài của vaccine. Theo kế hoạch, nghiên cứu còn tiếp tục thực hiện đến tháng 11-2017 nhằm theo dõi tính an toàn lâu dài của vaccine đối với trẻ em tham gia nghiên cứu. Đồng thời, đơn vị nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích đầy đủ hơn dữ liệu đánh giá hiệu quả và an toàn của vaccine SXH Dengue.
Mở ra hy vọng cho ngành y tế Việt Nam
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có 94.000 trường hợp mắc SXH và 87 ca tử vong. Mặc dù năm nay, số ca mắc SXH trên cả nước giảm so với năm ngoái, nhưng gánh nặng của dịch bệnh vẫn còn nặng nề. Ông cũng nói rằng suốt 30 năm qua nước ta vẫn đang loay hoay trong việc phòng ngừa bệnh SXH. Vì vậy, kết quả của nghiên cứu vaccine SXH Dengue có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh trong thời gian tới.
Giải đáp một vài thắc mắc vì sao Việt Nam được chọn là một trong những điểm được thử nghiệm vaccine phòng ngừa SXH, BS. Hữu lưu ý: “Vaccine muốn được lưu hành tại Việt Nam, nhất thiết phải được thử nghiệm trên người Việt Nam thì mới có thể rút ngắn được thời gian đưa vaccine vào sử dụng sau khi vaccine được nghiên cứu thành công”.
BS. Hữu cũng đưa ra một nhận định lý thú rằng khi tham gia vào công trình nghiên cứu mang tính quốc tế, thì trình độ của các cán bộ y tế của nước nhà trong công tác nghiên cứu y học cũng sẽ được nâng lên một bước. Đồng thời, các đơn vị tham gia vào nghiên cứu này cũng được chuẩn hóa. Do đó tất cả các phòng xét nghiệm ở tuyến tỉnh cũng như ở Viện Pasteur đều phải đảm bảo chuẩn ISO thì mới được tham gia công trình này.
Đánh giá cao về kết quả nghiên cứu, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur nói rằng cả thế giới và ở Việt Nam bao lâu nay vẫn tích cực phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp như kiểm soát véc tơ, chẩn đoán điều trị, giám sát phối hợp liên ngành nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Do đó vaccine phòng ngừa SXH ra đời sẽ giúp cho ngành y tế có thể kiểm soát và khắc phục dịch bệnh ngày một hiệu quả hơn. Qua đó dần hướng đến mục tiêu của WHO là giảm 50% tỷ lệ tử vong và giảm 25% tỷ lệ mắc bệnh do SXH vào năm 2020.
Bài, ảnh: Bích Vân
Với kết quả bước đầu này, GS.TS.BS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Chúng ta đang tiến dần đến vaccine phòng ngừa bệnh SXH. Việc ra đời của loại vaccine SXH Dengue kết hợp với các biện pháp dự phòng và quản lý nguồn lây sẽ giúp cho cuộc chiến đấu chống lại SXH có hiệu quả triệt để hơn, góp phần mang lại những lợi ích to lớn cho ngành y tế nói riêng và tình hình kinh tế – xã hội nói chung”. |
Bình luận (0)