Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Sắp đến ngày đi thi quốc tế, một học sinh vẫn chưa được cấp visa

Tạp Chí Giáo Dục

Đề tài Phần mềm tích hợp học sâu của nhóm 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) là Nguyễn Lê Quốc Bảo (lớp 12CA3) và Lê Tuấn Hy (lớp 12B) được Bộ GD-ĐT chọn dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ vào ngày 11-5 tới, song đến nay em Nguyễn Lê Quốc Bảo vẫn chưa được cấp visa.


Em Nguyễn Lê Quốc Bảo (bên phải) và em Lê Tuấn Hy trong lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Giáo dục TP.HCM về đề tài

Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 11 đến 17-5 tại thành phố Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ. Tham dự cuộc thi, đoàn Sở GD-ĐT TP.HCM gồm 5 thành viên sẽ đi cùng đoàn của Bộ GD-ĐT khởi hành đến Hoa Kỳ vào ngày 10-5-2024.

Mặc dù vậy, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, đến thời điểm này, đoàn còn 1 thành viên là thí sinh tham dự thi chưa có visa là em Nguyễn Lê Quốc Bảo. Em đã phỏng vấn vào ngày 25-4-2024 nhưng không được cấp visa. Em đã đăng ký lại và được xếp lịch hẹn phỏng vấn lần hai vào ngày 30-5-2024.

Nhằm hỗ trợ visa cho học sinh tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn khẩn trình Thường trực UBND TP, Sở Ngoại vụ TP.HCM đề hỗ trợ có công hàm gửi Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho em Nguyễn Lê Quốc Bảo được phỏng vấn sớm để kịp lịch trình tham gia hội thi.

Đồng thời Sở GD-ĐT TP.HCM có công văn khẩn gửi Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đề nghị Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tạo điều kiện cho em Nguyễn Lê Quốc Bảo được phỏng vấn sớm để kịp lịch trình tham gia hội thi.

Đề tài Phần mềm tích hợp học sâu Nguyễn Lê Quốc Bảo (12CA3) và Lê Tuấn Hy (12B) – học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hướng tới việc hỗ trợ y bác sĩ và chuyên gia chẩn đoán hình ảnh đưa ra kết quả chẩn đoán từ hình chụp chiếu cắt lớp bằng việc tái tạo những hình ảnh 2D chuyển sang 3D mô phỏng, qua đó dễ dàng phục vụ cho thực hành y khoa.

Phần mềm dự án trải qua 4 phiên bản, từng phiên bản đều được nâng cấp để đáp ứng mong muốn thực tế của các y bác sĩ. Trong đó, từ phiên bảo sơ khai ban đầu là một trang web giao diện màu trắng với chức năng đơn giản đã dần hoàn thiện về môi trường thực tế ảo, hình ảnh 3D, cơ bản giúp các bác sĩ, sinh viên y khoa thực hiện được các thao tác phẫu thuật đơn giản, tính được thể tích buồng tim trong khoảng lệch chấp nhận, hỗ trợ y bác sĩ thuận lợi hơn trong phân tích, hậu phân tích để đưa ra các chẩn đoán phù hợp, giải thích cho bệnh nhân về bệnh lý của mình.

Riêng ở phiên bản nâng cấp thứ 4, nhóm nghiên cứu đã trực tiếp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện quận 1 để quan sát, trao đổi với các y bác sĩ về phần mềm mà nhóm đã thực hiện. Bên cạnh đó, trao đổi trực tuyến với bác sĩ của Bệnh viện Tim thành phố. Từ những trao đổi thực tế, nhóm thấy rằng điều các y bác sĩ cần thêm ở phần mềm đó là hậu phân tích sau khi dựng 3D để có thể đo được thể tích buồng tim, đo đường kính động mạch vành, đo độ dày của thành cơ tim; Cải thiện môi trường thực tế ảo để có thể hỗ trợ cho công tác giảng dạy y khoa; Đặc biệt là tính chính xác của kết quả dựng 3D, phân tích hậu phân tích.

Từ “đặt hàng” của các y bác sĩ cho dự án, nhóm bắt tay viết một thuật toán nghiên cứu sâu về hậu phân tích sau khi dựng 3D.

“Sau cải tiến lần thứ 4, chúng em đã khảo sát ý kiến đánh giá từ các bác sĩ, sinh viên khoa. Với 15 sinh viên, 4 bác sĩ tham gia khảo sát, kết quả là 8.5/10 là điểm số về mức độ đáp ứng của phần mềm với những kỳ vọng thực tế. Băn khoăn lớn nhất của y bác sĩ vẫn là tính chính xác của mô hình 3D phải thể hiện bằng các số liệu. Đây là bước tiếp theo đang được nhóm thực hiện… Ngoài ra, nhóm còn cải tiến thêm về tốc độ chạy của phần mềm để nhiều máy tính có thể chạy tốt được phần mềm…” – Tuấn Hy nói thêm.

Yến Hoa

Bình luận (0)